Khát vọng thống nhất

Đất nước mình có rất nhiều những dòng sông. Nhưng chắc chắn, trong thời hiện đại, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải. Những ngày tháng 4 lịch sử này đánh dấu tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải giờ đây chỉ còn là chứng tích cho một thời mất mát, đau thương.

Tôi sinh ra khi đất nước vẫn còn chia cắt hai miền Nam - Bắc. Ở cái tuổi của tôi hồi đó chưa ý thức được sự tàn khốc của chiến tranh. Những đợt ném bom B52 của đế quốc Mỹ năm 1972 vào Hà Nội, tôi được cha mẹ bế xuống hầm trú ẩn là chiếc hầm tăng-xê đào ngay trong nhà mình. Những ngày sơ tán, tôi được cha mẹ gồng gánh lên tận Hòa Bình. Lớn lên một chút, trong trí nhớ non nớt của mình, mỗi khi ca sĩ Tân Nhân trình bày bài hát "Xa khơi" của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, là bố tôi lại ôm chiếc đài Hồng Đăng Trung Quốc chạy bằng pin, nuốt trọn từng lời ca trong bài hát: "Kìa biển rộng con nục, con măng/Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng/Con chuồn còn bay nơi nơi/Con giang chiều gọi bạn đường khơi..."; "Nắng tỏa chiều nay/Thuyền về mái động chiều nay/Nhìn phương Nam con nước vơi đầy, thương nhớ...".

Được biết, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác bài hát này lúc đi thực tế ở Vĩnh Linh. Ông suy nghĩ: con cá, con chim còn được tự do vùng vẫy, mà sao con người cùng một dân tộc lại chịu cảnh chia cắt hai miền? Bài "Xa khơi" như nỗi niềm chung của cả dân tộc, trong đó có cha tôi. Bài hát chứa đựng một khát vọng lớn lao là thống nhất hai miền.

Và để thực hiện khát vọng ấy, cả dân tộc đã đồng sức, đồng lòng; lớp lớp thanh niên khắc trong tim mình câu nói bất hủ: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Khát vọng đó tạo nên một sức mạnh nội sinh to lớn, tạo nên một quân đội anh hùng, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Còn nhớ, khi đất nước vừa thống nhất, trong niềm vui hân hoan cùng dân tộc, cha tôi lại có thêm một niềm vui nữa, đó là được mua phân phối một chiếc xe đạp mang tên Thống Nhất. Ông nâng niu, nhìn ngắm, giữ gìn chiếc xe đạp là thứ tài sản quý giá nhất trong gia đình tôi lúc bấy giờ.

Tôi hỏi cha tôi, vì sao cái tên Thống Nhất lại được đặt cho nhiều công trình, vật dụng đến vậy? Tôi liệt kê ra đủ những tên gọi Thống Nhất mà tôi biết: Đầu tiên là Công viên Thống Nhất, ngay gần ngôi nhà gia đình tôi đang sinh sống. Kế đến là bao diêm Thống Nhất, xe khách Thống Nhất. Ngay cả cái tổ dịch vụ cắt tóc đầu phố cũng lấy tên là Thống Nhất...

Cha tôi giải thích: cái tên Thống Nhất được mọi người đặt, gọi là vì cả dân tộc mình mong muốn được sống trong hòa bình; muốn có hòa bình thì phải giành cho được độc lập, thống nhất hai miền Nam - Bắc.

Một năm sau ngày thống nhất đất nước, vào ngày 31/12/1976, hai đoàn tàu mang tên Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn chở theo niềm khát khao hòa bình, hàn gắn và sum họp đã cập bến hai đầu Tổ quốc. Nam - Bắc từ nay mãi mãi nối liền một dải non sông gấm vóc.

"Trên đất mẹ nắng hồng như lụa

Trải ngàn năm gắn bó hai miền

Như cành chung gốc lớn lên

Như anh em của mẹ hiền Việt Nam".

Bài thơ Hà Nội - Huế - Sài gòn của nhà thơ Lê Nguyên sáng tác năm 1960, một năm sau đó, được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc. Bài thơ và bài hát này được để trong ba lô cùng với cuốn nhật ký bất hủ của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Có lẽ, nó cũng đã được để trong ba lô hay trong tâm thức của lớp thanh niên ngày ấy gửi gắm nỗi niềm mong ước đất nước được thống nhất.

Với thế hệ tôi và thế hệ sinh sau năm 1975, những câu chuyện về thống nhất hai miền Nam - Bắc, về chiến thắng 30/4 lịch sử, đã ghi vào sử sách và là bài học lịch sử chúng tôi được học khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng có những câu chuyện thấm vào tâm trí sâu hơn, đó là sự hy sinh của những người chiến sĩ, họ chính là những người thân ruột thịt trong gia đình mình. Biết ơn họ, để cảm nhận rõ hơn giá trị của thống nhất, hòa bình...

Trần Minh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến đang bước vào giai đoạn nước rút trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là bước tiến quan trọng nhằm khẳng định vị thế của Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, mà còn là điểm sáng về văn hóa và sáng tạo của khu vực và thế giới.

Từ Hà Nội, làn sóng phát thanh đã đưa “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lan toả khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng thanh niên cả nước, lớp lớp thanh niên Hà Nội đã lên đường nhập ngũ. Từ đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” như hồi kèn xung trận, giục giã bước chân tuổi trẻ tình nguyện cống hiến, chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TP. HCM; Kỳ họp thứ 22 HĐND thành phố thông qua nhiều nội dung quan trọng; Sau các cuộc đàm phán giữa hai bên, Tổng thống Ukraine đánh giá dự thảo mới thỏa thuận khoáng sản với Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Một Tổng thống Trump “mạnh dạn hơn, cực đoan hơn, quyết tâm hơn” trong 100 ngày đầu tiên của mình so với năm 2017, đó là những gì cả thế giới đã chứng kiến và phải thừa nhận.

Trong những năm tháng kháng chiến cam go, khắp nơi, thanh niên nô nức lên đường tòng quân, xung phong đi chiến đấu. Ở lại giữ quê hương và xây dựng hậu phương chủ yếu là những người phụ nữ. Cùng một lúc, họ đảm nhận ba nhiệm vụ: vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, vừa nuôi dạy con cái chăm sóc gia đình. Hậu phương mạnh thì tiền tuyến mạnh, họ chính là điểm tựa vững chắc làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Những tia nắng cuối tháng Tư chào đón một ngày mới trên phố Hồ Hoàn Kiếm. Con phố ngắn nhất của Thủ đô Hà Nội mỗi ngày đều ghi dấu biết bao kỷ niệm của một nhóm những người lính nay đã ở lứa tuổi 70-80.