Giảm 2% thuế VAT – ‘tiếp sức’ người dân và doanh nghiệp | Hà Nội tin mỗi chiều
Giảm 2% thuế VAT – ‘tiếp sức’ cho người dân và doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết của Quốc hội. Trước đó, vào cuối tháng 11 vừa qua, trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế VAT từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Theo Nghị định của Chính phủ, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2%. Quy định này không áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như là viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Đây không phải lần đầu tiên Quốc hội thông qua nghị quyết giảm thuế VAT. Trước đó, vào tháng 6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đồng ý giảm 2% thuế VAT từ 1/7/2023 - 31/12/2023. Như vậy, nối tiếp đợt giảm thuế sẽ kết thúc khi hết năm 2023, thuế VAT sẽ tiếp tục được giảm trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo, ước tính sau 3 tháng thực hiện (từ 7/2023 – 9/2023), chính sách giảm 2% thuế VAT đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Những gói hỗ trợ tài khóa đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Thực tế, có thể thấy nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với thu ngân sách nhà nước được cải thiện do các doanh nghiệp phục hồi, đóng góp vào nguồn thu. Tình hình trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, do đó những gói hỗ trợ nào đã phát huy hiệu quả tốt và vẫn còn cần thiết nên được nghiên cứu để tiếp tục triển khai hoặc chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình mới.
Ước tính việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ giảm thu Ngân sách Nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Giảm thuế VAT sẽ giúp làm giảm giá bán của hàng hoá trên thị trường, kích thích chi tiêu, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất. Mặt khác, giảm thuế VAT làm giảm giá hàng hoá, làm giảm áp lực lạm phát. Và như vậy, chính sách giảm thuế VAT có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giảm áp lực lạm phát.
Việt Nam thu hơn 1.000 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
Lần đầu tiên, Việt Nam đã chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 51,5 triệu USD, tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng. Thông tin này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng. Số tín chỉ carbon này thu được từ rừng thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ NN&PTNT. Tín chỉ carbon sẽ như một loại hàng hóa. Bên mua (nơi phát thải nhiều) cần tín chỉ carbon để thực hiện các cam kết, nghĩa vụ giảm phát thải nhà kính. Còn bên bán là nơi có năng lực giảm phát thải. Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon.

Trong giai đoạn một, nhà chức trách đã ký các văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, trị giá 51,5 triệu USD (tương đương đơn giá 5 USD một tấn). Đầu tháng 8, Ngân hàng Thế giới đã thanh toán tiền ERPA đợt một cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Bộ cho biết, nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề này. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền và thực hiện điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Với diện tích rừng lớn, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Sau thành công trong việc thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại 6 tỉnh vùng Bắc trung bộ, hiện nay nhiều địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn đang bảo vệ tốt có thể sớm được thực hiện các chương trình chi trả carbon từ rừng.
Để phát triển thị trường carbon, Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ. Một số quốc gia đã đưa vào vận hành sàn giao dịch carbon. Hiện 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2. Ước tính 57 triệu tín chỉ carbon có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Rừng là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên có thể tái tạo được. Tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý, hay xâm hại, khai thác rừng, thậm chí đến mức kiệt quệ, sẽ đến lúc rừng bị suy thoái không thể tái tạo lại. Thay vào đó, càng có nhiều diện tích rừng được quản lý, bảo vệ và phủ xanh, càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi và đây sẽ trở thành nguồn lợi bền vững cho người dân./.
- Tết có bình yên khi pháo nổ? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tạo động lực cho phát triển du lịch Thủ đô | Hà Nội tin mỗi chiều
- Thu phí vỉa hè thế nào để đạt hiệu quả? | Hà Nội tin mỗi chiều
- 18 bị án được ân giảm án tử hình xuống chung thân | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tội phạm tín dụng đen hoạt động mạnh dịp cuối năm | Hà Nội tin mỗi chiều


UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu.
Giữa bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình để thích ứng với yêu cầu của thời đại số, một đề xuất đáng chú ý vừa được đưa ra: thành lập liên minh đổi mới sáng tạo các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Hà Nội đang hướng tới một cột mốc rất đáng tự hào: trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2025. Một tầm nhìn lớn - đòi hỏi nỗ lực không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị thế của một đô thị năng động, sáng tạo, vừa hiện đại, vừa truyền thống giữa lòng châu Á.
UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng tốc tiến độ cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm và kiến tạo không gian đô thị hiện đại dọc tuyến sông Tô Lịch, không để cơ hội hồi sinh bị lỡ nhịp.
377 chung cư mini, 30.648 nhà trọ, hơn 19.100 nhà ở kết hợp kinh doanh ở Hà Nội vẫn chưa thực hiện khắc phục đầy đủ các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn của UBND thành phố.
Tại Hà Nội, việc khởi sự kinh doanh giờ đây trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết nhờ mô hình tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng – đơn vị trực thuộc Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội triển khai.
0