Hà Nội sẽ xoá chợ cóc, chợ tạm | Hà Nội tin mỗi chiều
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã nhấn mạnh quyết tâm: dứt khoát xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm ngay trong năm 2025.
Tiện đâu bán đấy, hàng rong tụ tập buôn bán trên vỉa hè, dưới lòng đường... đã và đang là tình trạng phổ biến trên nhiều tuyến đường phố, ngõ ngách, khu dân cư tại Hà Nội. Bên cạnh nguyên nhân ý thức của một bộ phận người buôn bán hạn chế, việc xử lý của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng thiếu quyết liệt, còn có nguyên nhân từ việc chợ dân sinh ở nhiều địa phương còn thiếu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của nhân dân.
Mới đây, trong cuộc làm việc với Sở Công Thương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã nhấn mạnh quyết tâm: dứt khoát xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm ngay trong năm 2025.
“Chợ cóc” đúng như tên gọi của nó, đây là nơi diễn ra hoạt động mua bán, nhưng không cố định như những khu chợ truyền thống. Bởi hầu hết việc buôn bán diễn ra trên hè phố, khu dân cư và không có sự cho phép của chính quyền... Trên thực tế, chợ cóc được hình thành do nhu cầu của người dân ở các khu đông dân cư. Hầu hết chúng ta có thói quen mua hàng hoá ở chợ cóc, nơi gần nhà, bởi sự tiện lợi và mặt hàng cũng khá đa dạng... Chính vì vậy, bất cứ nơi nào đông dân cư là sẽ có chợ cóc xuất hiện.
Tuy nhiên, việc họp chợ kiểu này không được chính quyền địa phương cho phép, nên khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, những người bán hàng hầu hết đều bị xử lý. Còn những trường hợp "nhanh chân" thu dọn hàng hoá trước khi bị kiểm tra sẽ ẩn mình đi đâu đó, chờ lực lượng chức năng đi qua rồi lại bày hàng ra bán... Chính vì vậy, có người mới gọi đây là những khu "chợ cóc".
Đặc biệt ở những khu đông dân cư, đường giao thông nhỏ hẹp, vào giờ cao điểm thường cũng là lúc cảnh mua bán nhộn nhịp hơn, khiến giao thông qua những khu chợ này vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc... Điều đáng nói, rất khó kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc của những mặt hàng được bày bán ở các khu chợ cóc này... Ngoài sự "đảm bảo" bằng miệng của người bán và cảm quan của người mua... không có gì đảm bảo các mặt hàng được bán ở chợ cóc là sạch và rõ nguồn gốc.
Chính vì vậy, quyết tâm xoá chợ cóc là việc được người dân hoàn toàn ủng hộ. Đáng nói, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội từng nhiều lần đồng loạt ra quân dẹp bỏ nhưng đâu lại vào đó và thế là chợ cóc mọc lên theo một vòng tuần hoàn: hễ cứ dẹp rồi lại mọc… Bởi chợ cóc, xét cho cùng, là sản phẩm của nhu cầu: người bán thì cần mưu sinh, còn người mua thích ghé vì tiện. Thế nhưng, những lần ra quân gặp thất bại có lẽ chỉ là bởi chúng ta thiếu phương án thay thế sinh kế cho người bán và người mua chưa chủ động thay đổi thói quen.
Người dân rất đồng tình với quyết tâm của lãnh đạo Thành phố trong việc chỉnh trang đô thị, bảo vệ trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cùng lúc, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi: người dân sẽ đi đâu, mua gì, bán gì nếu tất cả những điểm bán hàng nhỏ lẻ đều bị dẹp bỏ?
Trong buổi làm việc với Sở Công Thương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội không chỉ nói đến chuyện “xóa bỏ”, mà còn nhấn mạnh chuyện thay thế. Thay vì chỉ xử lý hành chính, Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương đẩy nhanh xây dựng mạng lưới chợ hiện đại, mô hình outlet, chợ đầu mối… theo đúng tinh thần của Chương trình 03. Bởi vì chỉ khi có nơi để người bán chuyển sang, có kênh tiêu thụ sạch, hợp pháp, văn minh thì người dân mới dứt khoát rời bỏ chợ cóc. Và đó không chỉ là chuyện "dẹp", mà là "tái thiết".
Trên thế giới, nhiều đô thị cũng từng vật lộn với tình trạng chợ cóc, chợ tạm. Bangkok từng đối mặt với hàng trăm điểm bán tự phát dọc các tuyến đường đông đúc. Giải pháp của họ là xây dựng các khu chợ thay thế, đầu tư nhà vệ sinh sạch sẽ, bãi giữ xe, giảm chi phí thuê mặt bằng và đặc biệt là cho phép tiểu thương nhỏ lẻ đăng ký bán hợp pháp.
Singapore thì tổ chức lại hệ thống "hawker centre" - trung tâm bán hàng rong được quản lý tập trung, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng vẫn giữ được nét ẩm thực đường phố bản địa. Và đặc biệt, họ đào tạo lại người bán hàng, cấp chứng nhận hành nghề và coi đó là một phần di sản văn hóa.
Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi cách làm đó. Tức là chúng ta không xóa bỏ triệt tiêu, mà là chuyển hóa linh hoạt. Phải có chợ văn minh, thuận tiện, rẻ tương đương thì mới cạnh tranh được với chợ cóc. Nếu không, chính sách dễ bị phản ứng và... không có hiệu quả lâu dài.
Việc Sở Công Thương kiến nghị Thành phố bố trí vốn đầu tư công để cải tạo chợ, đẩy mạnh liên kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ an toàn, quy hoạch cụm giết mổ tập trung, thúc đẩy làng nghề sạch, bền vững được đánh giá cao… bởi lẽ, đó mới là những hạ tầng tạo ra một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông thôn, vừa giúp thành thị có chợ an toàn, trật tự.
Người dân cũng ấn tượng với cách Hà Nội đặt mục tiêu rất cụ thể: giá trị tăng thêm ngành bán lẻ cả năm tăng từ 8,79% trở lên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ từ 14%, GRDP cả năm phấn đấu vượt 7%... Những con số tăng trưởng ấy không thể đạt nếu chợ tạm, chợ cóc vẫn lấn át, hàng hóa trôi nổi vẫn tồn tại ngoài luồng kiểm soát.
Dẹp chợ cóc là để dựng lên một đô thị văn minh, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau. Nếu Hà Nội thực sự quyết tâm năm 2025 là dấu mốc xóa chợ cóc, thì điều mà nhiều người mong đợi không chỉ là các đợt ra quân, mà là một lộ trình nhân văn, bền vững và có phương án thay thế rõ ràng, công khai. Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể đóng góp vào mục tiêu này nếu từ hôm nay lựa chọn thay đổi hành vi mua sắm, buôn bán của mình.