Hà Nội đẩy nhanh tiến độ sát hạch cấp giấy phép lái xe | Hà Nội tin mỗi chiều

Phòng CSGT Hà Nội đã lên phương án tăng cường tổ chức sát hạch, cấp GPLX cho người dân, nhằm giải quyết những hồ sơ đã chờ thi từ lâu.

Gần đây, thông tin về hàng chục nghìn hồ sơ sát hạch bằng lái xe đang tồn đọng tại Hà Nội đã khiến không ít người lo lắng. Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm chuyển giao công tác sát hạch GPLX sang Bộ Công an, cả nước có tới hơn 700.000 người đã hoàn thành đào tạo nhưng chưa được tổ chức thi sát hạch; riêng Hà Nội là gần 73.000 trường hợp.

Trong bất kỳ lĩnh vực quản lý công nào, việc chuyển giao cơ quan phụ trách luôn kéo theo những chậm trễ nhất định. Nhưng trường hợp sát hạch lái xe là đặc biệt hơn, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của người dân: không có bằng, không thể làm việc, không thể tham gia giao thông đúng luật.

Chính vì vậy, việc Phòng CSGT Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xây dựng kế hoạch, phối hợp đồng bộ với 53 cơ sở đào tạo và 17 trung tâm sát hạch để tổ chức thi là hướng đi kịp thời. Từ cuối tháng 6, kỳ sát hạch đầu tiên đã diễn ra và đến nay đã có hơn 10.000 người được dự thi. Con số này tuy đáng ghi nhận, nhưng nếu so với hàng chục nghìn hồ sơ còn tồn đọng thì rõ ràng, tốc độ vẫn chưa thể đáp ứng kỳ vọng.

Vấn đề nằm ở hai chiều: một là khả năng tổ chức sát hạch của hệ thống mới và hai là khả năng sẵn sàng của chính người học.

Ở góc độ tổ chức, dù đã chủ động nâng công suất, thành lập từ 5 đến 7 hội đồng mỗi ngày với 2.000 - 3.000 thí sinh thi sát hạch, nhưng chừng đó vẫn chưa thể giải quyết được hết lượng hồ sơ tích tụ từ nhiều tháng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều học viên, sau thời gian dài chờ đợi, lại không còn giữ được sự tự tin, kiến thức đã mai một, dẫn đến tỷ lệ trượt tăng, rồi lại sinh ra thêm hồ sơ thi lại. Như vậy, vòng luẩn quẩn này nếu không kiểm soát tốt thì hệ thống sẽ càng quá tải. Chưa kể, việc tồn đọng hồ sơ không chỉ là câu chuyện của phía tổ chức, mà còn là áp lực tâm lý đối với người học, nhất là những người cần bằng để đi làm, chạy xe công nghệ hoặc phục vụ sinh kế.

Chỉ đạo của Phòng CSGT Hà Nội được đánh giá cao khi yêu cầu các cơ sở đào tạo lập danh sách ưu tiên cho những học viên cũ và thông báo kịp thời lịch thi. Điều này thể hiện tinh thần vì người dân, sẵn sàng chia sẻ áp lực để cùng tháo gỡ.

Có thể nhìn từ một kinh nghiệm quốc tế. Ở Nhật Bản, nơi có hệ thống giao thông phức tạp và dân số cao, các trung tâm sát hạch hoạt động gần như quanh năm và luôn có cơ chế phân luồng, ưu tiên người thi lần đầu, thi lại, hoặc cần bằng để đi làm. Họ cũng ứng dụng công nghệ rất mạnh: hệ thống đăng ký lịch thi, theo dõi tiến trình học tập, nhắc lịch ôn luyện... đều được số hóa và minh bạch. Việc tổ chức như vậy không chỉ làm giảm gánh nặng cho hệ thống, mà còn tăng sự chủ động, minh bạch và giảm thời gian chờ đợi cho người dân.

Còn tại Đức - một quốc gia rất nghiêm trong việc cấp bằng lái thì toàn bộ quá trình sát hạch đều có quy chuẩn rõ ràng và thí sinh phải được huấn luyện kỹ cả lý thuyết và thực hành. Nhưng bù lại, khi đã có bằng, đó là bằng lái được công nhận gần như toàn cầu. Câu chuyện ở đây là: sát hạch kỹ, tổ chức chuyên nghiệp và tôn trọng thời gian người dân.

Vậy đâu là bài học cho chúng ta?

Thứ nhất, không thể nóng vội. Việc tổ chức sát hạch cho hàng chục nghìn người đòi hỏi vừa tăng tốc độ, vừa đảm bảo chất lượng. Nếu vì chạy số lượng mà buông lỏng đầu ra, thì sẽ có hệ lụy lâu dài về an toàn giao thông.

Thứ hai, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Hiện nhiều người dân vẫn phải gọi điện hoặc trực tiếp đến trung tâm để hỏi lịch thi, danh sách... Nếu có một cổng thông tin số hóa toàn bộ quy trình: từ theo dõi hồ sơ, đặt lịch thi, nhắc ôn luyện…như thế sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

Và cuối cùng, chính các trung tâm đào tạo cũng cần chuyển mình: không chỉ “dạy để đủ giờ”, mà phải “dạy để đủ khả năng thi”, đủ kiến thức luật giao thông, đủ kỹ năng ứng xử trên đường. Như vậy, việc sát hạch không chỉ là chuyện cấp phát một tờ giấy phép, mà còn là cách để xã hội định hình những người tham gia giao thông có trách nhiệm. Và đó là điều không thể làm vội.

Tóm lại, trong quá trình chuyển giao và xử lý tồn đọng, Hà Nội đang đi đúng hướng nhưng còn nhiều việc phải làm. Không chỉ để giải tỏa hàng chục nghìn hồ sơ tồn đọng, mà còn để xây dựng một hệ thống sát hạch hiện đại, minh bạch và vì người dân nhiều hơn. Nếu giữ được tinh thần cầu thị như hiện nay, Hà Nội sẽ không chỉ giải quyết được hồ sơ quá tải, mà còn tạo ra mô hình sát hạch đáng học hỏi cho các địa phương khác.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời