Mùa hè ở khu vườn diệu kỳ

Vào buổi trưa hè, mắc võng ngủ dưới gốc cây thì còn gì thú bằng! Ngoại giăng cho tôi một cái võng dù dưới tán cây vú sữa và cây khế trong vườn. Chẳng biết cây vú sữa đã trồng từ khi nào mà tán xòe rộng rợp mát cả ngày.

Trên chiếc võng ấy, mỗi buổi trưa, tôi thích thú đọc sách cho tới lúc mắt díp lại vì buồn ngủ thì chìm vào những giấc mơ tuyệt đẹp. Trong giấc mơ, tôi thấy mình hóa thành cậu bé tí hon đi lạc vào xứ sở của những người khổng lồ, phải tự vệ bằng cách đấu kiếm. Có khi tôi lại mơ mình lạc vào xứ sở của những con bướm khổng lồ, được ngồi lên mình bạn bướm đi chu du khắp nơi. Ôi những giấc mơ kỳ diệu mà mỗi lần tỉnh giấc vẫn còn tiếc nuối muốn ngủ tiếp để chìm vào cơn mộng đẹp.

Mỗi lần tôi ngủ trưa dậy kể cho ngoại nghe giấc mơ ngày hôm ấy của mình, bao giờ ngoại cũng cười nắc nẻ: "Cái thằng giỏi tưởng tượng ghê, mai mốt con đi viết sách được đó".

Tôi không biết bắt đầu từ câu nói đùa của ngoại hay từ những cuốn sách mà mỗi trưa đung đưa võng đọc mà ước mơ trở thành người kể truyện len lén lớn dần trong tôi. Tôi tập tành viết những câu chuyện nho nhỏ, kể về ngoại và khu vườn kỳ diệu của ngoại.

Ảnh minh hoạ: Báo Phụ nữ.

Tôi gọi khu vườn nhỏ của ngoại là xứ sở thần tiên bởi vì mỗi ngày lại có một điều thú vị nho nhỏ. Những cái cây bao giờ cũng tặng cho tôi biết bao nhiêu là chiếc lá vàng đẹp đẽ. Tôi nhặt những chiếc lá vàng mà mình cho là đẹp rồi ép vào một cuốn vở học trò, ghi chú ngày nhặt vào đó nữa, cẩn thận, tỉ mỉ như một nhà sưu tập thực thụ.

Có lần nhặt được một chiếc lá vàng hình trái tim, tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng chạy ngay vào khoe với ngoại. Ngoại xoa đầu tôi cười khen: "Chó con của ngoại giỏi quá".

Trong khu vườn của ngoại, tôi thích nhất là cây ổi sẻ nơi bờ ao. Cây ổi có một chạc ba rất lý tưởng để ngồi đong đưa chân, gặm vài trái ổi vừa ương ương và đọc sách. Tôi thường trốn lên chạc ba cây ổi ngồi chơi, đọc sách chán thì ngắm khung cảnh từ trên cao. Mấy con chim sâu tíu tít chuyền cành gọi nhau. Mảng lông xanh dưới bụng cứ chao qua chao lại đến hoa cả mắt.

Ảnh minh hoạ: aFamily.

Có bữa tôi bảo chim sâu: "Cậu nhảy vừa thôi, cứ nhảy lia lịa thế không mỏi chân sao!". Mấy con chim sâu nhìn tôi ngạc nhiên, hai mắt tròn xoe như muốn bảo: "Mỏi chân gì cơ? Chúng tớ đã nhảy như thế từ lúc mới ra đời rồi". Nghe thế tôi bật cười, ừ nhỉ, chúng là chim sâu cơ mà, làm gì biết mỏi. Thế là tôi làm một bài thơ về chú chim sâu đưa cho ngoại đọc. Ngoại cười vang: "Cái thằng thấy vậy mà khéo tưởng tượng quá".

Ở một góc bờ ao, ngoại trồng một bụi chuối sứ. Chẳng biết do đất tốt hay do ngoại mát tay mà mỗi lần trổ, buồng chuối dài thòng xuống gần tới mặt đất. Tôi thường canh khi hoa nở để hứng lấy giọt sương đọng ở đầu bông hoa uống, ngọt như mật vậy.

