Liệu danh tiếng có đủ để đảm bảo sự thật? | Hà Nội tin mỗi chiều
'Một viên kẹo có thể thay thế một đĩa rau xanh'; 'một khoá học có thể biến bạn thành triệu phú chỉ sau một tuần'; hay 'một loại mỹ phẩm có thể giúp bạn "cải lão hoàn đồng" chỉ sau vài lần sử dụng?'... Những lời quảng cáo hoa mỹ này tràn ngập trên mạng xã hội - nơi những người có sức ảnh hưởng được xem như "chứng nhận sống" cho mọi sản phẩm. Nhưng liệu danh tiếng có đủ để đảm bảo sự thật?
Những năm gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội đã đưa KOLs - những người có ảnh hưởng - trở thành nhân tố quan trọng trong truyền thông và quảng cáo. Họ không chỉ là những gương mặt đại diện cho thương hiệu mà còn được coi là người dẫn dắt xu hướng, có thể tác động đến quyết định mua hàng của hàng triệu người. Thế nhưng, trong thời gian qua, hàng loạt KOLs nổi tiếng đã vướng vào những vụ bê bối quảng cáo sai sự thật, khiến công chúng đặt dấu hỏi lớn về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của họ.
Đêm hay ngày, các nền tảng mạng xã hội cũng trở nên đầy sôi động với các phiên live tiền tỷ, thậm chí chục tỷ. Một con số mà những người bán hàng truyền thống chẳng bao giờ dám mơ. Thế nhưng trong tay của các KOLs và ekip của họ, bằng chiêu trò quảng cáo hấp dẫn, hàng triệu người đã bỏ tiền túi để mua sản phẩm. Cái mà người tiêu dùng mua không chỉ dừng lại là hàng hoá mà đó còn là niềm tin: tin vào KOLs, tin vào giá trị của sự nổi tiếng của một người nào đó trên mạng ảo. Đáng tiếc thay, niềm tin lại không phải lúc nào cũng đổi lại là niềm tin. Niềm tin mà người mua nhận về, đôi khi toàn là dối lừa.
Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm được các KOLs có tiếng quảng bá nhưng hoàn toàn không rõ nguồn gốc, chất lượng không được kiểm chứng và khi mọi sự vỡ lỡ thì cũng là lúc niềm tin biến mất. Thay vào đó là sự hụt hẫng, thất vọng!
Vụ việc gần đây nhất liên quan đến viên kẹo Kera - một sản phẩm được quảng cáo với thông điệp: "chỉ cần ăn 2-3 viên là đủ chất xơ như một đĩa rau xanh". Nhưng khi kiểm nghiệm thực tế, cả hộp 30 viên kẹo chỉ chứa lượng chất xơ chưa bằng 1/6 quả chuối?! Rõ ràng, đây không chỉ là sự phóng đại mà là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Và ai đã góp phần lan truyền thông tin này? Chính là các KOLs - những người đã nhận tiền để PR cho sản phẩm mà không kiểm chứng.
Trong vụ việc này, thật tiếc cho Quang Linh Vlogs, chàng trai đã từng được rất nhiều người yêu mến và trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ. Chàng trai gốc xứ Nghệ này ngày đó với khuôn mặt hồn nhiên, giọng nói đặc sệt âm sắc Nghi Lộc (Nghệ An), phong cách giản dị, tính tình chất phác, đã làm được bao nhiêu việc ý nghĩa giúp người dân nghèo Angola. Nhưng từ ngày Quang Linh trở thành KOLs, về Việt Nam thường xuyên hơn để livestream bán hàng, quay quảng cáo và đầu tư kinh doanh thì Quang Linh thật khác.
Vụ quảng cáo sai sự thật về công dụng của kẹo Kera và lừa dối khách hàng về một dây chuyền sản xuất khép kín mà giờ các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra lại không đúng như thế đã khiến hình ảnh của Quang Linh trượt dốc. Mấy ngày nay, dân mạng đào xới lại câu nói mà Quang Linh Vlogs từng nói: “Tiền mất thì có thể kiếm lại nhưng mà mất lòng tin với nhau thì không bao giờ kiếm lại được đâu, tại vì một khi mà đã mất lòng tin rồi thì khó kiếm lại lắm, nói cái gì cũng không tin”.
Việt Nam không thiếu quy định điều chỉnh các hành vi quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, như Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Luật Quảng cáo (2024), Luật An ninh mạng (2015), Luật Hình sự 2015.
Theo Nghị định 38/2021, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn sẽ bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng và có thể bị cấm quảng cáo từ 1 - 3 năm. Tuy nhiên, mức phạt này còn quá nhẹ so với khoản tiền mà các KOLs nhận được. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã áp dụng mức phạt đủ sức răn đe. Ví dụ, Trung Quốc đã phạt diễn viên Cảnh Điềm hơn 1 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật, hay Kim Kardashian (Mỹ) bị phạt 1,26 triệu USD khi quảng cáo tiền số crypto.
Một tín hiệu tích cực gần đây là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã siết chặt tiêu chí đối với các KOLs, đồng thời tăng trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý. Đặc biệt, vai trò giám sát của cộng đồng đang phát huy tác dụng mạnh mẽ. Trong vụ việc kẹo Kera, chính người tiêu dùng đã tự kiểm nghiệm, công khai kết quả, buộc nhãn hàng và các KOLs liên quan phải minh bạch hóa thông tin. Đây là bước tiến quan trọng, cho thấy khi cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ, sự thật sẽ không bị che giấu.
Không thể phủ nhận rằng, bán hàng trực tuyến qua KOLs và KOCs là một xu hướng tất yếu trong thời đại số, nhưng nếu không có quy định kiểm soát chặt chẽ, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo trước những lời quảng cáo hoa mỹ và quan trọng hơn, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt để xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, bởi nếu không giữ gìn uy tín, không có trách nhiệm với cộng đồng, KOLs có thể mất đi tất cả chỉ sau một đêm. Người tiêu dùng ngày nay không còn dễ bị thao túng như trước và các thương hiệu cũng đang dần tìm kiếm những tiếng nói chân thực hơn, thay vì chạy theo những gương mặt nổi tiếng nhưng thiếu trách nhiệm.


Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) vừa bổ sung tài liệu cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sẽ diễn ra vào ngày 26/4 tới đây. Đáng chú ý, tài liệu bổ sung chính là tờ trình xin ý kiến ĐHĐCĐ về việc mua cổ phiếu quỹ.
Tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran về giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran đã tiến triển thuận lợi cho dù những gì đạt được mới chỉ là những bước đi dò dẫm ban đầu.
Thủ tướng chỉ đạo chi trả sớm lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 5; Bộ Y tế yêu cầu rà soát quy trình mua thuốc sau vụ thuốc giả tại Thanh Hóa; Công an thành phố Hà Nội điều tra vụ cháy rừng tại Vườn Quốc gia Ba Vì; Nga - Ukraine cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn dịp Lễ Phục sinh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật "Đất nước trọn niềm vui"; Người dân đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; Cả nước đã hỗ trợ xóa hơn 200.000 nhà tạm, nhà dột nát; Nga - Ukraine đổ lỗi lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Vốn đã thất vọng vì sự thay đổi của Khánh Đường, lại thêm việc anh nghe lời ly gián mà không tin tưởng mình, Thiếm Thiếm đã quyết định dứt khoát. Mời các bạn đón xem tập 24 của bộ phim "Vượt lên bão tố", phát sóng lúc 13h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
Có những vết thương mãi không lành, bởi những hiểu lầm và chấp niệm giữa hai mẹ con Tôn Thụ. Mời các bạn đón xem tập 11 của bộ phim "Yêu em, người chữa lành vết thương cho anh", phát sóng lúc 12h ngày 21/4, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.
0