Hà Nội sắp có hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội vừa đưa ra phương án thí điểm tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp. Dọc sông Tô Lịch, vỉa hè quanh công viên Hòa Bình là hai tuyến đường vừa được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất tổ chức dành cho xe đạp, với kinh phí dự kiến gần 10 tỷ đồng. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, làn dành riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp, để xe lưu thông được an toàn, thuận lợi. Tuyến đường được lựa chọn thí điểm sẽ kết nối với các hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt, trạm xe đạp công cộng.
Xe đạp là phương tiện giao thông dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe của con người và thân thiện với môi trường. Ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hằng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh. Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ hẹp, nên điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ vận tải hành khách khối lớn còn nhiều trở ngại. Xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp nhất, góp một phần hạn chế xe máy, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phát thải ra môi trường.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ nhận định: “Trong tương lai, khi tỷ lệ người đi xe đạp tăng lên, lượng ô tô và xe máy tham gia giao thông giảm xuống là một điều tốt, rất cần thiết. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, xe đạp công cộng còn tạo nên một sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô.”
Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đạp xe trên phố Hà Nội sau cuộc hội đàm tại trụ sở Chính phủ hồi đầu tháng 11 đã thu hút sự chú ý của nhiều người, quảng bá hình ảnh của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhắc tới thủ tướng Hà Lan, đất nước 17 triệu dân này có tới 23 triệu chiếc xe đạp. Hà Lan là đất nước hiếm hoi có số lượng xe đạp nhiều hơn người dân. Điều tuyệt vời hơn nữa là đi xe đạp ở Hà Lan được đánh giá là an toàn nhất trên thế giới nhờ mạng lưới đường dành riêng cho xe đạp được tách khỏi các tuyến đường khác.
Dành làn đường riêng cho xe đạp đã trở thành xu hướng của nhiều đô thị trên thế giới, tuy nhiên, chưa đô thị nào ở nước ta có tuyến đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp, xe đạp phải len lỏi trong dòng ô tô, xe máy. Khi phải băng qua các điểm giao cắt rộng, đi xe đạp thực là một việc nguy hiểm. Việc thiếu hạ tầng cho xe đạp đã hạn chế người dân sử dụng thường xuyên loại phương tiện này, cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển.
Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng - Bộ Xây dựng: "Khi chúng ta thực hiện xây dựng làn đường dành cho xe đạp, ngay từ công tác quy hoạch, các chính quyền địa phương, các bộ, ngành chúng ta phải đưa vào công tác quy hoạch, công tác quy hoạch công tác khởi đầu cho tất cả mọi việc xảy ra, kể cả cho đường cho xe đạp để giảm ô nhiễm môi trường cũng như giảm ùn tắc giao thông".
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để kế hoạch đề ra được vận hành hiệu quả thì quản lý phải tốt, không thể để tình trạng làn riêng cho xe đạp nhưng xe máy cứ chen vào. Lo lắng của ông Phạm Thanh Tùng là rất có cơ sở. Nhiều người đi xe máy rất vô ý thức. Khi đường đông, họ sẵn sàng tranh cướp đường, leo lên vỉa hè. Nên, viễn cảnh xe máy tranh đường với xe đạp ở ngay làn đường dành riêng cho xe đạp là rất thực tế.
Hà Nội có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang trong quá trình triển khai, nên có rất nhiều cơ hội để bắt đầu phát triển giao thông xe đạp. Hai tuyến đường thí điểm dành riêng cho xe đạp sẽ là một thử nghiệm rất đáng mong đợi đối với người dân, hướng tới hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô./.
Hà Nội đang tiếp tục khẳng định quyết tâm chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính bằng một chỉ đạo rất rõ ràng: không yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ, thông tin đã được số hóa và có trong cơ sở dữ liệu khi thực hiện các thủ tục hành chính.
UBND thành phố Hà Nội đã xác định ba khu vực trọng điểm sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển du lịch: Hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, khu du lịch Ba Vì, Di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn. Đây có thể xem là ba biểu tượng đại diện cho ba dòng chảy song song trong bản sắc du lịch Hà Nội: văn hóa - sinh thái - tâm linh.
Nơi an toàn nhất, mang hy vọng nhất trong lúc bạo bệnh lại là nơi tiềm ẩn nguy hiểm nhất với những người thực hiện sứ mệnh cứu người.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra đúng vào thời điểm “giao thời”, khi bộ máy chính quyền các cấp đang trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi. Hà Nội đang chuẩn bị cho Kỳ thi với một tinh thần chủ động, để một mùa thi diễn ra trọn vẹn, ổn định và đúng nhịp.
Ngày 7/5 là ngày mà mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng không thể không nhớ về một dấu mốc chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là “một trong những động lực” như cách tiếp cận trước đây.
0