Những chú chim gõ kiến cũng thích uống thứ mật này, nên buổi sáng tôi phải tranh thủ dậy thật sớm để giành uống mật hoa không là chúng uống hết. Mỗi lần thấy tôi chạy ra, lũ gõ kiến bay vội lên cành cây gần đó, chõ mõ xuống kêu lên, tôi đoán chúng đang chửi tôi vì giành hết mật hoa của chúng. Dẫu vậy tôi không nhường đâu, biết sao được, mật hoa chuối thơm ngọt quá càng uống càng thấy thèm hơn.

Ảnh minh hoạ: Báo Bình Thuận.

Ở phía bờ rào, ngoại trồng một hàng sắn. Lâu lâu ngoại lại nhổ một bụi vào luộc. Củ sắn trắng ngần, thơm lựng mùi lá dứa. Ngoại bào thêm dừa, giã thêm muối mè, thế là có một món ăn vặt thơm tho ngày mưa. Tôi ăn sắn đến no căng bụng bỏ cả cơm chiều. Ngoại không mắng chỉ cười cái thằng làm như thèm sắn lắm không bằng. Ngoại đâu biết tôi thèm thật.

Ở nhà ba má không bao giờ cho tôi thích ăn gì thì ăn như ngoại. Bởi vậy, mỗi khi hè đến là tôi lại nài nỉ má cho về ngoại chơi. Dĩ nhiên là má đồng ý, vì ngoại cả ngày chỉ lủi thủi một mình, cậu Út đi làm suốt ngày, tối tới lại tụ tập chơi với bạn bè, có tôi về ngoại sẽ có người trò chuyện đỡ buồn.

Nên trong mấy đứa cháu, ngoại thương tôi nhiều nhất. Có gì ngon cũng dành. Biết tôi thích ăn khoai, ngoại trồng nào là khoai mì, khoai từ, khoai lang, khoai sọ ở những góc vườn còn đất trống. Cứ mỗi lần gần tới hè là lại gọi điện hối tôi về chơi, như thể ngoại đã canh đợi hè từ lâu lắm rồi.

Ảnh minh hoạ: Báo Người lao động.

Tôi trải qua bao mùa hè ấu thơ bên ngoại, bên khu vườn diệu kỳ. Từng gốc cây trong vườn tôi đều thuộc nằm lòng. Ngày ngoại về với đất, tự dưng tất cả cây trong vườn đều rụng trụi lá. Ai cũng bảo chúng để tang ngoại.

Tôi khóc nấc đi quét lá gom lại đốt, rồi mua phân về bón cho cây, tưới cho chúng. Tôi sợ chúng nhớ thương ngoại mà đi theo. Tôi ôm từng gốc cây dỗ dành như dỗ dành trẻ con ráng ăn cho mau lớn. Rồi những cái cây cũng đâm chồi trở lại. Mỗi lần hè về, nằm võng dưới tán cây, lại nghe cây vỗ về như lời ngoại thầm thì: "Cháu về rồi đó à, ngoại có để phần khoai mì cho con ngoài rào đó".

Tự dưng nước mắt tôi tuôn xối xả, gọi thầm: Ngoại ơi!

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không biết từ bao giờ, Hà Nội luôn có những cuộc hẹn với các loài hoa. Và cũng không biết từ bao giờ, có người yêu các loài hoa ấy như chính tình yêu đối với Hà Nội.

Theo thời gian, có người dần hiểu ra rằng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy một người hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh. Cô bắt đầu học cách chấp nhận chính mình giữa một thế giới vô vàn những điều không hoàn hảo. Và cô nhận ra rằng: yêu thương bản thân chưa bao giờ là đủ.

Thời gian là thứ công bằng nhất mà cuộc sống ban tặng cho mỗi con người. Nhưng có lẽ, điều đáng sợ nhất về thời gian không phải là nó cứ trôi đi mà chẳng chờ đợi ai, mà chính là việc nó có thể đưa mọi thứ vào lãng quên.

Năm nay thời tiết thật lạ kỳ. Giữa tháng Tư mà vẫn đợt gió mùa, trời trở lạnh. Cái rét nàng Bân chạm tới đầu hè…

Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.

Có người chạm khẽ Hà Nội lần đầu vào một mùa hạ nóng rực lúc vừa kết thúc năm ba đại học. Với tính cách thích là nhích, hành trang ngày ấy của cô ngoài ví tiền thì chỉ còn vỏn vẹn một mảnh nhiệt huyết xê dịch cháy bỏng. Trong tưởng tượng của cô sinh viên Sài Gòn khi đó, Hà Nội là một khái niệm lạ lẫm vô cùng.