Hà Nội đề xuất phương án hỗ trợ chuyển đổi xe chạy xăng dầu | Hà Nội tin mỗi chiều
Thành phố Hà Nội đang lên phương án hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân trong Vành đai 1 để thực hiện mục tiêu: không còn xe máy chạy bằng nguyên liệu hóa thạch xăng dầu lưu thông trong khu vực này.
Một trong những chính sách mạnh mẽ nhất mà Hà Nội đang theo đuổi là loại bỏ hoàn toàn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1, tức khu trung tâm thành phố từ ngày 1/7/2026. Đây không còn là những bản kế hoạch mang tính định hướng chung chung nữa, mà đã có thời hạn cụ thể, địa bàn cụ thể và các bước triển khai cụ thể. Và chính điều đó khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Chính sách này sẽ là phép thử lớn đối với khả năng điều hành đô thị hiện đại của Hà Nội. Vì sẽ không ai nghi ngờ mục tiêu là đúng đắn nhưng vấn đề là cách làm có hiệu quả hay không, và người dân mong mỏi điều gì? Trên thực tế, Hà Nội đang đứng trong một dòng chảy cải cách mạnh mẽ mà nhiều đô thị quốc tế đã lựa chọn để đối phó với áp lực giao thông và ô nhiễm không khí.
Hãy lấy London làm ví dụ. Từ năm 2019, thành phố này áp dụng khu vực ULEZ, tức “Vùng phát thải cực thấp” – nơi mà xe cá nhân không đạt tiêu chuẩn khí thải phải trả mức phí rất cao, có khi tới 12,5 bảng mỗi ngày. Dưới sức ép tài chính và truyền thông, nhiều người dân buộc phải chuyển sang xe điện hoặc phương tiện công cộng.
Paris thì táo bạo hơn. Chính quyền thành phố này đặt mục tiêu trở thành “15-minute city”. Ở đây, người dân chỉ cần 15 phút để đến bất cứ dịch vụ thiết yếu nào bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc công cộng. Xe máy chạy xăng đã bị hạn chế nghiêm ngặt, và đến năm 2030, xe dùng nhiên liệu hóa thạch sẽ hoàn toàn biến mất khỏi Paris.
Ở Oslo, thành phố này từng gây sốc khi quyết định cấm toàn bộ xe hơi chạy xăng và dầu diesel vào khu trung tâm. Những bãi đỗ xe bị dỡ bỏ, thay bằng không gian xanh và đường dành riêng cho xe đạp. Và điều bất ngờ là: người dân không phản ứng tiêu cực như nhiều người lo ngại, bởi chính quyền đã làm quá tốt việc tạo ra một hệ sinh thái di chuyển thay thế: xe buýt điện, xe đạp công cộng, và chính sách hỗ trợ cực kỳ bài bản cho người dân chuyển đổi.
Thậm chí ở châu Á, Singapore – thành phố được xem là hình mẫu quy hoạch đô thị cũng đã tuyên bố ngừng hoàn toàn việc đăng ký xe chạy xăng mới từ năm 2025, và đến năm 2040, tất cả phương tiện giao thông phải là phương tiện sạch. Điều quan trọng là Singapore không làm một cách vội vàng, mà họ chuẩn bị rất kỹ: từ hạ tầng sạc điện đến hệ thống phạt nguội, hỗ trợ tài chính, và cả giáo dục thay đổi hành vi người dân.
Quay trở lại Hà Nội, việc thành phố không chỉ đưa ra lệnh cấm, mà còn có những đề xuất cụ thể được đánh giá cao như: miễn 100% lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số cho xe điện, giảm giá gửi xe, quy hoạch các điểm sạc ở công viên, vườn hoa, và đặc biệt là cải tổ lại mạng lưới xe buýt kết nối vào tận ngõ sâu. Đó là những bước đi đúng hướng, phản ánh cách tiếp cận mềm dẻo, có tính khả thi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các thành phố như Paris, London hay Singapore đều có một điểm chung: họ không chỉ cấm, mà họ tái định nghĩa lại không gian đô thị – biến giao thông từ một công cụ cá nhân thành một dịch vụ công cộng chất lượng cao. Và chỉ khi nào người dân cảm thấy dùng xe công cộng còn tiện hơn xe cá nhân, thì khi đó, quá trình chuyển đổi mới thực sự diễn ra một cách tự nguyện và bền vững.
Hà Nội hiện có khoảng 450.000 xe máy đang lưu thông trong Vành đai 1. Việc chuyển đổi toàn bộ số này chỉ trong vòng hai năm là một thách thức không nhỏ, cả về mặt tâm lý xã hội lẫn năng lực hạ tầng. Nhưng nếu làm được, đây sẽ là một cú hích thay đổi bộ mặt đô thị. Không chỉ giúp giảm phát thải, giảm tắc đường, mà còn mở ra một cách sống mới, nơi người dân sống gần hơn, đi lại xanh hơn, và thành phố cũng trở nên hấp dẫn hơn với du khách.
Nếu được triển khai đúng cách, chính sách này sẽ không chỉ là một bước tiến của Hà Nội, mà còn là hình mẫu để nhiều đô thị khác trong khu vực học tập. Còn bạn, nếu ngày mai xe máy xăng không được vào phố, bạn sẽ chọn chuyển sang xe điện, hay xe buýt nhỏ hay xe đạp chẳng hạn?