Hà Nội dẹp tình trạng xếp hàng xin học đầu năm | Hà Nội tin mỗi chiều

Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội lại trở thành “cuộc đua” khiến nhiều phụ huynh lẫn học sinh mệt nhoài. Không ít người, vì mong muốn con học đúng trường “điểm”, trường tốt, đã bất chấp mọi giá để “nộp đơn”. Có người lại tìm cách lách luật xin tạm trú tạm vắng, thậm chí chen lấn tới mức xô đổ cổng trường để giành chỗ cho con.

Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là thực tế diễn ra nhiều năm nay, đáng nói hơn khi nó kéo dài trong sự cam chịu lẫn bất lực của cả phụ huynh và nhà trường. Vậy nên, khi Hà Nội tuyên bố sẽ kiên quyết không để tái diễn tình trạng xô đổ cổng trường, nộp đơn trái tuyến ồ ạt như những năm trước, nhiều phụ huynh thấy nhẹ người.

UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện siết lại công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh phải làm rõ và dứt khoát việc “học đúng tuyến” – không để xảy ra tình trạng phụ huynh ồ ạt đi xin học trái tuyến, gây mất trật tự an ninh và áp lực lên một số trường “hot”. Ngành giáo dục thành phố cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ, công khai, minh bạch trong từng khâu xét tuyển – từ hộ khẩu đến thông tin dân cư, để không còn lỗ hổng cho việc “chạy” trường, “xin” lớp.

Đây là một quyết tâm rất đáng ủng hộ. Bởi không thể cứ mãi để người dân phải tìm cách “vượt rào”. Những năm gần đây, không ít trường học rơi vào cảnh quá tải. Có lớp sĩ số tận 60 - 70 học sinh, vì phải “gồng mình” nhận thêm học sinh trái tuyến. Trong khi đó, có trường cùng tuyến lại thiếu học sinh, giáo viên thiếu động lực, học sinh thiếu điều kiện học tập.

Nhìn kỹ hơn, đây là một vòng luẩn quẩn do tâm lý sính thành tích, “chạy đua vào trường điểm” gây nên. Nếu không có hành động mạnh mẽ từ chính quyền, mọi chủ trương bình đẳng giáo dục sẽ chỉ dừng ở khẩu hiệu. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chỉ cần một chỉ đạo là giải quyết được tận gốc câu chuyện. Để dẹp tình trạng “xô đổ cổng trường”, cần ba giải pháp song hành.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường. Phụ huynh không đổ xô đi xin học trái tuyến nếu ngôi trường gần nhà cũng tốt, cũng đủ niềm tin gửi gắm. Vậy nên, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên giỏi và đảm bảo môi trường học tập tích cực cho mọi trường học là cách duy nhất để rút ngắn khoảng cách giữa “trường điểm” và “trường thường”.

Thứ hai, cần minh bạch trong quản lý dân cư và dữ liệu tuyển sinh. Một khi hệ thống dân cư, hộ khẩu, trường tuyến được số hóa và kết nối liên thông thì tình trạng “xin, chạy” trường mới có thể triệt tiêu từ gốc.

Cuối cùng – điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy phụ huynh. Không phải cứ vào được trường nổi tiếng thì con sẽ thành công. Không phải cứ học cùng thầy cô “hot” thì con sẽ hạnh phúc. Bởi giáo dục không phải một cuộc thi ngắn hạn – mà là hành trình dài, cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu và đồng hành.

Ở khía cạnh phụ huynh, không có gì sai khi chúng ta muốn con được học ở nơi tốt nhất. Nhưng nếu ta phải xếp hàng qua đêm, phải chen lấn, thậm chí phải nhờ vả – thì có lẽ, điều ta cần đòi hỏi không phải là suất học “vượt tuyến”, mà là một hệ thống giáo dục nơi mọi trường học đều là nơi đáng để gửi gắm. Đó mới là giấc mơ giáo dục thực sự: Không phải chọn trường, mà là chọn đường cho con em mình.

Khi ngành giáo dục Hà Nội dám nhìn thẳng vào bất cập, dám tuyên bố dừng lại những điều đã “quen thuộc” trong sự bất thường, đó là dấu hiệu cho thấy sự chuyển mình đáng trân trọng. Nếu quyết tâm này được thực hiện nghiêm túc, những mùa tuyển sinh trong tương lai sẽ nhẹ nhàng, công bằng và nhân văn hơn rất nhiều.

Phụ huynh đâu đòi hỏi gì nhiều. Họ chỉ cần một ngôi trường gần nhà đủ tin tưởng để gửi gắm. Một lớp học không quá tải. Một môi trường mà con cái họ được tôn trọng và lớn lên tử tế. Và nếu làm được điều tưởng chừng đơn giản ấy, thì có lẽ – chẳng ai còn phải chen nhau, xếp hàng, hay “xô đổ cổng trường” mỗi mùa tuyển sinh nữa. Khi cổng trường không còn là cuộc đua của người lớn, thì đó mới là lúc trẻ em thực sự được học hành đúng nghĩa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết chủ trì tổng duyệt Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”; Nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại Hà Nội; Ukraine cam kết tuân thủ lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh, EU phản ứng thận trọng trước tuyên bố ngừng bắn của Nga;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Thủ tướng động viên lực lượng diễu binh, diễu hành; Triển khai nhận diện sinh trắc học tại sân bay Tân Sơn Nhất; Ứng dụng số hóa trong kinh doanh xăng, dầu trước ngày 30/4; Tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng gia hạn ngừng bắn;... là những thông tin đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 9h00 hôm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành; 198 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc trong 9 nhóm lĩnh vực được trao Giải thưởng Sao Khuê 2025; Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran bắt đầu tại Rome (Italy);... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Thư Nhân được bệnh nhân tặng sách cảm ơn nhưng bên trong lại có thẻ ngân hàng khiến anh đối mặt với sự phê bình và điều tra từ bệnh viện. Mời các bạn đón xem tập 10 của bộ phim "Yêu em, người chữa lành vết thương cho anh", phát sóng lúc 12h ngày 20/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Chê Úc xin bố đừng can thiệp sâu vào chuyện của Hơn U, nếu không anh sẽ ra ở riêng. Mời các bạn đón xem tập 18 của bộ phim "Lời hứa của tình yêu", phát sóng lúc 21h ngày 20/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Từng là người rất lương thiện, nhưng giờ đây Khánh Đường đã bất chấp tất cả để kiếm tiền. Vì lợi nhuận, không màng đến tình thân, điều này thực sự đã khiến Khánh Đường ngày càng trở nên xa cách với ngay cả những người luôn thân thiết, tin tưởng anh. Mời các bạn đón xem tập 23 của bộ phim "Vượt lên bão tố", phát sóng lúc 13h ngày 20/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.