Chưa quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng để chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện ở Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều

Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư (Sở Xây dựng Hà Nội) khẳng định: thông tin hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng/người mới chỉ là nội dung trong nghiên cứu đề xuất của đơn vị tư vấn, nằm trong dự thảo nghị quyết đang xây dựng, chưa phải chủ trương hay quyết định chính thức của thành phố.

Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin “Hà Nội sẽ hỗ trợ mỗi người dân 3 - 5 triệu đồng để chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện”. Thông tin này được lan truyền trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu Hà Nội từng bước loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ra khỏi khu vực nội đô, bắt đầu từ Vành đai 1 vào ngày 1/7/2026.

Theo Chỉ thị, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm phát thải, thúc đẩy giao thông bền vững, trong đó có việc hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Một số đề xuất liên quan đến chính sách tài chính, hỗ trợ thu mua xe máy cũ và chuyển đổi sang xe điện đã được đưa ra, tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều trong xã hội.

Tuy nhiên, tại tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh” tổ chức ngày 18/7, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư (Sở Xây dựng Hà Nội) đã khẳng định: thông tin hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng/người mới chỉ là nội dung trong nghiên cứu đề xuất của đơn vị tư vấn, nằm trong dự thảo nghị quyết đang xây dựng, chưa phải chủ trương hay quyết định chính thức của thành phố.

Ông Thành cho biết, để ban hành một chính sách liên quan đến ngân sách, thành phố phải thực hiện quy trình rất chặt chẽ, gồm 17 bước, từ cấp cơ sở đến các vòng thẩm định, lấy ý kiến phản biện, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các ban thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, trước khi trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, biểu quyết.

Cũng theo ông Thành, ngoài chính sách hỗ trợ tài chính, thành phố đang đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi phương tiện. Hiện nay, trong khu vực Vành đai 1 có 45 tuyến xe buýt đang hoạt động. Sắp tới, Hà Nội sẽ bổ sung thêm các tuyến buýt điện cỡ nhỏ để phù hợp với đường phố hẹp, giúp người dân tiếp cận giao thông công cộng dễ dàng hơn. Về lâu dài, việc đầu tư mở rộng mạng lưới metro sẽ là hướng đi căn cơ và bền vững.

Theo lộ trình của Chỉ thị 20, sau năm 2026, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng vùng hạn chế xe máy xăng ra Vành đai 2 từ ngày 1/1/2028, đồng thời áp dụng thêm các biện pháp hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, vùng hạn chế tiếp tục được mở rộng đến Vành đai 3 - tiến tới hiện thực hóa một đô thị xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các Sở, ngành và đơn vị liên quan góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn thành phố. Dự thảo hiện đang được hoàn thiện để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 9/2025.

Một số chính sách nổi bật trong dự thảo Nghị quyết gồm:

– Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân có xe máy chạy xăng hoặc diesel (đăng ký trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực) tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh (có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên).

– Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/xe đối với cá nhân; 4 triệu đồng/xe đối với hộ cận nghèo; 5 triệu đồng/xe đối với hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa 1 xe đến hết năm 2030.

– Hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất từ 3 - 5%/năm, hạn mức 100% giá trị hợp đồng, thời gian vay tối đa 5 năm cho các đơn vị dịch vụ công ích; đơn vị vận tải hành khách (trừ xe buýt) và vận tải hàng hóa; doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu hồi, tái chế xe cũ.

– Miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030.

Tuy nhiên, việc Hà Nội đề xuất hỗ trợ tài chính để người dân chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện không phải là cá biệt. Nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng các chính sách tương tự nhằm thúc đẩy phương tiện giao thông xanh.

Chẳng hạn, tại Hà Lan, chính phủ đã quyết định giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt (BPM) đối với xe máy điện xuống còn mức cố định 200 euro kể từ năm 2025. Ở Pháp, Ý và Bỉ, chính sách “bonus écologique” cho phép người dân nhận khoản trợ cấp trực tiếp khi mua xe máy điện, kèm ưu đãi nếu thu hồi xe cũ.

Tại Mỹ, nhiều bang có chính sách hoàn tiền (rebate): California hỗ trợ 750 USD, Illinois là 1.500 USD, Pennsylvania là 500 USD và thành phố Denton (Texas) hỗ trợ 300 USD. Canada cũng có chương trình hỗ trợ liên bang và một số tỉnh bang trợ cấp riêng theo dung lượng pin. Ở Ấn Độ, thành phố Delhi dự kiến từ năm 2027 sẽ hỗ trợ trực tiếp tới 350 USD khi mua xe máy điện, đồng thời tiến tới cấm bán xe máy xăng trong nội đô.

Thậm chí ở Kenya, doanh số xe máy điện đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 2 năm nhờ kết hợp miễn thuế và hỗ trợ tài chính cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nhìn chung, các chính sách quốc tế thường kết hợp nhiều giải pháp như: miễn/giảm lệ phí trước bạ, đăng ký; trợ giá theo thu nhập hoặc khu vực; thu hồi xe cũ để đổi mới; cho vay lãi suất thấp; và đầu tư vào hạ tầng trạm sạc – những yếu tố mà Hà Nội cũng đang nghiên cứu áp dụng. Điều đó cho thấy, nếu thực hiện đồng bộ, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện của Hà Nội không chỉ phù hợp với xu thế quốc tế, mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng một đô thị xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời