Hà Nội lắp đặt camera AI, giảm dần sự hiện diện của CSGT trên đường | Hà Nội tin mỗi chiều

Công an Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động 261 camera AI (trí tuệ nhân tạo) gắn với 10 tiện ích trên toàn địa bàn.

Thông tin trên được Giám đốc Công an Hà Nội cho biết tại cuộc họp của UBND thành phố Hà Nội với 126 xã, phường được tổ chức mới đây và hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm và mong được nhân rộng trên cả nước bởi kỳ vọng vào tính minh bạch, khách quan khi vận hành hệ thống này.

Công an thành phố Hà Nội đang khẩn trương lắp đặt thêm và khi triển khai đầy đủ, dự kiến đến ngày 18/12, Hà Nội sẽ giảm dần sự hiện diện của cảnh sát giao thông trên đường.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo thay thế cảnh sát giao thông trực tiếp trên đường là bước ngoặt lớn để nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc. Nếu như cảnh sát giao thông không thể lúc nào và ở đâu cũng có mặt trên đường để hướng dẫn giao thông, xử lý vi phạm, giải quyết tai nạn thì hệ thống công nghệ và AI có thể hoạt động 24/7, không giới hạn về thời gian hay không gian. Việc thu thập và xử lý dữ liệu vi phạm cũng chính xác, nhanh chóng và minh bạch hơn, khi AI có thể phân tích hình ảnh, video để xác định các lỗi vi phạm với độ chính xác cao, loại bỏ yếu tố cảm tính. Đáng nói, mọi hành vi vi phạm đều có thể bị ghi lại và xử phạt một cách tự động sẽ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn. Bởi khi người tham gia giao thông ý thức được rằng vi phạm của mình có thể bị phát hiện bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, họ chắc chắn sẽ không dám cố tình vi phạm.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cũng giúp giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh các hành vi tiêu cực. Lúc này, việc xử lý vi phạm rất công khai, minh bạch, không có chuyện đôi co, tranh cãi. Còn về điều tiết và hướng dẫn giao thông, AI có thể phân tích dữ liệu giao thông theo thời gian thực (mật độ xe, tốc độ di chuyển) để đưa ra các điều chỉnh tín hiệu đèn, hướng dẫn luồng xe một cách linh hoạt và tối ưu. AI có thể phát hiện nhanh chóng các sự cố (tai nạn, ùn tắc đột ngột) và tự động thông báo cho các cơ quan chức năng.

Có một điều mà dư luận quan tâm là khi không phải thường xuyên ra đường, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ làm gì?

Thực ta, việc áp dụng AI không làm giảm đi tầm quan trọng của lực lượng cảnh sát giao thông mà ngược lại, giúp họ chuyển sang một vai trò mới, hiện đại và hiệu quả hơn, tập trung làm các nhiệm vụ khác chuyên sâu hơn. Cảnh sát giao thông sẽ tập trung quản lý, vận hành và tối ưu hóa hệ thống giám sát thông minh, đảm bảo hoạt động hiệu quả, chính xác. Dữ liệu từ hệ thống sẽ giúp đưa ra các biện pháp điều chỉnh, tối ưu hóa luồng giao thông; xác định các điểm đen giao thông, các hành vi vi phạm phổ biến, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược. Khi việc xử phạt vi phạm đã được tự động hóa phần lớn, cảnh sát giao thông có thể dành nhiều thời gian hơn cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân. Hình ảnh người cảnh sát giao thông chắc chắn cũng sẽ trở nên thân thiện hơn rất nhiều trong mắt người dân.

Đối với các vụ tai nạn nghiêm trọng, các hành vi phạm tội liên quan đến giao thông (đua xe trái phép, gây rối  trật tự công cộng), xử lý "ma men" lái xe, xe quá tải…, vai trò của cảnh sát giao thông vẫn rất quan trọng. AI dù thông minh đến đâu cũng không thể so sánh với kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu của cảnh sát giao thông. Và chắc chắn, vẫn sẽ có những khu vực hoặc những thời điểm cần sự hiện diện của cảnh sát giao thông để duy trì trật tự, điều tiết giao thông trực tiếp, hoặc xử lý các tình huống khẩn cấp, chứ không phải AI thay thế hoàn toàn cảnh sát giao thông.

Trên thế giới, nhiều thành phố đã triển khai hệ thống camera AI để trợ giúp cảnh sát giao thông. Chẳng hạn hệ thống camera "Heads Up" của Công ty công nghệ Acusensus (Úc) đã được triển khai tại Úc, Anh và Mỹ. Camera chụp ảnh toàn bộ xe đi qua, bao gồm biển số và hàng ghế trước, sau đó dùng AI để phân tích hình ảnh và xác định khả năng có hành vi vi phạm. Mỗi hình ảnh sẽ được đánh giá mức độ tin cậy, sau đó nhân viên sẽ kiểm tra lại thủ công trước khi ra quyết định xử phạt. Tại Anh, gần một nửa số lực lượng cảnh sát đã thử nghiệm hệ thống này vào cuối năm 2024. Ở hạt Great Manchester, phía Tây Bắc nước Anh, chỉ trong hai tháng thử nghiệm, hơn 3.200 người bị phát hiện vi phạm như không thắt dây an toàn hoặc dùng điện thoại khi lái xe. Tại tiểu bang Queensland (Úc), từ khi triển khai hệ thống này, trong một thử nghiệm vào năm 2020, chính quyền địa phương đã ghi nhận hơn 15.000 người đã bị phát hiện sử dụng điện thoại di động và hơn 2.200 người không thắt dây an toàn. Chính quyền Queensland cũng cho biết, kể từ khi lắp đặt hệ thống camera này, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 7,1%.

Khi Hà Nội tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý giao thông, đây không chỉ là một bước tiến về công nghệ, mà còn là sự chuyển mình về tư duy quản trị, từ hành chính sang thông minh, từ can thiệp thủ công sang vận hành bằng dữ liệu. Việc giảm dần sự hiện diện của cảnh sát giao thông trên đường không có nghĩa là con người bị thay thế, mà là con người được hỗ trợ để làm tốt hơn, minh bạch hơn và thân thiện hơn. Những gì đang diễn ra tại Hà Nội hôm nay rất có thể sẽ trở thành hình mẫu cho các đô thị khác ngày mai. Bởi trong câu chuyện này, điều mà người dân kỳ vọng không chỉ là camera, là AI, mà là một hệ thống giao thông trật tự, văn minh, nơi mỗi người được nhắc nhở bằng công nghệ… để tự giác hơn khi tham gia giao thông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời