Hà Nội có một mùa ẩm ương

Sau cái rét nàng Bân, Hà Nội lại bắt đầu bước sang một mùa kỳ lạ khác trong năm, gây cảm giác khó chịu dai dẳng, đó chính là mùa nồm.

Lúc còn bé, có người vốn không thích mùa nồm vì cảm giác bí bách, ẩm ướt, mang cái buồn lặng rất đặc trưng của tiết trời Bắc Bộ. Đặc biệt là khi phải tỉ mỉ lau khô những giọt mồ hôi của đất trời lênh loang ở khắp mọi nơi từ nền đá hoa, mặt gương cho đến tường nhà, sân bếp…

Khi phải sống trong mùa nồm, tâm tính con người ta cũng dễ trở nên cáu kỉnh, đứa trẻ là tôi thường hay gắt gỏng, tỏ thái độ khó chịu. Mãi cho đến khi bố ra sức dỗ dành: Con thử nghĩ xem, con người chúng ta còn có lúc mệt mỏi, không vui. Thế mà thời tiết chỉ ẩm ương đôi chút, ta lại vội oán than. Thời tiết cũng như con người ấy con. Lời nói giản đơn nhưng đầy triết lý của bố khiến tôi như bừng tỉnh, biết học cách sống chung với thời tiết. Mùa nồm Hà Nội, dù khó chịu đến đâu cũng là một phần của đời sống và ký ức. Ấy vậy mà nhiều năm tháng về sau, khi đã chuyển vào phương Nam sống, tôi thi thoảng vẫn thấy nhớ đến nôn nao không khí nồm, ẩm ướt, một nét rất riêng biệt mà chỉ miền Bắc mới có.

Trong ấn tượng tuổi thơ của tôi, mùa nồm thường kéo dài từ cuối xuân đến đầu hạ, khi mùa rét nàng Bân qua đi, nhường chỗ cho ánh nắng chói chang của mùa hè và từng luồng gió ấm phương Nam tràn về. Sự giao thoa ẩm ương ấy tạo nên mùa nồm, thời điểm mà độ ẩm trong không khí tăng cao, vượt quá ngưỡng bão hòa, khiến hơi nước ngưng tụ trên khắp mọi bề mặt tủ, bàn ghế… Khi đi giữa phố phường Hà Nội những ngày nồm, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự ẩm ướt len lỏi khắp mọi giác quan. Lúc quay trở về nhà, cảm giác khó chịu ấy tiếp tục xuất hiện khắp các bức tường cho đến sàn nhà, ẩn hiện vô số giọt nước li ti. Vào mùa này, nỗi khổ lớn nhất của người nội trợ là những dây quần áo phơi mãi chẳng khô, lúc nào cũng phảng phất mùi ẩm mốc đến khó chịu. Thậm chí, cả những vật dụng tưởng chừng khô ráo như sách vở, giấy tờ cũng trở nên mềm oặt, cong vênh trên các giá sách, bàn làm việc.

Dẫu mọi việc có vẻ ngổn ngang như thế nhưng vẫn chẳng khiến mẹ tôi - một người phụ nữ Hà Nội ngay từ nhỏ đã được giáo dưỡng theo đúng văn hoá tần tảo, thu vén và yêu thương gia đình - cam chịu. Vào những ngày nồm ẩm, bà thường tranh thủ dậy sớm, khẽ khàng đun một nồi nước thật to với những nguyên liệu dễ kiếm trong vườn nhà như vỏ bưởi, sả, bồ kết và ít hương nhu. Mỗi buổi sáng, khi thức giấc, tôi thường khẽ khàng đứng một góc nhỏ, ngắm nhìn bóng dáng mảnh khảnh của mẹ tất bật đun nồi nước sôi, phảng phất hương thơm của các loại thảo mộc thân thuộc. Mẹ tôi sẽ tận dụng nồi nước thảo mộc ấy như một loại tinh dầu tự nhiên để xông hơi và thanh lọc không khí cho cả ngôi nhà đang ngập tràn cảm giác rin rít, ẩm mốc trong mùa nồm. Nồi nước thơm tho ấy, sau khi vãn khói, sẽ được mẹ sử dụng để lau chùi bát đũa, bàn ghế và cả sàn nhà. Chỉ độ chừng nửa tiếng, toàn bộ vật dụng và những ngóc ngách trong các phòng đã được mẹ tôi dọn dẹp, thanh tẩy dần mùi ẩm mốc. Tôi rất thích cảm giác sau khi mỏi mệt vì không khí oi nồng ngoài trời, được quay về ngôi nhà thân thuộc luôn thoang thoảng mùi bồ kết, hương nhu đan xen với hương bưởi nồng nàn, phảng phất hương sả, cảm giác thư thái đến nhẹ lòng.

