Ngành Y tế đảm bảo cấp cứu, điều trị trong bão số 3
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để nghị ngành Y tế các địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp, đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bão số 3.

Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, bố trí Lãnh đạo Sở trực chỉ huy 24/24h; chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các bệnh viện trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão.
Các địa phương cần công bố số điện thoại đường dây nóng chỉ huy cho các đơn vị và bảo đảm liên lạc thông suốt 24/24h; kịp thời điều hành các đơn vị trực thuộc sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động; tiếp nhận, xử lý thông tin; triển khai kế hoạch ứng phó thiên tai, thảm họa tại đơn vị; bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn quản lý triển khai rà soát cơ sở vật chất, thiết bị y tế đặc biệt là các khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở, bảo đảm bệnh viện an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn để triển khai các phương án phòng, chống bão, bảo đảm kịp thời, an toàn. Các địa phương cũng sẵn sàng phương án phối hợp với các bệnh viện Trung ương trong trường hợp cần sự hỗ trợ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Đối với các bệnh viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố: chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 02 đội cấp cứu lưu động (lưu ý các cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương); đội cấp cứu lưu động có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể kèm danh sách liên lạc, trực 24/24h sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.
Các bệnh viện trong khu vực dự báo bị ảnh hưởng của bão có phương án chủ động sơ tán người bệnh, thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tới các khu vực kiên cố có khả năng chịu được tác động của bão; chuyển người bệnh nặng, phương tiện máy thở và phương tiện hồi sức cấp cứu khác lên tầng cao để tránh ngập lụt; áp dụng các biện pháp cố định, chằng giữ các thiết bị y tế, cửa ra vào, cửa sổ tránh để gió bão làm dịch chuyển gây ra các thương vong, thiệt hại thứ cấp.
Cùng với đó, các địa phương cần chuẩn bị máy phát điện dự phòng và cơ số nhiên liệu đủ để duy trì nguồn điện cung cấp cho cấp cứu, điều trị; Bổ sung cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp do sập, vùi lấp và ứng phó với tình huống thương vong nhiều; Có sẵn phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực để thiết lập trạm cấp cứu dã chiến tại các khu vực có địa hình cao, tránh được ngập lụt khi cần thiết; Huy động toàn bộ nhân lực bệnh viện tham gia thường trực hỗ trợ cấp cứu thương vong hàng loạt tại bệnh viện và ngoại viện; Phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa để tránh lây nhiễm thêm dịch bệnh trong bệnh viện.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện; trường hợp khẩn cấp đề nghị báo cáo trực tiếp về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để kịp thời xem xét, giải quyết.