Thạch đen sương sáo
Ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ai cũng biết đến Thạch Hưng Hiền - một gia đình đã gắn bó với nghề làm thạch hơn 40 năm nay, bỏ mối cho hầu hết các chợ Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Thạch đen là thức quà dân dã gắn liền với ký ức của nhiều người trong những ngày hè nóng bức và cũng là nguyên liệu quen thuộc trong những món chè truyền thống, đặc biệt là chè thập cẩm.
Nguyên liệu chính để làm thạch đen là lá sương sáo, tinh bột sắn và đường phèn. Lá sương sáo là một loại thảo mộc lành tính, thường được dùng trong dân gian để thanh nhiệt, giải độc. Tinh bột sắn phải là loại được làm thủ công, ủ chua, phơi khô theo cách tự nhiên. Đường phèn làm từ nguyên liệu chính là mía, củ cải, cây cọ hoặc cây thốt nốt… được coi là tốt cho sức khỏe, sử dụng thay thế cho đường tinh luyện, dùng để tạo độ ngọt của thạch.
Để làm nên món thạch đen đạt chuẩn, nước cốt lá sương sáo cần được ninh kỹ suốt 8 đến 10 tiếng. Khi đã đủ độ đậm, người làm tiếp tục hòa tan tinh bột sắn, rồi đổ phần nước cốt vào khuấy đều. Công đoạn tỉ mỉ này chính là bí quyết tạo nên thạch đen sánh mịn, thơm mát và đầy hấp dẫn.
Thạch đen sương sáo là thức quà mát lành ngày hè, không chỉ giải nhiệt mà còn tốt cho sức khỏe. Với vị thanh nhẹ, dai mịn đặc trưng, thạch được làm từ lá cây sương sáo giàu chất chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hoá và thanh lọc cơ thể. Trong 100g thạch đen chứa 27 Calo. Thạch đen có tác dụng hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu nhưng người có thể trạng hư yếu, hệ tiêu hóa yếu không nên ăn nhiều.
Trong ký ức mùa hè, ai cũng giữ hình ảnh về tảng thạch khổng lồ to như chiếc xô bày bán đầu chợ, ngày nắng nóng cứ vơi nhanh theo tay người bán. Hay những miếng thạch đen óng trong cốc chè xanh sen mẹ nấu sau những chiều chạy chơi mải miết mồ hôi…
Hà Nội hội tụ nhiều món ngon và những miếng thạch đen dai dai sần sật không chỉ như một “liều giải nhiệt” tự nhiên mà còn là món ngon đánh thức vị giác của một thời thương nhớ.
Vịt dấm ghém không đơn thuần là tên một món ăn, nó được coi như một mâm cỗ thịnh soạn bởi rất nhiều lớp nguyên liệu, gia vị.
Những tán phượng vươn cao, bung nở dưới nắng đầu hè trên nhiều tuyến phố khiến Hà Nội như khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ sắc đỏ.
Khi những chùm hoa phượng vĩ bắt đầu cháy rực trên sân trường, cũng là lúc mùa chia tay tuổi học trò lặng lẽ gõ cửa.
Thói quen đi chợ không dùng tiền mặt đang dần trở thành nét tiêu dùng mới, không chỉ đem lại tiện lợi mà còn góp phần làm nên diện mạo đô thị hiện đại.
Bún chả que tre không chỉ mang hương vị làng quê đồng bằng Bắc Bộ, mà còn gợi lại ký ức thời bao cấp, khi thịt thà đắt đỏ và bún chả que tre được coi là “xa xỉ” và đáng mong chờ.
Trên con phố Hàng Hòm có sự đan xen của những câu chuyện xưa cũ và nhịp sống hiện đại, tạo nên một dấu ấn riêng biệt, khiến du khách ghi nhớ.
0