Nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu độc nhất ở Hà Nội
Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đến nay vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đã có tuổi đời hàng trăm năm. Giữa nhịp sống hiện đại đang cuộn chảy từng ngày, vẫn còn đó những giá trị văn hóa truyền thống đang lặng lẽ tồn tại, không ồn ào, không hoa lệ, nhưng đầy sức sống và tự hào.
Một trong số đó là nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Giữa sáu phường rối nổi danh của Hà Nội, chỉ có phường rối Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức là nơi duy nhất vẫn giữ gìn nghệ thuật múa rối cạn - một hình thức biểu diễn vừa mộc mạc, vừa đầy lôi cuốn mà khó nơi nào có được.
Tình yêu với nghệ thuật múa rối cạn đã được nuôi dưỡng trong trái tim nghệ nhân Phạm Công Bằng từ thuở bé khi bố của anh là cố nghệ nhân Phạm Văn Bể cũng là người đã vực dậy múa rối cạn Tế Tiêu sau một thời gian dài gián đoạn. Nghệ nhân Phạm Công Bằng kể, ngay từ khi còn bé, anh đã biết cầm điều khiển con rối. Chính những trải nghiệm ấy đã giúp nghệ nhân Phạm Công Bằng gắn bó sâu sắc với nghệ thuật múa rối cạn và luôn mong muốn được tiếp bước bố để phát triển và gìn giữ môn nghệ thuật này.
"Cha tôi là cố nghệ nhân Phạm Văn Bể cũng rất đam mê nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu. Tại vì tôi được chứng kiến từ bé, tôi thấy ông vừa lao động để nuôi sống gia đình, vừa bớt chút thời gian đẽo gọt các con rối và tổ chức biểu diễn. Đấy là một hình ảnh rất là đẹp đối với tôi và với nhân dân ở địa phương, họ cũng rất mến phục ông. Từ bé, được sinh ra trong gia đình nơi bố mình giữ truyền thống nghệ thuật thì nó cũng ngấm vào trong tôi. Sau này mặc dù trưởng thành và xây dựng gia đình, nhưng nghệ thuật đã ngấm vào trong máu của tôi và như một truyền thống của gia đình, tôi đã giữ lại được nghệ thuật múa rối cạn đến hiện tại" - nghệ nhân Phạm Công Bằng chia sẻ.
Từ những khúc gỗ chưa có hình, có dáng, qua đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân, những con rối dần thành hình các nhân vật có hồn, có sức sống. Việc tạo hình con rối đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Đặc biệt, trong công đoạn đục đẽo tạo hình khuôn mặt, mọi chi tiết đều được làm hoàn toàn thủ công, do chính tay nghệ nhân thực hiện, mang đến sự sống động và nét riêng biệt cho từng con rối.

Theo nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, một vở múa rối cạn tuy chỉ kéo dài từ 3-5 phút thế nhưng, để có một vở diễn mới hoàn chỉnh đòi hỏi sự chuẩn bị, tập luyện có thể tính từ vài tuần đến vài tháng. Chủ đề của các vở diễn múa rối cạn thường gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất của người nông dân, cuộc sống vùng nông thôn hay những vở diễn từ các truyện cổ tích, ngụ ngôn để mang tính chất giáo dục.
Đến nay, nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng vẫn tiếp bước cha mình là cố nghệ nhân Phạm Văn Bể duy trì và phát triển phường rối Tế Tiêu. Bên cạnh những vở diễn truyền thống, nghệ nhân Phạm Công Bằng cũng sáng tạo thêm các vở diễn mới với nội dung trẻ trung, hiện đại hơn để có thể mang sân khấu múa rối cạn Tế Tiêu đến gần hơn với nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Nghệ nhân Phạm Công Bằng cho biết: "Chúng tôi là những nghệ nhân trẻ nhưng cũng có suy nghĩ làm sao để cho phù hợp với cuộc sống đời sống thường ngày. Ví dụ như ngày xưa thì mình hát làn điệu: hát chèo, hát văn, hát tuồng. Nhưng bây giờ có thể chúng tôi sẽ cho con rối múa, hát theo những bài hát mang tính chất đương đại hoặc những trò diễn và nhân vật có sự pha trộn mới cũ, biểu diễn một trò diễn gây tiếng cười, niềm vui. Cuộc sống đời thường đang xuất hiện ở trên các trò diễn, đó là điểm khác so với ngày xưa, nó đã có sự biến đổi để phù hợp với thực tế đời sống hiện đại".
Với nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, nghệ thuật múa rối cạn không chỉ là một nét văn hóa cổ truyền phải gìn giữ mà còn là hơi thở, là máu thịt, là cả tuổi thơ và cuộc đời gắn bó với từng con rối gỗ mộc mạc. Mỗi lần đứng sau sân khấu hay tự tay tạo nên những con rối gỗ, nghệ nhân Phạm Công Bằng cảm thấy mình đang nối tiếp sợi dây văn hóa của cha ông để lại.

Đối với làng Tế Tiêu - ngôi làng duy nhất ở Hà Nội còn giữ được nghệ thuật múa rối cạn, nơi đây không chỉ là cái nôi của một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, mà còn là niềm tự hào, là điểm sáng đặc biệt trong bức tranh các làng nghề truyền thống của Thủ đô.
"Đây là niềm tự hào cho cá nhân tôi, tự hào cho quê hương tôi, nhưng cũng là tự hào cho thành phố. Chúng tôi được đi biểu diễn, được đi diễu hành di sản ở Hồ Gươm và được lời động viên cổ động, yêu quý của khán giả trong và ngoài nước. Mình giữ được văn hóa truyền thống và được thể hiện trước khán giả là một điều quan trọng cần bảo tồn và giữ gìn" - nghệ nhân Phạm Công Bằng cho biết.
Múa rối cạn Tế Tiêu, qua bao thăng trầm, vẫn luôn giữ trọn vẹn những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương. Những con rối, dù là những khối gỗ mộc mạc, nhưng lại mang trong mình cả một linh hồn, phản chiếu những câu chuyện dân gian đầy sâu sắc. Múa rối cạn Tế Tiêu không chỉ là một phần di sản văn hóa của Hà Nội, mà còn minh chứng cho sức mạnh của tình yêu nghề, yêu nghệ thuật truyền thống của những người dân làng Tế Tiêu luôn mong muốn gìn giữ những di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của Thủ đô không bao giờ bị mai một.
Chính sự kiên trì và đam mê đó đã giúp nghệ thuật múa rối cạn vượt qua bao khó khăn, thách thức, vẫn đứng vững qua bao sự biến đổi của thời cuộc. Múa rối cạn Tế Tiêu đã góp phần tạo nên một mảng màu đặc biệt trong bức tranh văn hóa đa màu sắc của Hà Nội.
Thạch đen sương sáo đã trở thành món quà vặt dân dã gắn liền với ký ức của người Hà Nội. Được làm từ lá sương sáo - một loại thảo mộc lành tính, món ăn này mang vị thanh mát, mềm mịn, giúp giải nhiệt và hỗ trợ tiêu hóa.
Tháng 5 là thời điểm các gia đình làm cốm ở làng Mễ Trì bắt đầu một vụ cốm mới. Từ sáng sớm tinh mơ, những bàn tay đã thoăn thoắt rang cốm, giã cốm, gói cốm trong những tàu lá sen, lá duối thơm ngát.
Chả cá Hà Nội – món ăn thơm lừng trên chảo nóng kích thích mọi giác quan. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn là minh chứng cho sự tinh tế, cầu kỳ của người đầu bếp.
Với hơn 50 năm gắn bó với nghề mộc, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến (Chàng Sơn, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển tinh hoa nghề mộc và kỹ thuật làm nhà gỗ truyền thống của quê hương.
Phở là đặc sản của người dân Hà Nội và là món ăn nước đặc trưng trong nền ẩm thực Việt. Song hành với phở nước là món phở xào. Một quán ăn đường phố xuất hiện từ năm 1998 nổi danh nhờ món phở xào với sợi phở xào khô ráo, bắp bò giòn và săn chắc, từ đó tạo nên thương hiệu phở xào Hàng Buồm.
Khi một mẻ gốm mới được đưa vào lò, đích thân ông chủ lò sẽ nhóm lửa. Một vòng lặp dỡ lò, phơi than, đổ khuôn, dỡ khuôn, tráng men, vào lò, dỡ lò… lại bắt đầu.
0