Tăng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên | Hà Nội tin mỗi chiều
Thông tin học sinh, sinh viên sẽ được tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ 30% lên 50% theo Nghị định 188/2025/NĐ-CP là một tín hiệu tích cực, không chỉ cho hàng triệu gia đình mà còn cho chính sách an sinh của quốc gia.
Nói một cách đơn giản, đây là khoản “đầu tư” vào sức khỏe thế hệ tương lai. Trong bối cảnh chi phí y tế ngày càng tăng, thì việc giảm gánh nặng tài chính cho gia đình học sinh, sinh viên là điều hoàn toàn cần thiết. Đặc biệt, khi mức đóng hiện nay khoảng 700.000 đồng/năm, thì việc Nhà nước hỗ trợ 50% sẽ giúp hàng triệu gia đình tiết kiệm đáng kể. Đồng thời khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế (BHYT), đảm bảo được quyền lợi khi ốm đau, bệnh tật.
Cách tiếp cận của Nghị định lần này được đánh giá cao, không chỉ tăng hỗ trợ tài chính, mà còn hướng đến cải cách hành chính, chuyển đổi số, liên thông dữ liệu, đa dạng hóa phương thức cấp thẻ BHYT. Từ bản giấy, bản điện tử, qua cổng dịch vụ công, bưu chính công ích…mọi lựa chọn đều đang được mở ra để người dân dễ tiếp cận hơn. Và đây cũng là một trong những điểm mới thể hiện rõ tinh thần cải cách mà Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh.
Chúng ta đều biết rằng BHYT không chỉ là một tấm thẻ chăm sóc sức khỏe. Nó là công cụ để bảo vệ con người trước rủi ro tài chính, nhất là với những đối tượng dễ tổn thương như học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp. Và với nhóm đối tượng đó, nếu không có chính sách hỗ trợ, thì rủi ro không chỉ là bỏ lỡ quyền lợi khám chữa bệnh, mà còn có thể kéo theo hệ lụy tài chính nghiêm trọng cho cả gia đình.
Một điểm mới trong Nghị định này đó là bổ sung các trường hợp không bị coi là trốn đóng BHYT nếu rơi vào thiên tai, dịch bệnh hay tình huống bất khả kháng. Đây là một sự nhân văn trong chính sách, thừa nhận thực tế khách quan, đồng thời bảo vệ tổ chức, doanh nghiệp trước rủi ro pháp lý không đáng có. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, thì đây là một động thái mang tính phòng ngừa cần thiết.
Tuy nhiên, từ Nghị định đến thực thi luôn là một chặng đường dài. Việc chuyển đổi từ chính sách trên giấy sang hành động trong thực tế cần đến sự phối hợp của nhiều cấp ngành. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, minh bạch, thì dù chính sách có tốt đến mấy cũng có thể bị “ách lại” ở khâu triển khai, điều đã từng xảy ra không ít trong lĩnh vực BHYT trước đây.
Điều quan trọng là người dân phải hiểu đúng, tiếp cận được và hưởng lợi thực sự. Nếu các thủ tục cấp thẻ vẫn phức tạp, dữ liệu liên thông vẫn chập chờn, hay việc hỗ trợ vẫn phải kê khai quá nhiều giấy tờ, thì bản thân chính sách hỗ trợ cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Với những gì đang được định hướng từ việc giảm gánh nặng đóng phí cho học sinh, sinh viên, đến hiện đại hóa thủ tục, và hoàn thiện các điều khoản chuyển tiếp. Vì vậy, Nghị định 188 là một bước tiến đáng ghi nhận. Trong một xã hội coi trọng y tế dự phòng, thì mở rộng độ bao phủ BHYT là mục tiêu lâu dài, không thể chậm trễ. Và đôi khi, những chính sách tốt nhất không nằm ở chỗ “có bao nhiêu tiền được rót ra”, mà là “bao nhiêu người thực sự được bảo vệ”.