Hà Nội trong tiếng hát nghệ sĩ Quỳnh Hoa
Trong dòng chảy xuyên suốt của âm nhạc Thủ đô, có những nghệ sĩ đã mang tiếng hát, mang trái tim yêu Hà Nội để kể lại những câu chuyện đầy cảm xúc và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Thủ đô tới đông đảo công chúng qua từng lời ca, tiếng hát. Và một trong những nghệ sĩ tiêu biểu ấy, không thể không nhắc đến nghệ sĩ, ca sĩ Quỳnh Hoa.
Nghệ sĩ Quỳnh Hoa sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình nhà giáo. Năng khiếu và niềm đam mê với âm nhạc của nữ nghệ sĩ đã được bộc lộ từ những ngày còn thơ bé, nữ nghệ sĩ được ông bà cho theo học đàn violin tại trường nghệ thuật Hà Nội và ảnh hưởng lớn bởi âm nhạc bác học phương Tây thời điểm đó.

Được sự ủng hộ từ gia đình cộng với cơ duyên gặp gỡ, học hỏi từ các nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam, nghệ sĩ Quỳnh Hoa đã dần nuôi dưỡng và bồi đắp tình yêu sâu đậm với nghệ thuật. Chính những trải nghiệm ấy đã trở thành nền tảng vững chắc, đưa nghệ sĩ Quỳnh Hoa đến quyết định gắn bó trọn đời với âm nhạc.
Nghệ sĩ Quỳnh Hoa chia sẻ: "Những năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã trao cho Quỳnh Hoa một tập những bài hát mà ông chưa từng công bố. Trong đó, Quỳnh Hoa bắt được nhịp mấy bài Hà Nội của ông rất hay và Quỳnh Hoa đã xin với thầy là 'Cho phép em làm một album' và trong đó có nhiều nhạc phẩm của nhạc sĩ đương đại như là Nguyễn Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Tiến và Giáng Son. Có rất nhiều bài về Hà Nội mà Quỳnh Hoa yêu mến. Quỳnh Hoa không dám nói là hay nhưng những bài hát đó vẫn đi sâu vào lòng người nghe mỗi khi Quỳnh Hoa trình diễn".
Những năm đầu thập niên 90, tên tuổi của nghệ sĩ Quỳnh Hoa lúc bấy giờ đã là một trong những ca sĩ hàng đầu ở Hà Nội, liên tục xuất hiện trong các show ca nhạc trên các sân khấu cũng như truyền hình. Quỳnh Hoa cũng là nghệ sĩ rất chăm chỉ ra album, có thể kể tới các album “Mối tình đầu”, “Về bến mơ”, Tango 09” hay “Romance”. Mỗi album không chỉ thể hiện dấu ấn nghệ thuật riêng biệt của nữ nghệ sĩ mà còn gợi nhớ một thời thói quen nghe nhạc của người Hà Nội qua những chiếc đĩa CD hay những album vật lý - khi âm nhạc không chỉ để nghe, mà còn để nâng niu và trân trọng.
Có thể nói, Quỳnh Hoa là một nghệ sĩ đa màu sắc với chất giọng vừa sâu lắng, chuẩn mực, lại vừa thăng hoa, hòa quyện. Khi cần, giọng hát ấy cũng có thể trở nên da diết, nhẹ nhàng và đầy tinh tế. Chính sự đa dạng trong cảm xúc và kỹ thuật thể hiện đã giúp Quỳnh Hoa gắn bó với nhiều ca khúc thuộc nhiều thể loại khác nhau - từ nhạc Việt đến nhạc quốc tế.

Nhắc đến nghệ sĩ Quỳnh Hoa, người yêu nhạc Hà Nội không thể không nhớ đến những ca khúc hiếm về Hà Nội - đó những bài hát ít người thể hiện nhưng lại gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ Quỳnh Hoa. Album “Quỳnh Hoa Vol.5 - Romance” là minh chứng rõ nét nhất với những ca khúc như “Hà Nội ngày ấy” (sáng tác Trần Tiến), “Thư Hà Nội”, “Hà Nội café” (sáng tác Nguyễn Vĩnh Tiến) và “Phố khuya” (Nhạc: Giáng Son - Lời: Nguyễn Vĩnh Tiến), Quỳnh Hoa đã kể những câu chuyện về một Hà Nội riêng biệt qua tiếng hát của chính mình. Trong đó, hai ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác là “Thư Hà Nội” và “Hà Nội café” là những bài hát về Hà Nội rất ít nghệ sĩ thể hiện và gần như đã trở thành dấu ấn riêng của giọng hát nghệ sĩ Quỳnh Hoa.
Với nghệ sĩ Quỳnh Hoa, mỗi lần thể hiện các ca khúc về Hà Nội không chỉ là dịp để bày tỏ tình yêu sâu đậm với Thủ đô, mà còn gửi gắm một trách nhiệm lớn lao - đó là trách nhiệm của một người con Hà Nội hát về Hà Nội, từng lời ca, từng giai điệu không chỉ đơn thuần là âm nhạc, mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa và tinh thần người Tràng An. Đến nay, để duy trì và lan tỏa tình yêu âm nhạc trong đời sống hiện đại, nghệ sĩ Quỳnh Hoa vẫn đều đặn giảng dạy tại các lớp thanh nhạc ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô - nơi chị đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ Quỳnh Hoa cũng đang ấp ủ nhiều dự định mới, trong đó có kế hoạch ra mắt thêm các album âm nhạc. Đó không chỉ là mong muốn được tiếp tục cống hiến mà còn là cách để gìn giữ và khơi dậy thói quen nghe nhạc giữa nhịp sống sôi động của thời đại số.
"Hát về Hà Nội với Quỳnh Hoa không chỉ là biểu diễn mà còn là giữ gìn một ký ức văn hóa và vẻ đẹp của một lối sống thanh lịch, nhân hậu. Hát về Hà Nội với Quỳnh Hoa còn là lời tri ân đối với gia đình, với ông bà, cha mẹ, một thế hệ những người Hà Nội, những người làm công tác giáo dục Hà Nội và đã định hướng cho Quỳnh Hoa một lối sống cũng như là lối nghĩ thấm đẫm trong con người mình. Vì vậy là một người con của Hà Nội thì tất yếu là mỗi khi hát, Quỳnh Hoa đặc biệt chú ý đến việc nhả chữ làm sao cho chuẩn mực, đúng giọng Hà Nội. Bên cạnh đó là cảm xúc, cái hồn vía có sự tinh tế, thanh lịch và ngọt ngào, sâu lắng" - nghệ sĩ Quỳnh Hoa chia sẻ thêm.
Trên hành trình nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Quỳnh Hoa không chỉ thể hiện những ca khúc hay về Hà Nội mà còn góp phần gìn giữ và lan tỏa tình yêu với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với chị, mỗi ca khúc là một phần ký ức, là tình yêu sâu đậm của người con Hà Nội dành cho mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu âm nhạc của mình. Trong giọng hát ấy, Hà Nội hiện lên không chỉ đẹp trong hoài niệm mà còn đầy sức sống, đậm chất thơ. Giữa nhịp sống hiện đại với nhiều thay đổi, nghệ sĩ Quỳnh Hoa vẫn âm thầm, bền bỉ cất tiếng hát của mình vào bản hòa ca của Thủ đô với tài năng, sự tử tế, chuẩn mực trong nghệ thuật.


Tháng 5 là thời điểm các gia đình làm cốm ở làng Mễ Trì bắt đầu một vụ cốm mới. Từ sáng sớm tinh mơ, những bàn tay đã thoăn thoắt rang cốm, giã cốm, gói cốm trong những tàu lá sen, lá duối thơm ngát.
Chả cá Hà Nội – món ăn thơm lừng trên chảo nóng kích thích mọi giác quan. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn là minh chứng cho sự tinh tế, cầu kỳ của người đầu bếp.
Với hơn 50 năm gắn bó với nghề mộc, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến (Chàng Sơn, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển tinh hoa nghề mộc và kỹ thuật làm nhà gỗ truyền thống của quê hương.
Phở là đặc sản của người dân Hà Nội và là món ăn nước đặc trưng trong nền ẩm thực Việt. Song hành với phở nước là món phở xào. Một quán ăn đường phố xuất hiện từ năm 1998 nổi danh nhờ món phở xào với sợi phở xào khô ráo, bắp bò giòn và săn chắc, từ đó tạo nên thương hiệu phở xào Hàng Buồm.
Khi một mẻ gốm mới được đưa vào lò, đích thân ông chủ lò sẽ nhóm lửa. Một vòng lặp dỡ lò, phơi than, đổ khuôn, dỡ khuôn, tráng men, vào lò, dỡ lò… lại bắt đầu.
Không quá nhiều người biết và cũng chẳng bán phổ thông như cà pháo muối, tuy nhiên cà bát muối vẫn là một món ăn kèm quen thuộc trên mâm cơm của nhiều người Hà Nội.
0