Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

Nhờ những giọt máu tình nguyện được sẻ chia từ cộng đồng, nhiều người bệnh đã vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, từng bước hồi phục và trở lại với cuộc sống bình thường.

Bệnh nhi Bùi Thúy Văn mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Từ lúc phát hiện đến nay, em đã phải làm quen với kim tiêm, dây truyền và những buổi đến viện định kỳ để truyền máu. 8 năm với hơn 100 đơn vị tiểu cầu được truyền vào cơ thể nhỏ bé, đó không chỉ là thuốc, mà còn là hy vọng, hơi ấm yêu thương từ những tấm lòng xa lạ. Truyền máu sẽ là người bạn không thể thiếu suốt cuộc đời em, nhưng nhờ sự sẻ chia của cộng đồng, tuổi thơ của em vẫn được nuôi dưỡng bằng tình người và niềm tin vào ngày mai.

"Cháu lên đi khám tiểu cầu thấp phải nhập viện và phải nằm điều trị 30 ngày, truyền tiểu cầu nhiều ngày mà vẫn không tăng. Cháu thấy máu và tiểu cầu đem lại sự sống cho bệnh nhi cần đến nó. Cháu cảm ơn chân thành nhất đến các cô, các chú, các anh chị tình nguyện viên đã hiến máu. Sức khỏe của cháu sau này sẽ không thể đi hiến máu được nhưng cháu sẽ vận động mọi người chung tay đi hiến máu", Thúy Văn chia sẻ.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chính là ngôi nhà thứ hai của bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu. Nơi hàng triệu trái tim có chung dòng máu Việt trên khắp năm châu vẫn luôn sẵn sàng đoàn kết, cùng sẻ chia, hiến tặng những giọt máu ấm đến với người bệnh.

Bệnh nhi Trương Hoàng Ngọc Dung (Bắc Giang) cho biết: "Con truyền máu từ khi con 7 tuổi. Đối với con, máu rất cần cho cơ thể, nếu không có máu, con có thể không sống được. Con cảm ơn các bác sĩ và cảm ơn bố của con đã không ngại khó khăn hàng ngày đưa con đi truyền máu".

Việc hiến máu tình nguyện không chỉ là hành động nhân văn mà còn là nguồn sống quý giá đối với hàng ngàn người bệnh mỗi năm. Có những bệnh nhân cần truyền máu suốt đời do bệnh lý về máu bẩm sinh, có những ca mổ không thể tiến hành nếu thiếu máu dự trữ. Trong hoàn cảnh đó, mỗi giọt máu nghĩa tình chính là món quà vô giá, là sợi dây nối dài sự sống.

ThS, bác sĩ Đặng Thị Hồng Vân, Trung tâm Thalassemia, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng: "Với bệnh nhân mắc các bệnh về máu, việc truyền máu là rất cần thiết. Nếu không có máu để truyền, bệnh nhân sẽ gặp phải rất nhiều biến chứng nguy hiểm".

Mỗi ngày, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần khoảng 1.500 đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân tại viện và chuyển tới 180 bệnh viện của 28 tỉnh thành. Với số lượng máu cung cấp cho các bệnh viện lớn như vậy, nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng thì tính mạng của nhiều người bệnh sẽ bị đe dọa.

Theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, tỷ lệ người dân hiến máu tình nguyện nước ta đã đạt gần 100%, điều mà ít quốc gia có thể làm được trong thời gian ngắn. Điều này chứng tỏ sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của người dân trong việc hiến máu - một nghĩa cử cao đẹp, lan toả những điều tuyệt vời trong xã hội.

Những người hiến máu – dù không quen biết bệnh nhân – vẫn âm thầm góp phần cứu người theo cách giản dị nhất. Họ chính là những người hùng thầm lặng, trao đi hy vọng bằng chính dòng máu của mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết qua quá trình rà soát các loại sữa đang được dùng tại đây phát hiện có sản phẩm sữa thuộc danh mục các sản phẩm sữa giả vừa bị phát hiện.

Ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công, đem lại hy vọng sống cho một bé gái 21 tháng tuổi.

Hàng trăm nghìn người tiêu dùng vì hâm mộ, tin tưởng đã biến mình thành những nạn nhân mà không hề hay biết khi tin vào lời quảng cáo của những người nổi tiếng.

Tháng Tư được xem là thời điểm bùng phát nhiều loại dịch bệnh do thời tiết giao mùa, trong đó có dịch tay chân miệng.

Hiện nay mới là đầu mùa của dịch sốt xuất huyết nên người dân cần chủ động phòng chống tại gia đình và cộng đồng, không để dịch bệnh bùng phát.

Sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thuộc danh mục các sản phẩm "sữa giả", do một trong các công ty mà Bộ Công an vừa triệt phá.