Thức cùng Mạch Tràng

Hai giờ sáng, khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, ở làng Mạch Tràng, một ngày mới lại bắt đầu với những người làm bún.

Chị Nguyễn Thị Đang (thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa) làm dâu làng nghề bún Mạch Tràng đã gần 20 năm nay, cũng là ngần ấy năm chị gắn bó với xưởng làm bún.

Chị Đang chia sẻ: "Gia đình tôi thứ 7, Chủ Nhật sẽ dậy lúc một, hai giờ. Ngày thường thì khoảng ba giờ. Có 365 ngày thì trừ mỗi ngày mùng một, còn đâu làm đủ. Đôi khi mình cũng mệt mỏi nhưng nghĩ đến ngày hội hè hay là ngày lễ, ngày Tết đông vui, nhộn nhịp thì lại thích. Bún Mạch Tràng này là mình làm từ gạo nguyên chất, không pha trộn. Mình chuẩn bị từ tối hôm trước rồi sáng đến, đóng máy và đánh bột là ra sản phẩm".

Bún Mạch Tràng (còn gọi là bún tiến vua, bún đen), là một đặc sản của làng Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Sự khác biệt trong cách thức làm bún của làng Mạch Tràng với những vùng quê khác là trước khi mang đi xay thành bột, gạo thường được ủ trong khoảng 2 đến 4 ngày sau đó mang đi xay cùng với nước để tạo thành bột gạo. Sau khi ủ, gạo được vớt ra rửa sạch rồi cho vào ngâm trong nước từ 1 đến 2 ngày cho đến khi hạt gạo mềm thì xay.

Nước bột được mang đi ngâm khử chua 2 ngày rồi đưa lên bàn ép thành bột. Những người làm bún sẽ cắt bột, sau đó đem luộc chín rồi cho vào cối xay giã nhuyễn, cuối cùng đưa vào khuôn vắt tay thành sợi bún.

Bao năm qua, chị Đang cũng như những người thợ làng bún vẫn đều đặn làm những công đoạn quen thuộc ấy, gần như không nghỉ.

Hơn ba giờ sáng, những sợi bún đầu tiên đã bắt đầu tuôn ra khỏi máy. Khác với bún thông thường, bún của làng Mạch Tràng có màu trắng đục, sợi bún dai giòn, bóng bảy, thơm ngon. Do ngâm, ủ bột kỹ, nên bún Mạch Tràng không có vị chua, có thể bảo quản hai, ba ngày trong nhiệt độ bình thường.

Bốn giờ sáng cũng là lúc chị Đang hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng trước khi chuyển bún đến tay khách buôn, kết thúc một buổi sáng làm lụng vất vả.

Cách nhà chị Đang không xa, xưởng bún của anh Nguyễn Quốc Tùng cũng đang trong thời điểm bận rộn. Là con trai của làng nghề, nhưng anh Tùng đã từng mở trung tâm sửa chữa đồ điện tử, thu nhập khá hơn nhiều so với nghề làm bún. Thế rồi vì thương mẹ cặm cụi với nghề làm bún, vì lời bà dặn “ráng giữ lấy cái nghề của cha ông”, anh đành gác lại công việc, quay về tiếp quản xưởng bún của gia đình.

Mới theo nghề được khoảng 4 năm, nhưng giờ anh cũng đã quen với bột nước, với hơi nóng và nhịp lao động của làng nghề và yêu nó từ lúc nào không hay. Gần năm giờ sáng, khi mẻ bún cuối cùng vừa xong, anh Tùng vội vã lên xe chở bún đến các điểm giao hàng. Con đường làng bao năm qua đã quá quen thuộc với anh Tùng vào mỗi buổi sáng sớm.

Những mối hàng của anh phần lớn tập trung trong khu vực huyện Đông Anh, bởi số lượng sản xuất không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng. Trả hàng xong, anh Tùng lại lái xe quay trở về ngôi làng quen thuộc - nơi ngày mai, ngày kia và nhiều ngày tiếp đó, nhịp sống của làng nghề làm bún cổ xưa, dù không còn nhộn nhịp như trước nhưng vẫn luôn bền bỉ và lặng lẽ theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Công việc của những công nhân Xí nghiệp đầu máy Hà Nội tưởng như cũ kỹ, nặng nhọc nhưng chính là mạch ngầm nhịp sống, bảo đảm cho hàng nghìn chuyến tàu chở người, chở hàng an toàn lăn bánh mỗi ngày.

Vịt dấm ghém không đơn thuần là tên một món ăn, nó được coi như một mâm cỗ thịnh soạn bởi rất nhiều lớp nguyên liệu, gia vị.

Những tán phượng vươn cao, bung nở dưới nắng đầu hè trên nhiều tuyến phố khiến Hà Nội như khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ sắc đỏ.

Khi những chùm hoa phượng vĩ bắt đầu cháy rực trên sân trường, cũng là lúc mùa chia tay tuổi học trò lặng lẽ gõ cửa.

Thói quen đi chợ không dùng tiền mặt đang dần trở thành nét tiêu dùng mới, không chỉ đem lại tiện lợi mà còn góp phần làm nên diện mạo đô thị hiện đại.

Bún chả que tre không chỉ mang hương vị làng quê đồng bằng Bắc Bộ, mà còn gợi lại ký ức thời bao cấp, khi thịt thà đắt đỏ và bún chả que tre được coi là “xa xỉ” và đáng mong chờ.