Sau bữa cơm chiều, mẹ tôi hái ít hoa nhài trắng muốt ngoài vườn hãm cùng với ấm trà xanh. Mấy đứa trẻ con lại quây quần bên nhau cùng thưởng thức những buổi trà tối với nước vàng trong như chén mật ong thượng hạng, phảng phất hương hoa nhài vườn nhà. Ngoài hiên, từng cơn mưa vẫn lặng lẽ rơi, tạo cho người ta cảm giác ẩm ướt và lành lạnh. Những lúc này, chỉ cần cầm cốc trà tươi mới hãm, hít hà một làn khói bảng lảng bay lên cũng giúp xua bớt không khí nặng nề của mùa nồm. Đó cũng là cách để con người khôi phục tâm trạng, cảm thấy dễ chịu hơn sau những ngày chịu đựng cảm giác ẩm ướt, rin rít khắp da.

Đến giờ, em gái tôi vẫn giữ truyền thống mà mẹ đã sáng tạo vào những mùa nồm của Thủ đô. Mặc dù, để sống chung với nồm, người Hà Nội trong thời kỳ hiện đại đã tìm ra nhiều biện pháp như bật điều hòa ở chế độ hút ẩm, lau nhà bằng khăn khô, đốt nến thơm, xông tinh dầu... Dẫu thế, em gái tôi vẫn thích tích trữ một ít bồ kết khô rồi nướng thơm chúng trên lửa rồi đun cùng các loại thảo mộc quen thuộc như mẹ vẫn làm khi xưa, để giảm bớt sự khó chịu do thời tiết mang đến. Nó bảo đó là cách để hoài niệm về những năm tháng được yêu thương và chăm chút trong vòng tay của mẹ.

Mùa nồm Hà Nội vốn là nỗi ám ảnh của nhiều người, do không khí đặc quánh lại, khiến mọi thứ cứ rơi vào trạng thái nhớp nháp, ẩm ướt. Không chỉ gây khó chịu. những đợt nồm còn tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Nhưng người Hà Nội vốn nổi tiếng với cách ứng xử tinh tế, dù trong hoàn cảnh nào cũng chọn cách ung dung để tận hưởng cuộc sống.

Bố mẹ tôi học theo thói quen của người Hà Nội thường tìm đến những quán trà, nhâm nhi ly trà gừng hoặc cốc sữa pha mật ong nóng rồi trò chuyện. Những quán trà nhỏ trên phố cổ lại bất ngờ trở nên đông khách hơn bao giờ hết. Thi thoảng, để lãng quên không khí nồm ẩm ướt, bố mẹ dắt tôi đi thưởng thức vài món ăn yêu thích. Gia đình tôi thường ghé hàng bún riêu cua của một cô bán hàng quen trên phố Phan Đình Phùng. Còn gì tuyệt vời hơn giữa tiết trời ẩm ướt, được ngồi thưởng thức một bát bún riêu cua nóng hổi đan xen giữa vị chua thanh của cà chua, vị béo của riêu cua, phảng phất chút cay nồng của ớt, khiến chúng ta cảm thấy sảng khoái và dễ chịu hơn.

Thế gian vốn luôn tràn ngập những điều bất toàn, không như chúng ta mong muốn. Nồm Hà Nội dẫu là một kiểu thời tiết khó chịu, nhưng ngẫm cho cùng vẫn là một phần của đời sống. Nó nhắc nhở chúng ta bài học về sự kiên cường vươn lên trước mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, để thêm yêu mảnh đất Hà Nội, dù có những ngày tháng ẩm ẩm ương ương…

Trần Xuân Hiệp

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoạt động xe ba bánh, đặc biệt là xe ba bánh tự chế, vẫn diễn biến phức tạp. Dù mang lại một số tiện lợi trong việc luồn lách vào các ngõ nhỏ nhưng loại hình phương tiện này tiềm ẩn vô vàn nguy cơ mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Trước thực trạng này, việc siết chặt quản lý xe ba bánh tự chế đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại công nghệ số. Vì vậy, Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện đang được Bộ Công an hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến. Những vấn đề gì cần quan tâm trong dự thảo luật? Hãy cùng bàn luận với ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thùy Linh - giảng viên Viện Trí tuệ nhân tạo, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ấn tượng tự hào Lễ tổng duyệt diễu binh diễu hành; Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam; Lãnh đạo EU và Mỹ tổ chức hội đàm chính thức trong thời gian tới;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; Lãnh đạo Lào và Campuchia sẽ dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Hơn 200.000 người Myanmar phải di dời sau thảm họa động đất;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Năm 2025, châu Á phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giá lương thực nghiêm trọng, gây ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân và nền kinh tế khu vực. Gạo, lương thực thiết yếu của hàng tỷ người châu Á, đang trở thành tâm điểm của đợt biến động giá cả chưa từng có.

Hơn 100 tấn hàng giả núp bóng thực phẩm chức năng; Công an Hà Nội triển khai công tác đặc xá năm 2025; Tạm giữ hai tàu chở hàng hóa không rõ nguồn gốc;... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.