Những câu chuyện tháng Tư

Tròn 50 năm non sông thu về một mối, người dân từ Đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được hân hoan sống trong độc lập, tự do. Tháng Tư, nhớ lại câu chuyện đã được nghe trong chiến tranh và hòa bình, thấy thêm yêu “Nước của những người không bao giờ khuất”.

Thế hệ chúng tôi may mắn sinh ra trong hòa bình, được sống trong đủ đầy và hạnh phúc. Chúng tôi có cơm no, áo ấm, được học hành và tự do chọn lựa, trưởng thành và cống hiến. Nhưng để có được ngày hôm nay, lớp ông cha ta đã kiên cường đi qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có khó khăn nào mà chưa từng nếm trải, có mất mát nào chưa từng đi qua. Có mảnh đất, cánh rừng nào không thấm máu của những người Việt Nam anh dũng. Thế hệ trẻ chúng tôi biết được lịch sử nước nhà, sự hy sinh của thế hệ trước qua những bài học trong trường, trong câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử và từ những nghĩa trang liệt sĩ khắp các tỉnh thành.

Tôi nhớ hoài tiết học lịch sử hôm ấy, cô giáo nhiều lần phải dừng lại lau nước mắt khi giảng về trận chiến giữa quân ta và quân Việt Nam cộng hòa năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị. Giọng cô nghẹn ngào khi nói về cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử chiến tranh của Việt Nam. Trong 81 ngày đêm chiến đấu ấy, hai bên giằng co từng ụ đất, từng bức tường. Đối phương không ngừng rải bom phá hủy thị xã Quảng Trị, thành cổ bị phá nát hoàn toàn. Quân ta vẫn ngoan cường chống trả. Rất nhiều chiến sĩ của ta đã ngã xuống, ngủ sâu trong lòng đất mẹ, máu hòa vào nước sông Thạch Hãn. Kết thúc bài giảng, bằng chất giọng miền Trung, cô đọc một đoạn thơ trong bài thơ "Lời người bên sông" của Lê Bá Dương: "Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...".

Trống ra chơi đã điểm nhưng 40 cô cậu học trò lúc ấy đều im lặng nghe cô kể chuyện. Một năm từ Bạc Liêu, cô về quê hương Quảng Trị đôi lần. Mỗi lần đi ngang nghĩa trang liệt sĩ nhìn những ngôi một tập thể, ngôi mộ vô danh, người mẹ tóc bạc khóc thương con, người vợ đi tìm chồng khắp các chiến trường, cô hiểu chiến tranh đã kết thúc mấy mươi năm nhưng nỗi đau, mất mát thì vẫn còn đó. Với riêng tôi đó là tiết học lịch sử thú vị nhất của thời học sinh, không khô khan những con số mà gieo vào lòng những cảm xúc rất thật về lòng tự hào vì được sinh ra ở một đất nước anh hùng.

Vào năm lớp 10 khi có cơ hội tiếp xúc với nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc tôi càng hiểu hơn sức mạnh ý chí, nghị lực và tình yêu dành cho đất nước của người trẻ lúc bấy giờ. Những con chữ như kéo tôi đi mải miết. Trong mưa bom bão đạn, trên đường hành quân chàng trai Hà Nội Nguyễn Văn Thạc vẫn kịp quan sát cảnh vật xung quanh, cảm nhận mùi vị cuộc sống và trưởng thành hơn: "Ta đã đi qua vùng đồi trung du của Bắc Thái, dấu vết của chiến tranh, của lụt lội còn hằn rõ ở đây. Ta đã nghĩ gì khi nhìn và lặng người bên hố bom quân thù đào sâu gần khu luyện gang thép. Mẹ ơi, ở đây con đã hiểu chiều sâu của đất. Cuộc sống thanh bình chỉ cho ta giá trị chiều rộng, chiều dài của mảnh sân con thường đùa nghịch, của mảnh vườn tháng 10, mía đang ngọt dần lên ngọn, của ngôi nhà ấm cúng con ngồi viết bài thơ ca ngợi đất. Chưa biết rằng, đất có chiều sâu, mà hôm nay vết bom thù đã khơi dậy cho con".

