Hà Nội sẽ thí điểm tổ chức suất ăn sẵn cung cấp cho trường học, bệnh viện | Hà Nội tin mỗi chiều

Thành phố Hà Nội tổ chức thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh trong năm học 2025-2026, theo hướng tổ chức tập trung suất ăn sẵn.

Chất lượng bữa ăn trưa ở trường học hay bệnh viện từ lâu đã là mối quan tâm thường trực của nhiều gia đình tại Hà Nội. Không ít phụ huynh lo lắng vì suất ăn bán trú của con đôi khi chưa đủ chất lượng, thiếu người kiểm soát dinh dưỡng. Tại các bệnh viện, bệnh nhân cũng phải tự xoay xở để có một bữa ăn tạm đủ đầy, trong khi đang cần được chăm sóc toàn diện.

Trong bối cảnh đó, chủ trương của thành phố Hà Nội về việc thí điểm tổ chức suất ăn sẵn cho trường học và bệnh viện đang thu hút sự chú ý. Đây là nội dung đã được lãnh đạo thành phố nêu rõ tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 25 của HĐND Thành phố và được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo liên ngành trong tháng 7/2025. Một chính sách có thể tạo ra thay đổi thực chất trong cách chính quyền đô thị đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân, từ một bữa ăn tử tế đến sự yên tâm lâu dài.

Trước tiên phải nhấn mạnh rằng: dù ở trường học hay bệnh viện, điều người dân cần không phải là bữa ăn sang trọng, mà là một suất ăn tử tế: đủ chất, sạch sẽ và minh bạch nguồn gốc. Chính vì vậy, thay vì yêu cầu mỗi trường học, bệnh viện tự xây dựng bếp ăn riêng, Hà Nội đang lựa chọn mô hình tổ chức suất ăn sẵn, do các đơn vị chuyên nghiệp đảm nhận toàn bộ quy trình nấu nướng, vận chuyển và cung ứng. 

Cách làm này không mới. Nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã vận hành mô hình tương tự từ nhiều năm qua. Tại đó, trường học và bệnh viện không phải là nơi nấu ăn, mà là nơi kiểm soát chất lượng đầu vào và giám sát khâu phục vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về dinh dưỡng, vệ sinh và vận hành chuỗi cung ứng thực phẩm.

Nếu được triển khai nghiêm túc, mô hình này có thể mang lại ba lợi ích rõ rệt: chuẩn hóa chất lượng: tất cả các suất ăn đều tuân thủ tiêu chí thống nhất, tránh tình trạng nơi đủ, nơi thiếu; tăng hiệu quả giám sát: thay vì kiểm tra hàng nghìn bếp ăn nhỏ, chính quyền chỉ cần tập trung vào một số ít đơn vị cung ứng lớn; tối ưu hóa đầu tư công: ngân sách không bị dàn trải cho việc xây dựng bếp nấu mà được sử dụng để giám sát, kiểm nghiệm và cải thiện dịch vụ.

Điểm đáng chú ý là thành phố Hà Nội tập trung dành nguồn lực đáng kể để chính sách này được thực thi thực chất. Theo Nghị quyết số 17, học sinh tiểu học bán trú trên địa bàn sẽ được hỗ trợ tối thiểu 30.000 đồng mỗi ngày cho bữa ăn. Dự kiến, ngân sách hỗ trợ trong năm học tới sẽ vượt 3.000 tỷ đồng - một con số đủ lớn để thấy rõ cam kết đầu tư cho chính sách an sinh từ chính quyền Thành phố. Đây là dạng chi tiêu công có thể đo đếm được hiệu quả ngay: chất lượng bữa ăn, tỷ lệ học sinh khỏe mạnh, sự yên tâm của phụ huynh. Khác với những khẩu hiệu mang tính định hướng như “nâng cao chất lượng giáo dục” hay “đảm bảo dinh dưỡng học đường”, hỗ trợ trực tiếp cho suất ăn là giải pháp cụ thể, dễ giám sát và có thể kiểm chứng bằng thực tế từng khay cơm.

Để chính sách suất ăn sẵn được triển khai hiệu quả và bền vững, điều kiện tiên quyết là sự minh bạch. Hà Nội có thể áp dụng nguyên tắc “ba công khai” trong suốt quá trình thí điểm: công khai danh sách và năng lực các đơn vị cung cấp; công khai tiêu chuẩn suất ăn về dinh dưỡng, vệ sinh, quy cách bảo quản và thời gian giao nhận; công khai kênh tiếp nhận phản ánh, đánh giá từ phía phụ huynh và bệnh nhân. Việc này không chỉ giúp tăng tính giám sát xã hội, mà còn khuyến khích nhà cung cấp nâng cao chất lượng dịch vụ.

Minh bạch là cách hiệu quả nhất để củng cố niềm tin của người dân với chính sách. Khi chính quyền chủ động chia sẻ thông tin, tiếp nhận góp ý và phản hồi một cách cầu thị, người dân sẽ không còn chỉ là đối tượng thụ hưởng mà trở thành đối tác đồng hành trong quá trình giám sát chất lượng dịch vụ công. Và đó là tiền đề để một chính sách dân sinh đi vào cuộc sống một cách thực chất, không chỉ dừng ở văn bản.

Chính sách tổ chức suất ăn sẵn là bước đi đúng, thể hiện nỗ lực của Hà Nội trong việc nâng chất lượng an sinh từ điều nhỏ nhất. Nhưng để đi vào đời sống một cách thực chất, điều quan trọng là sự giám sát minh bạch, phản hồi kịp thời và cam kết thực thi đến cùng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời