Đừng câu like trên nỗi đau của đồng bào | Hà Nội tin mỗi chiều
Vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long chưa nguôi đau thương thì nhiều fanpage đã lợi dụng AI để bịa chuyện, tung tin giả câu view, khiến cộng đồng phẫn nộ và gia đình nạn nhân thêm tổn thương.
Đau đớn, bàng hoàng và xót xa là những cảm xúc của hàng triệu người dân khi nghe tin tức về vụ lật tàu du lịch ở Quảng Ninh hôm 19/7. Giữa siêu giông bủa vây, hàng chục phận người nhỏ bé đã mãi mãi ra đi. Có những chuyến đi nghỉ mát đã thành chuyến đi chẳng hẹn ngày về với nhiều gia đình.
Nỗi đau của người ở lại thực sự là quá lớn. Những tiếng gào khóc, ánh mắt thẫn thờ của gia đình các nạn nhân không thể vơi đi sự mất mát đột ngột ấy. Không có phép màu nào cả… Ấy vậy mà, sau khi thông tin về vụ việc này được truyền thông đưa tin, thứ nhiều người thấy trên mạng xã hội lại là những lời mắng nhiếc, những lời đổ lỗi cho các nạn nhân rằng: "Sao biết mưa bão mà vẫn đi chơi"…Đó là những nhát dao vô tình cứa sâu nỗi đau với người ở lại khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Chưa kể, trong khi lực lượng chức năng và gia đình nạn nhân đang nỗ lực tìm kiếm, khắc phục hậu quả, một số tài khoản và fanpage trên mạng xã hội đã lợi dụng bi kịch này để "câu view", gây bức xúc trong cộng đồng. Thậm chím một số fanpage, điển hình là fanpage M.C.O., đã lợi dụng sự kiện này để tạo ra các nội dung giật gân, câu kéo tương tác. Fanpage này thường xuyên sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các hình ảnh minh họa cho những câu chuyện hư cấu, có tính chất kịch tính liên quan đến vụ chìm tàu.
Tính đến 22h30 ngày 20/7, fanpage này đã đăng tải hơn 10 bài viết với các từ khóa như "chìm tàu", "Vịnh Hạ Long". Nội dung các bài viết kể lại những câu chuyện bi thương, miêu tả chi tiết kinh hoàng về thảm họa, những giây phút sinh ly tử biệt, khiến người đọc dễ lầm tưởng đây là những câu chuyện có thật. Để giữ chân người đọc, các bài viết này thường kể lấp lửng và yêu cầu người xem nhấp vào các đường link trong phần bình luận để đọc tiếp. Khi nhấp vào, người dùng sẽ được chuyển hướng đến một trang web "Tin Hay" với nhiều quảng cáo che chắn màn hình.
Điều đáng nói là mặc dù các bài viết có dòng chữ nhỏ ghi "Đây là các tình tiết hư cấu" hoặc "Hình ảnh mang tính chất minh hoạ cho câu chuyện", nhiều người dùng mạng xã hội vẫn không phân biệt được thật giả, để lại những bình luận tiếc thương cho các nhân vật trong câu chuyện, nhầm tưởng họ là nạn nhân của vụ chìm tàu thật.
Đây là biểu hiện điển hình của thứ nội dung độc hại đang len lỏi vào đời sống số của chúng ta. Không chỉ vô cảm, nó còn đang lợi dụng công nghệ. Cụ thể là công cụ tạo ảnh, video bằng AI để sản xuất tin giả, làm xáo trộn nhận thức công chúng, và quan trọng nhất: tiếp tay cho sự trục lợi từ bi kịch người khác. Đây không còn là chuyện đạo đức cá nhân. Đây là vấn đề xã hội.
Vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để chặn đứng vấn nạn này? Không thể chỉ trông chờ vào lòng tốt và lương tâm của người dùng mạng xã hội. Bởi như thực tế cho thấy, những thứ như đạo đức, sự cảm thông, hay giới hạn đúng sai… đều có thể bị xô lệch chỉ bằng vài cú nhấp chuột và những dòng tiêu đề giật gân.
Chúng ta cần một giải pháp tổng thể, từ người dùng, nhà quản lý và chính các nền tảng mạng xã hội.
Thứ nhất, về mặt quản lý, Việt Nam đã có bước đi ban đầu với Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định xử phạt tin giả, thông tin sai sự thật. Nhưng như vậy là chưa đủ. Với nội dung sử dụng AI, cần có quy định rõ ràng về việc gắn nhãn bắt buộc đối với sản phẩm do AI tạo ra, giống như cách Liên minh châu Âu (EU) đã quy định trong Đạo luật AI (AI Act) mới được thông qua năm 2024. Luật này yêu cầu các công ty công nghệ và nhà sáng tạo nội dung phải minh bạch về nguồn gốc AI, đồng thời có trách nhiệm khi công cụ của họ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thứ hai, nền tảng mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm. Ở nhiều nước, các nền tảng như Facebook, X (Twitter), YouTube… đang bị yêu cầu tăng cường kiểm duyệt nội dung tin giả và thiết lập các cơ chế cảnh báo người dùng. Một số nước châu Âu đã áp dụng thuật toán kiểm duyệt AI, tự động gỡ bỏ nội dung giả mạo, bóp tương tác với các bài viết mang yếu tố giật gân, gây hoang mang hoặc khai thác bi kịch.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là trí tuệ và bản lĩnh thông tin của mỗi chúng ta. Thế giới số đang thay đổi từng giờ. Nếu không học cách kiểm chứng, hoài nghi, và tỉnh táo trước mỗi thông tin, thì chẳng mấy chốc, ta sẽ trở thành con rối bị điều khiển bởi thuật toán và những người sẵn sàng “làm giàu trên nỗi đau người khác”.
Và khi ấy, tai họa không chỉ nằm trong những bài viết câu like, mà còn ở chỗ: chính chúng ta cũng đánh mất khả năng đồng cảm và phân biệt đúng – sai.
Sự tỉnh táo bây giờ không chỉ là kỹ năng mà là đạo đức. Mỗi lượt chia sẻ, mỗi bình luận bâng quơ đều có thể trở thành chất xúc tác khuếch đại tin giả. Vậy nên, xin đừng tiếp tay. Xin đừng câu like trên nỗi đau đồng bào.
Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tin giả và nội dung được tạo bằng AI tràn lan trên mạng xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng của các công cụ AI, hình ảnh và video giả mạo ngày càng trở nên chân thật, khiến người dùng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Để tránh tiếp tay cho các đối tượng xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, người dùng mạng xã hội cần trang bị cho mình "bộ lọc thông tin" hiệu quả. Hãy luôn cẩn trọng, kiểm tra nguồn tin và xác minh tính xác thực của nội dung trước khi tin tưởng hoặc chia sẻ. Việc nâng cao ý thức cảnh giác là vô cùng cần thiết trong bối cảnh thông tin hỗn loạn như hiện nay.
Giữa một thế giới số đầy hỗn loạn và lắm mưu toan, vẫn còn rất nhiều người chọn cách sống tử tế, bằng sự im lặng sẻ chia, bằng một lời cầu nguyện cho người đã khuất, hay đơn giản là không nhấn nút chia sẻ vào những điều chưa chắc chắn. Bởi sau tất cả, điều con người cần nhất trong những ngày bão giông, không phải là thêm một hình ảnh đau thương, một video giật gân, hay một nút like vô nghĩa mà là sự đồng cảm, là một khoảng lặng để những mất mát được lắng xuống trong bình yên.
Xin đừng biến mạng xã hội thành sân khấu cho những trò dựng chuyện bằng công nghệ. Và cũng xin đừng biến lòng tin của cộng đồng thành mảnh đất để trục lợi. Nỗi đau là có thật. Nước mắt là có thật. Và lòng người, xin hãy giữ lại phần trong trẻo ấy, dù chỉ là một chút thôi.