Hà Nội cấm sử dụng túi nilon, hộp nhựa xốp khó phân huỷ | Hà Nội tin mỗi chiều
Chợ và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn sẽ không còn được phép lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ 1/1/2028.
Có bao giờ bạn để ý xem, chỉ một lần đi chợ, chúng ta mang về bao nhiêu cái túi nilon? Một túi đựng rau; một túi đựng thịt; một túi đựng cá, thậm chí là thêm vài lớp nilon chống chảy nước; rồi một túi to để gom tất cả lại;... mọi thứ đều “được” gói rất kỹ, rất sạch và… rất nhựa. Tất cả dùng trong vài chục phút và sau đó mất cả trăm năm để phân hủy.
Chúng ta đã quá quen với sự tiện lợi của nhựa, đến mức chẳng mấy ai còn để ý đến hậu quả. Mới đây, HĐND Thành phố đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt: từ ngày 1/1/2028, chợ và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố sẽ không còn được phép lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Có thể nói, nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội được thông qua tại kỳ họp HĐND Thành phố vừa qua là một lời tuyên bố rất rõ ràng: Hà Nội sẵn sàng từ bỏ cái “tiện”, để giữ cái “bền”. Chỉ còn chưa đầy 1.000 ngày nữa, hành vi tiêu dùng của hàng triệu người dân Thủ đô sẽ phải thay đổi.
Theo thống kê, mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra khoảng 7.000 tấn rác, trong đó phần lớn là rác thải nhựa không thể tái chế. Túi nilon, hộp xốp, ly nhựa,...những vật dụng tưởng chừng vô hại, nhưng lại phải mất hàng trăm năm để phân hủy. Không chỉ chiếm diện tích bãi rác, chúng còn rò rỉ vi nhựa ra môi trường, ngấm vào đất, vào nước và cả… cơ thể con người.
Vì vậy, Hà Nội không chỉ “cấm” mà còn vạch ra lộ trình chuyển đổi rất cụ thể. Từ năm 2026, khách sạn, khu du lịch không được dùng bàn chải, dao cạo, mũ tắm nhựa dùng một lần; từ năm 2027, chợ và cửa hàng tiện lợi không được phát miễn phí túi nilon; và từ năm 2028, không được lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các địa điểm này.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, rất nhiều người dân và các diễn đàn đã bày tỏ sự đồng thuận và ủng hộ lộ trình này của thành phố. Đơn giản là bởi, ai cũng biết rác thải nhựa có tác hại gì với môi trường nhưng lâu nay, vì tiện tay, tiện lợi chúng ta vẫn mặc kệ. Người bán thì cho rằng lời lãi chả bao nhiêu nên cứ thế dùng túi nilon, hộp xốp. Người mua thì tặc lưỡi cho nhanh chóng, còn số phận của những bao nilon kia thì âm ỉ, dai dẳng như một quả bom nổ chậm. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi hành vi, nhận thức của mình với môi trường sống bắt đầu từ việc nói không với túi nilon và nhựa khó phân huỷ.
Bạn biết không, tại Hàn Quốc, từ năm 2019, các siêu thị lớn đã bị cấm phát túi nilon dùng một lần. Sau đó, quy định này được mở rộng sang cửa hàng tiện lợi, tiệm cà phê và nhà hàng từ năm 2022, bao gồm cả ống hút và ly nhựa. Ban đầu, nhiều người tỏ ra không thoải mái vì… bất tiện. Nhưng sau một vài năm, việc mang theo túi vải, hộp đựng cá nhân đã dần trở thành thói quen vì chính phủ không chỉ siết luật, mà còn truyền thông rất mạnh và có lộ trình rõ ràng.
Còn tại Pháp, câu chuyện không dừng lại ở cấm. Quốc gia này ban hành hẳn một đạo luật - Luật Chống rác thải và Kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nhựa dùng một lần vào năm 2040. Từ 2021, họ cấm hộp xốp đựng thực phẩm, cấm phát nước đóng chai miễn phí ở công sở. Các siêu thị phải dành ít nhất 20% diện tích cho hàng hóa không bao bì tức là khách hàng mang chai lọ đến nạp lại (refill), vừa sạch vừa rẻ. Ai đổi chai cũ, tái sử dụng thì được giảm giá. Ai vẫn đòi túi nilon thì phải trả phí rất cao. Cách tiếp cận ở đây là: vừa siết, vừa khuyến khích; vừa luật hóa, vừa giáo dục hành vi.
Quay trở lại với Hà Nội, để lệnh cấm từ năm 2028 thực sự đi vào đời sống, cần song hành ba thứ:
Thứ nhất, truyền thông mạnh mẽ. Người dân cần hiểu đây không phải một “lệnh cấm”, mà là vì sức khỏe của chính họ, vì môi trường sống của Thành phố.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ cụ thể. Các hộ kinh doanh nhỏ có thể được tiếp cận với nguồn bao bì sinh học giá rẻ, hoặc được hỗ trợ chuyển đổi mô hình - giống như cách Hà Nội chuẩn bị hỗ trợ xe máy cũ chuyển đổi sang xe điện chẳng hạn.
Thứ ba, kiểm soát và giám sát minh bạch. Nếu có chợ vẫn lén lút dùng túi nilon, hoặc cửa hàng bán đồ ăn vẫn dùng hộp xốp, thì cần có chế tài rõ ràng, công bằng tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Sẽ có nhiều người đặt ra hoài nghi về tính khả thi của các quy định hạn chế túi nilon, hộp xốp ở các khu chợ nhưng nếu chúng ta còn chần chừ thì hậu quả về sau sẽ rất khó lường. Quyết tâm hành động của Thành phố đã có, việc bây giờ là nhận thức và sự đồng lòng từ mỗi chúng ta với môi trường sống của Thủ đô.
Nếu được truyền thông đúng cách, được hỗ trợ chuyển đổi thì người Hà Nội sẽ sẵn sàng nói lời chia tay với sản phẩm nhựa dùng một lần. Không phải vì luật bắt buộc, mà vì chúng ta hiểu: đổi cái tiện hôm nay để giữ lấy sự sống ngày mai - đó mới là điều đáng làm.