Cũng từ đó, chàng trai Hà Nội hình thành lý tưởng sống, đương đầu với khó khăn. Là lính trẻ, Nguyễn Văn Thạc dũng cảm, kiên cường trước kẻ thù không ngại hiểm nguy, luôn xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn, sẵn sàng hy sinh bản thân vì Tổ quốc. Dù có phải hy sinh, tôi cũng không bao giờ hối hận. Tôi biết rằng, mỗi giọt máu của chúng ta rơi xuống là góp phần bảo vệ cho quê hương, cho cuộc sống bình yên của thế hệ mai sau. Trước cái chết, Nguyễn Văn Thạc bình thản đón nhận, chỉ tiếc nuối không còn chiến đấu được nữa... bao dự định còn dang dở.

Thanh niên thời chiến là thế, coi cái chết rất nhẹ, chỉ tiếc nuối không được tiếp tục kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội tiêu diệt kẻ thù. Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội xung phong vào chiến trường miền Nam - nơi cuộc chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và nhân dân trong vùng... Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Chị viết trong nhật ký: ... "Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình". Và biểu hiện cao nhất của Đặng Thùy Trâm về tình đồng đội là chị xả thân, chấp nhận hy sinh khi nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ đồng đội của mình. Sống trong thời bình, đọc hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, tôi cảm nhận được phần nào đó cuộc chiến ác liệt mà Việt Nam phải đối đầu cũng như lý tưởng sống cao đẹp của lớp cha ông ta thời trước.

Sau này, trong một lần thực hiện đề tài cho ngày 30/4, tôi về Phước Long gặp cô Nguyễn Thị Tùng, thành viên đội biệt động thị xã Bạc Liêu. Tôi nghe cô kể những ngày bị địch bắt và giam ở Khám lớn Bạc Liêu. Địch tìm đủ mọi cách để moi thông tin từ người nữ chiến sĩ. Ban đầu chúng ngon ngọt dụ dỗ, thấy không ăn thua chúng tra tấn cô một cách dã man. Bây giờ nghĩ lại cảnh bị địch bịt mũi đổ xà bông vào miệng đến ngất xỉu rồi lại xối nước cho tỉnh, để tra khảo mà vẫn còn rùng mình. Lúc ấy vừa đau đớn vừa sợ hãi nhưng trong lòng không hề nao núng. Cô luôn tự dặn mình không thể khuất phục trước những thủ đoạn đê hèn của kẻ thù mà làm ảnh hưởng đến đồng chí, đồng đội. Cô tâm sự: Có trải qua chiến tranh mới thấy hết niềm hạnh phúc của những ngày được sống trong hòa bình. Sau khi Bạc Liêu giành chiến thắng, cô về quê lập gia đình với người thương. Bình yên sống những tháng ngày không đạn bom, tiếng súng. Vất vả lắm chứ, làm đủ việc để chồng yên tâm công tác và nuôi 4 con nhỏ. Nhưng chẳng thấm thía gì so với những gì cô đã trải qua.

Tháng Tư, nhớ lại những câu chuyện của chiến tranh - hòa bình đã được học, được đọc và được nghe để tự hào hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc và trân trọng cuộc sống thanh bình ngày hôm nay.

Thu Phương

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng tác: Trọng Loan. Phối khí: Ninh Văn Hải. Biểu diễn: NSƯT Lan Anh, Dàn nhạc Giao hưởng Đài Hà Nội và Vũ đoàn Tre. Chỉ huy: Mai Xuân Hải.

Sáng tác: Hoàng Vân. Chuyển soạn: Mai Xuân Hải. Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Đài Hà Nội và Vũ đoàn Tre. Cello: Bùi Hà Miên. Chỉ huy: Mai Xuân Hải.

Sáng tác: Hoàng Hà. Phối khí và Chỉ huy: Mai Xuân Hải. Biểu diễn: NSƯT Thanh Thanh Hiền. Dàn nhạc Giao hưởng Đài Hà Nội và Vũ đoàn Tre.

Có một người lính già đã lặng lẽ suốt hơn 20 năm đi tìm lại quá khứ, nơi có máu, nước mắt và cả những lời thề trong bóng tối nhà tù. Mỗi hiện vật ông cất giữ là một linh hồn, một phần xương máu của những người chiến sĩ đã không tiếc tuổi xuân vì độc lập tự do của dân tộc.

Sáng tác: Văn Ký. Phối khí: Hà Văn Tùng. Biểu diễn: Mỹ Linh, Dàn nhạc Giao hưởng Đài Hà Nội và Vũ đoàn Tre. Chỉ huy: Mai Xuân Hải

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai các bước cụ thể nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở. Quá trình này không chỉ nhận được sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị mà còn ghi nhận sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân.