Nhịp đời hối hả

Thành phố hình như không ngủ. Tiếng ồn ào từ phía chợ bắt đầu lúc hai, ba giờ sáng. Tôi nằm im trong phòng trọ lắng nghe tiếng gà gáy, những con gà chắc cũng mang từ quê lên chưa quen được với môi trường đêm lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn.

Tôi thường đếm bước từ chỗ ở tới nơi làm việc thuộc công ty may gần đó. Bước chân xuống đường là đụng cái chợ chồm hổm tự phát bày bán đủ loại hàng hóa thực phẩm tươi sống. Người ta bày bán hàng tràn cả ra đường. Qua gầm cầu chui để sang đường chính lại đụng la liệt những sạp bán gà vịt sống, những xe quần áo đủ màu đủ loại. Quãng đường từ gầm cầu vượt đến hầm chui cũng chỉ vài trăm mét vẫn nườm nượp kẻ mua, người bán. Những người công nhân như tôi trên đường tới công ty, bước xuống hầm chui mua vội ly cà phê đá của một chị ngồi bán ngay trên bậc lên xuống. Lên tới quốc lộ 1A, tôi gắng đi cho nhanh vượt qua cái chợ tự phát bao vây quanh cổng ra vào công ty và ngay trên mặt đường.

Ảnh minh họa: Baolaodong

Từ mười bảy tới mười tám giờ trong ngày là lúc chúng tôi tan ca. Hàng ngàn công nhân túa ra từ cổng chính và cổng phụ ồn ào, ầm ĩ nói cười. Rất ít vẻ mặt trầm ngâm bực bội. Sau một ngày, một ca làm việc sự trở lại mái ấm của riêng mình làm người ta náo nức và vui vẻ.

Nhưng quãng đường buổi chiều mới thật ấn tượng. Có những ngày nó biến thành quãng đường rác. Người ta họp chợ ngay trên mặt đường, trong hầm ngầm đi bộ hay dưới gầm cầu vượt. Đủ mọi thứ rác rưởi thải ra tại chỗ làm tôi phải vừa đi vừa né tránh. Vảy và đầu, ruột cá. Lông gà, lông vịt. Rau cải héo, cà chua hỏng, bánh mì hư... được ném ngay mặt đường. Người đi lại chen chúc nhau.

Tôi đã ù tai vì tiếng ồn ào quát nạt trong kho, giờ lại chịu đựng những tiếng chào mời từ loa thùng của mấy sạp bán quần áo, vải vóc, từ miệng của những người bán hàng hóa và thực phẩm. Những âm vực chỉ có dấu sắc nghe chói tai. Mãi sau tôi mới hiểu đó là tiếng quảng cáo giá, một thùng cá của bà “mới lắm” đồng giá mười lăm ngàn một con, hay tôm càng xanh của ông bụng bự "hai mươi" là đồng giá hai mươi ngàn một dĩa. “Năm ngàn, năm ngàn” là đồng giá năm ngàn mỗi dĩa cà chua, đậu bắp, mướp đắng.

Đi qua khu cầu vượt, tôi sợ nhất mấy chiếc loa di động ở đây thi nhau hét đinh tai nhức óc. Tôi nghe mãi vẫn không hiểu “bao vây, bao tươi” hay “bao cân, bao ngon” nghĩa là gì. Lần đi mua chiếc quần jean, nghe cái loa cũng kêu “bao thử, bao đổi”. Tôi mới ghé tai hỏi cô bạn cùng làm, nó giải thích tiếng bao cũng giống như sự đảm bảo. Đảm bảo được mặc thử, đảm bảo được đem đổi lại nếu không vừa.

Tôi biết những dịch vụ lề đường kia cũng là phục vụ thiết thực cho những người công nhân đang hối hả với công việc như tôi. Mỗi chiều tan tầm, trên đường về tôi có thể tranh thủ mua bất kỳ thứ gì cần thiết. Từ chiếc váy ngủ, chiếc khăn tắm tới mớ rau, con cá cho bữa cơm tối. Tôi từng mong muốn người ta “bao thoáng, bao sạch” cho con đường về nhà, mà thật là khó giữa nhịp đời hối hả.

Cuộc sống hối hả sau mỗi ngày tan ca của người lao động. Ảnh: Kenh14

Nhưng điều đó đã được thực hiện, khi những bóng dáng các anh các chú mặc áo màu xanh hòa bình thuộc đội trật tự đô thị chốt ngay ngã tư vào chợ, dưới gầm cầu vượt hay dọc quốc lộ lối vào công ty của tôi. Những xe bán trái cây thường nằm chình ình giữa đường, nay đã dẹp vào một chỗ. Những sạp bán cua cá không còn xả rác ra đường. Những bước chân nhộn nhịp, thênh thang không còn phải chen lấn. Nhưng trật tự đó chỉ duy trì được tới thứ Bảy hàng tuần. Ngày Chủ nhật đâu lại vào đó vì các chú các anh cần nghỉ cuối tuần.

Tôi về quê nghỉ lễ mấy ngày, giữa cảnh nông thôn thanh bình, lòng chợt nhớ cồn cào một góc thành phố mình từng gắn bó với những âm thanh ồn ào, hỗn loạn. Tôi chợt hiểu rằng đó chính là nhịp sống thành phố hiện đại. Điều quan trọng là chúng ta biết cách làm thế nào cho thành phố đẹp đẽ và văn minh hơn./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không biết từ bao giờ, Hà Nội luôn có những cuộc hẹn với các loài hoa. Và cũng không biết từ bao giờ, có người yêu các loài hoa ấy như chính tình yêu đối với Hà Nội.

Theo thời gian, có người dần hiểu ra rằng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy một người hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh. Cô bắt đầu học cách chấp nhận chính mình giữa một thế giới vô vàn những điều không hoàn hảo. Và cô nhận ra rằng: yêu thương bản thân chưa bao giờ là đủ.

Thời gian là thứ công bằng nhất mà cuộc sống ban tặng cho mỗi con người. Nhưng có lẽ, điều đáng sợ nhất về thời gian không phải là nó cứ trôi đi mà chẳng chờ đợi ai, mà chính là việc nó có thể đưa mọi thứ vào lãng quên.

Năm nay thời tiết thật lạ kỳ. Giữa tháng Tư mà vẫn đợt gió mùa, trời trở lạnh. Cái rét nàng Bân chạm tới đầu hè…

Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.

Có người chạm khẽ Hà Nội lần đầu vào một mùa hạ nóng rực lúc vừa kết thúc năm ba đại học. Với tính cách thích là nhích, hành trang ngày ấy của cô ngoài ví tiền thì chỉ còn vỏn vẹn một mảnh nhiệt huyết xê dịch cháy bỏng. Trong tưởng tượng của cô sinh viên Sài Gòn khi đó, Hà Nội là một khái niệm lạ lẫm vô cùng.