Phát triển 23 cụm công nghiệp làng nghề trong năm 2024 | Hà Nội tin mỗi chiều
Phát triển 23 cụm công nghiệp làng nghề trong năm 2024
Ngày 1/3, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp Tập đoàn Phú Mỹ khởi công dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên tại xã Trường Yên. Cụm công nghiệp Đông Phú Yên nằm trên địa bàn 3 xã Trường Yên, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa của huyện Chương Mỹ với diện tích 41,2ha. Cụm công nghiệp được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân các xã Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Trường Yên và khu vực lân cận. Cùng với dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ vừa được khởi công, cuối tháng 12/2023 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Ðan Phượng cũng đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Song Phượng, với quy mô gần 6,7 ha, kinh phí hơn 237 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 9/2023, bốn cụm công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đã được xây dựng mới tại huyện Ðông Anh, gồm Cụm công nghiệp Thiết Bình (xã Vân Hà), Cụm công nghiệp Liên Hà 2 (xã Liên Hà), Cụm công nghiệp Dục Tú (xã Dục Tú) và Cụm công nghiệp Thụy Lâm (xã Thụy Lâm), nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thế mạnh của địa phương, như chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... vào hoạt động. Bốn cụm công nghiệp đều được xây dựng theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến.
Hiếm có một địa phương nào ở nước ta có số lượng làng nghề truyền thống nhiều như Hà Nội, với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Những làng nghề đã tạo nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề vẫn tập trung trong khu dân cư đông đúc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều cơ sở sản xuất có nhu cầu mở rộng mặt bằng, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhưng thiếu quỹ đất.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2024. Thành phố sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thu hút các chủ đầu tư hoàn thiện kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 23 cụm công nghiệp. Thành phố yêu cầu các cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động phải có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Từ ngày 1/3, chặn máy điện thoại di động 2G không hợp chuẩn
Ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra thông báo yêu cầu kể từ ngày 1/3/2024, doanh nghiệp di động không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only) không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Hiện tại, danh sách này bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại 2G only đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình; công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn. Đây được coi là động thái mới nhất hiện thực hóa các chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số đã được ban hành trong thời gian qua.

Mạng 2G được triển khai vào năm 1991. Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993, tại thời điểm mà 95 - 97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này. Việc đi tắt đón đầu đã tạo ra không ít khó khăn đối với ngành bưu chính viễn thông Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chính nhờ lựa chọn này, cùng với quyết tâm khắc phục, vượt qua khó khăn của Chính phủ và các doanh nghiệp đã tạo ra những bước nhảy vọt đối với sự phát triển của ngành viễn thông Việt, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân dùng mạng di động lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu của thời đại, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, việc sử dụng những thiết bị 2G đời cũ đã không còn có thể đáp ứng được yêu cầu mỗi người dân trở thành những "công dân số" trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay. Theo nhiều nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên đã được xem là lỗi thời và chứa nhiều lỗ hổng, vì vậy tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo. Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm chỗ băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp, tối ưu hạ tầng mạng lưới và tối ưu chi phí cũng được đặt ra, đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân bước lên môi trường số.
Theo kế hoạch, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Điều này khiến khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại đời cũ sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh. Các cơ quan chức năng cùng nhà mạng đã chuẩn bị lộ trình tắt sóng với các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu. Các nhà mạng ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch tắt sóng 2G theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như chuẩn bị sẵn các kịch bản cụ thể để hỗ trợ cho các khách hàng đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới như người cao tuổi, cư dân khu vực nông thôn, hải đảo./.
- Xây dựng y tế Thủ đô phát triển toàn diện | Hà Nội tin mỗi chiều
- Dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ | Hà Nội tin mỗi chiều
- Sắp xếp đơn vị hành chính - tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội cho phép 10 loại hình dịch vụ được kinh doanh trên Hồ Tây | Hà Nội tin mỗi chiều
- Lùi lộ trình học phí giáo dục đại học một năm | Hà Nội tin mỗi chiều


Báo chí vừa tiếp tục phanh phui hàng loạt vụ việc làm giả, quảng cáo thổi phồng công dụng của các thực phẩm chức năng như sữa, thuốc hay kẹo rau củ.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu.
Giữa bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình để thích ứng với yêu cầu của thời đại số, một đề xuất đáng chú ý vừa được đưa ra: thành lập liên minh đổi mới sáng tạo các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Hà Nội đang hướng tới một cột mốc rất đáng tự hào: trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2025. Một tầm nhìn lớn - đòi hỏi nỗ lực không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị thế của một đô thị năng động, sáng tạo, vừa hiện đại, vừa truyền thống giữa lòng châu Á.
UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng tốc tiến độ cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm và kiến tạo không gian đô thị hiện đại dọc tuyến sông Tô Lịch, không để cơ hội hồi sinh bị lỡ nhịp.
377 chung cư mini, 30.648 nhà trọ, hơn 19.100 nhà ở kết hợp kinh doanh ở Hà Nội vẫn chưa thực hiện khắc phục đầy đủ các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn của UBND thành phố.
0