Đề xuất thí điểm bỏ công chứng, chứng thực đối với giao dịch bất động sản | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội đang xem xét một đề xuất khá đặc biệt: thí điểm không yêu cầu công chứng, chứng thực với hợp đồng tặng cho bất động sản giữa cá nhân với cá nhân trong các dự án.

Thông tin này được nêu rõ tại Thông báo số 410 của Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội. Đây là một tư duy cải cách khi mạnh dạn cởi trói thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân và có thể nếu được làm bài bản, nó sẽ là "cú hích" cho thị trường bất động sản vốn đang có nhiều rào cản. 

Theo quy định hiện hành, muốn tặng cho nhà đất thì phải lập hợp đồng, ra công chứng, chứng thực tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã, rồi mới được mang đi đăng ký thay đổi đất đai. Với các căn hộ chung cư hay nền đất trong dự án, đây là một quy trình lặp lại không ít lần trong vòng đời của bất động sản đó. Nhiều người dân đã phản ánh: cùng một khu đô thị, cùng loại căn hộ, cùng một thủ tục tặng cho, nhưng hồ sơ cứ phải xếp hàng ở phòng công chứng, lại thêm lệ phí, rồi thêm thời gian chờ. Vậy nên, trong thông báo mới nhất, Thành phố có đặt vấn đề: nếu các bên đồng thuận, nếu đã có dữ liệu quản lý tập trung qua chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước, liệu có nhất thiết phải bắt người dân đi thêm một vòng công chứng, vốn mang tính hình thức và tốn kém?

Câu hỏi này không mới. Trên thực tế, Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có bước mở, khi cho phép sử dụng hợp đồng giao dịch bất động sản không công chứng trong một số trường hợp, miễn là việc đăng ký và xác minh thông tin rõ ràng. Nhiều chuyên gia pháp lý cũng đồng tình: công chứng là cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng nên là điều kiện bắt buộc, đặc biệt với các giao dịch có quy mô nhỏ, giữa người thân, hoặc trong phạm vi các dự án đã có đủ hồ sơ pháp lý chuẩn.

Chủ trương này của Hà Nội được đánh giá cao vì nó đi đúng hướng: cải cách hành chính, lấy người dân làm trung tâm, giảm thời gian, giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang là chiến lược ưu tiên. Nếu được triển khai tốt, đây sẽ là tiền đề để nhiều địa phương khác học hỏi và nhân rộng.

Nhưng, như mọi chính sách được đề xuất, vấn đề không nằm ở mục tiêu, mà ở cách triển khai.

Thứ nhất, nếu bỏ công chứng, thì cơ chế nào sẽ đảm bảo tính pháp lý và phòng ngừa tranh chấp? Câu chuyện ở đây không chỉ là giấy tờ, mà là trách nhiệm pháp lý. Công chứng không chỉ xác nhận chữ ký, mà còn đảm bảo các bên hiểu đúng nội dung, không bị cưỡng ép và là cơ sở nếu có tranh chấp về sau. Nếu loại bỏ bước này, thì phải có một quy trình thay thế tương đương, ví dụ như xác thực qua chữ ký số, hệ thống dữ liệu của chủ đầu tư, hoặc xác minh điện tử qua cổng dịch vụ công.

Thứ hai, cần làm rõ phạm vi thí điểm. Ai là đối tượng được áp dụng? Có bao gồm cả người nước ngoài? Các dự án nào được chọn? Điều này cực kỳ quan trọng để tránh tình trạng lách luật, tạo kẽ hở cho giao dịch “ngầm” hoặc hợp thức hóa tài sản bất minh.

Thứ ba, phải xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Nếu sau này xảy ra tranh chấp vì hợp đồng không qua công chứng, thì ai chịu trách nhiệm? Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai có được từ chối hay không? Những câu hỏi này cần được giải đáp cụ thể trong báo cáo trình UBND Thành phố trước ngày 15/7 tới, như đúng tinh thần chỉ đạo.

Chúng ta không thể phủ nhận: công chứng là một hình thức “pháp lý hóa” quan trọng trong giao dịch dân sự, nhưng cũng không thể duy trì tư duy “phải có công chứng mới là an toàn” trong mọi trường hợp. Thế giới đang chuyển sang số hóa, hợp đồng điện tử, chữ ký số, mã QR truy xuất dữ liệu…

Tại Estonia, một quốc gia chỉ hơn 1 triệu dân nhưng đi đầu về chính phủ điện tử, mọi giao dịch nhà đất giữa các cá nhân đều có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Họ sử dụng hệ thống nhận diện điện tử quốc gia để xác thực danh tính, tích hợp dữ liệu đất đai, dân cư và tài sản vào một nền tảng chung. Người dân chỉ cần đăng nhập, ký số hợp đồng, xác nhận thuế và sau vài giờ giao dịch được hoàn tất và ghi nhận vào hệ thống đăng ký đất đai quốc gia. Không cần xếp hàng, không cần đến phòng công chứng và vẫn đảm bảo ràng buộc pháp lý rõ ràng.

Qua đó, một lần nữa có thể thấy rằng, Hà Nội đang đi đúng hướng khi lựa chọn cách tiếp cận thận trọng: thí điểm, từng bước, trong phạm vi có kiểm soát. Nếu thí điểm thành công, đây có thể là bước đệm để kiến tạo một hệ thống xác thực hiện đại và đáng tin cậy hơn, thay thế các thủ tục giấy tờ vốn đã lỗi thời và tốn kém.

Ở góc nhìn người dân, việc đề xuất này nếu triển khai minh bạch, rõ ràng, có kiểm soát sẽ giúp họ giảm hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng lệ phí, hàng ngày công đi lại và tránh các thủ tục lòng vòng vốn chỉ mang tính hình thức. Điều đáng mong đợi nhất trong chính sách này không chỉ là bỏ công chứng mà là thay thế được công chứng bằng một cơ chế xác thực hiện đại, an toàn, minh bạch và thuận tiện hơn. Nếu làm được điều đó, chúng ta mới thực sự cải cách, chứ không chỉ là cắt một thủ tục để rồi sinh thêm nỗi lo về pháp lý.

Cải cách hành chính là một chặng đường dài và việc Hà Nội chủ động mở đường với đề xuất thí điểm này là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để tránh “cởi trói” lại thành “buông lỏng”, mọi bước đi đều cần được thiết kế chặt chẽ, có cơ chế giám sát và lắng nghe kỹ phản hồi từ người dân, doanh nghiệp lẫn giới chuyên gia. Câu chuyện về hợp đồng tặng, cho không công chứng, tưởng nhỏ, nhưng lại mở ra một hướng đi lớn: liệu chúng ta có sẵn sàng tiến đến một nền hành chính công không giấy tờ, không xếp hàng, mà vẫn bảo đảm an toàn và công bằng?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời