Hà Nội sẽ có thêm công viên, hồ nước | Hà Nội tin mỗi chiều
Theo quyết định mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã giao hơn 70.500 m² đất tại hai phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh, quận Long Biên để xây dựng công viên hồ nước. Khu đất kéo dài từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh, với quy hoạch do Công ty Cổ phần Kiến trúc Tây Hồ thực hiện. Đây là dự án công ích, đất được giao không thu tiền sử dụng và không qua đấu giá hay đấu thầu nhà đầu tư.
Điểm đáng chú ý là Long Biên đang trở thành một trong những quận tiên phong trong việc phát triển công viên. Trước đó, năm 2023, hai công viên Long Biên và Ngọc Thụy cũng đã được đưa vào sử dụng.
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc có thêm một công viên. Hà Nội đang đứng trước bài toán lớn hơn: Làm sao để các không gian công cộng này thực sự phát huy giá trị, trở thành “tài sản” của người dân?
Không ai phủ nhận vai trò của công viên trong việc cải thiện chất lượng sống. Nhưng nếu chỉ nhìn công viên như một khoảng đất được phủ xanh, mà không tính đến cách vận hành, kết nối và phục vụ cộng đồng, thì đó vẫn là một sự lãng phí.
Các thành phố lớn trên thế giới đều có chung một nguyên tắc: công viên không chỉ là công trình đơn thuần mà phải trở thành một phần của đời sống đô thị.
Singapore xây dựng mô hình “thành phố trong vườn”, nơi công viên là không gian đa chức năng: vừa là lá phổi xanh, vừa là nơi tổ chức sự kiện, giáo dục cộng đồng, thậm chí kết hợp với bảo tồn động thực vật. Trong khi đó, Seoul cải tạo suối Cheonggyecheon từ một đường cao tốc thành một không gian sinh thái, thay đổi bộ mặt đô thị và tạo ra một địa điểm giao lưu văn hóa. New York có Central Park - không chỉ là công viên, mà còn là một “thương hiệu” của thành phố, nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật, thể thao và thậm chí cả các chương trình giáo dục.
Hà Nội có thể học gì từ những mô hình này? Đó là bài toán về quy hoạch không gian xanh không chỉ dừng ở thiết kế cảnh quan, mà phải gắn với một chiến lược quản trị đô thị thực sự bền vững.
Thực tế tại Hà Nội cho thấy không ít công viên từng rơi vào cảnh: xây xong rồi bỏ mặc, xuống cấp nhanh chóng, hoặc bị lấn chiếm làm bãi giữ xe, hàng quán. Một số nơi dù được đầu tư lớn nhưng lại vắng người vì thiếu các hoạt động hấp dẫn.
Để công viên hồ nước 70.500 m² tại quận Long Biên thực sự phát huy hiệu quả, cần những giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, thành phố cần quản lý bài bản, tránh tình trạng “xây rồi để đấy”; không gian công cộng phải có cơ chế vận hành chặt chẽ, tránh để trở thành nơi nhếch nhác, mất an toàn. Thành phố cần một mô hình quản lý công viên chuyên nghiệp, có cơ chế bảo trì định kỳ và giám sát chặt chẽ.
Thứ hai, Hà Nội cần tích hợp đa công năng, tạo sức sống cho không gian: một công viên, hồ nước không chỉ để đi dạo, mà cần có các khu vực dành cho thể thao, văn hóa, cộng đồng. Các mô hình tổ chức sự kiện ngoài trời, hội chợ, lớp tập thể dục hay không gian sáng tạo cho giới trẻ có thể giúp công viên trở thành một điểm đến thực sự.
Thứ ba, chúng ta cần có chính sách khuyến khích người dân sử dụng công viên. Một không gian chỉ có giá trị khi người dân thực sự coi đó là của họ. Hà Nội có thể học tập các thành phố khác trong việc tổ chức các chương trình giáo dục môi trường, huy động cộng đồng tham gia bảo vệ, giữ gìn công viên.
Cuối cùng, Thành phố cần ứng dụng công nghệ vào quản lý. Thực tế, nhiều thành phố đã áp dụng hệ thống đèn thông minh, camera an ninh và các ứng dụng quản lý công viên giúp người dân theo dõi các sự kiện, đặt lịch sử dụng không gian công cộng. Đây là hướng đi cần được nghiên cứu để tối ưu hóa quản lý không gian xanh tại Hà Nội.
Thêm một công viên mới là một tín hiệu tích cực, nhưng điều quan trọng hơn là công viên đó có thực sự sống động hay không. Câu trả lời không nằm ở bản vẽ, mà ở cách chúng ta - cả chính quyền và cộng đồng - biến nó thành một không gian thực sự có giá trị.


Chê Úc xin bố đừng can thiệp sâu vào chuyện của Hơn U, nếu không anh sẽ ra ở riêng. Mời các bạn đón xem tập 18 của bộ phim "Lời hứa của tình yêu", phát sóng lúc 21h ngày 20/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Từng là người rất lương thiện, nhưng giờ đây Khánh Đường đã bất chấp tất cả để kiếm tiền. Vì lợi nhuận, không màng đến tình thân, điều này thực sự đã khiến Khánh Đường ngày càng trở nên xa cách với ngay cả những người luôn thân thiết, tin tưởng anh. Mời các bạn đón xem tập 23 của bộ phim "Vượt lên bão tố", phát sóng lúc 13h ngày 20/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Thời tiết Hà Nội ngày 20/4 vẫn đang trong chuỗi ngày có nắng nóng diện rộng.
Khai mạc chuỗi hoạt động "Sắc màu thành phố Bác"; Áo dài Việt Nam tỏa sáng tại Bắc Kinh; Phở các vùng miền có gì khác biệt?; Nga tuyên bố ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
HANOITV News | 19/04/2025
中文新闻 19/04/2025 | Bản tin tiếng Trung
0