Buổi sáng ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
7 giờ sáng - thời điểm người dân Hà Nội bắt đầu một ngày làm việc mới, chị Thân Thị Thu Thủy (phường Thọ Xương, Bắc Giang) lại có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không phải để khám bệnh, cũng không phải để đưa người nhà đi viện mà với một mục đích khác, đó là hiến tiểu cầu - nghĩa cử mà chị đã và đang làm trong suốt nhiều năm qua.
7 giờ 30, số người tranh thủ đến hiến máu trước khi đi làm, đi học cũng bắt đầu đông lên. Với nhiều người, việc hiến tiểu cầu để góp phần giúp đỡ những người bệnh cần máu đã trở thành việc làm quen thuộc trong cuộc sống của họ ở Hà Nội.
Với chị Thủy, các bác sĩ, y tá ở đây đã quen với sự xuất hiện của chị như một người thân trong gia đình.
Chị Thủy chia sẻ: "Trước đây tôi hay hiến toàn phần, cứ ba tháng sẽ đến bệnh viện một lần. Nhưng từ năm 2022, nếu không có việc gì đột xuất thì đúng 21 ngày là tôi bắt xe ô tô khách để xuống đây hiến tiểu cầu. Tôi đã 40 lần hiến tiểu cầu nhưng chưa lần nào gặp vấn đề gì. Khi đến đây tôi thấy bất ngờ, cứ tưởng mình đi sớm nhất nhưng đến đã thấy rất nhiều các anh chị em. Các y bác sĩ đều nhớ hết các bạn, các em, nhớ tất cả các bạn hiến máu của các tỉnh chứ không phải cá nhân tôi".
Buổi sáng ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương luôn là thời điểm đông người dân đến hiến máu nhất. Các y bác sĩ cũng đã quen với công việc này nên không gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp đón và sắp xếp.
Những người đến hiến máu tại đây có đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp nhưng đa phần là những người trẻ, khỏe mạnh, có đủ tiêu chuẩn để tham gia hiến máu. Bên cạnh đó cũng có những người lớn tuổi như ông Đăng Ngọc Lâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Dù bận đi làm, nhưng hàng tháng ông vẫn đều đặn đến các điểm hiến máu để hiến tiểu cầu.
Ông Lâm cho biết: "Đây là lần thứ 29 mình đi hiến máu và hiến tiểu cầu. Nó đã trở thành thói quen rồi, cứ 21 ngày là mình tới viện. Mình sẽ phải xin phép đến công ty muộn mất một tiếng đồng hồ, lúc 6 giờ 45 phút mình đưa con ra bến xe buýt rồi bắt đầu tới viện. 7 giờ đăng ký làm thủ tục, 7 giờ 30 bắt đầu được lên bàn để hiến máu".
9 giờ sáng là thời điểm đông nhất tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Không còn một hàng ghế nào còn trống. Ai cũng vui vẻ, trò chuyện rôm rả. Nhiều người trong số đó đã đến hiến cả chục lần nhưng lần nào cũng cảm thấy háo hức như lần đầu tiên.
Một ngày mới ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cứ thế trôi đi trong nhịp sống bận rộn của thành phố. Nhưng chính trong sự tất bật ấy, ta lại thấy được những điều lặng lẽ mà đẹp đẽ trong sự tận tâm của những người thầy thuốc và tấm lòng rộng mở của những người hiến máu.


Không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp vốn có, hồ Tây bao năm qua vẫn luôn thu hút thực khách bởi ẩm thực phong phú và đa dạng. Đây là địa điểm không thể bỏ qua nếu ghé thăm Thủ đô Hà Nội.
Trong không gian rộn ràng tiếng máy móc và mùi kim loại, xưởng cơ khí không chỉ là nơi chế tạo nên những cỗ máy mà còn là sân khấu của những người thợ lành nghề.
Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội năm nay, lần đầu tiên công nghệ AI Chatbot được đưa vào tư vấn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham dự.
Nghề thổi thuỷ tinh ở Vạn Nhất đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Họ quen tay, quen việc, quen cả tiếng lửa tí tách mỗi ngày.
Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.
Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
0