Sinh con năm rồng, nhiều 'rồng con' chật vật vào đời | Hà Nội tin mỗi chiều

Sinh con năm rồng, nhiều 'rồng con' chật vật vào đời; Quà Tết - của cho không bằng cách cho... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Sinh con năm rồng, nhiều “rồng con” chật vật vào đời

Trong 12 con giáp, rồng là loài duy nhất không có thật, mang ý nghĩa tốt lành, đại diện cho sức mạnh, sự thịnh vượng. Những người sinh trong năm này được cho có số mệnh tốt, dễ gặt hái thành công. Tại nhiều quốc gia ở châu Á đang trải qua tỷ lệ sinh giảm khiến dân số già và dự đoán về hậu quả kinh tế thảm khốc. Vì vậy, một số chính phủ khuyến khích người dân sinh thêm con. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các gia đình sinh thêm con khi quốc gia này đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp.

Tuy nhiên, với Việt Nam, việc đổ xô lựa chọn sinh con năm rồng đã vô tình gây nên áp lực về dân số. Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy như trường lớp, điều kiện giáo dục… Gần đây nhất, năm học 2023-2024, số lượng học sinh vào lớp 6 tăng đột biến do lứa tuổi “rồng vàng” (sinh năm 2012) tăng gần 39 nghìn người nên nhiều địa phương đã phải căng mình sắp xếp chỗ học, trong khi trường lớp chưa kịp xây mới.

Rồng được coi là linh vật tốt lành, mang ý nghĩa thành công, bởi vậy người dân tại nhiều quốc gia châu Á đang nỗ lực sinh con vào năm rồng. Ảnh minh họa

Với quan niệm sinh con thì phải chọn năm đẹp, Dê vàng, Heo vàng, Mèo quý, Rồng vàng; hay phải sinh được con trai đã khiến không ít cha mẹ nát óc tìm trăm phương ngàn kế để “sinh con theo ý muốn”. Còn nhớ, cứ đến những năm được cho là đẹp như Quý Mùi, Đinh Hợi, Tân Mão… là các bệnh viện phụ sản vốn đã quá tải lại càng thêm chật chội vì số trẻ mới sinh tăng đột biến. 6 năm sau đó thì đến lượt các trường tiểu học quá tải đầu vào lớp 1, rồi các trường trung học quá tải niên học của các học sinh lứa tuổi này. Hậu quả trước mắt là bệnh viện, trường học quá tải; còn về lâu dài, chính con cháu chúng ta sẽ phải chịu hậu quả của sức ép dân số, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính… Lúc đó, xã hội sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn về sự khủng hoảng hôn nhân.

Các nhà nghiên cứu Singapore đã nghiên cứu trải nghiệm của những "rồng con" ở quốc gia này và phát hiện ra rằng họ phải chịu nhiều sức ép hơn so với những người sinh vào năm khác.

Hệ lụy của việc nhiều trẻ được sinh ra vào một năm không chỉ là việc tăng dân số của năm đó mà còn là chuyện học hành của trẻ sau này như chuyện quá tải ở các trường học, chuyện công việc khi trưởng thành... đặc biệt hơn là gây mất cân bằng giới tính dẫn đến nhiều người khó có thể kết hôn. Và ngay từ bây giờ, gánh nặng phải sinh con năm Rồng cũng đang đè lên vai khá nhiều cặp vợ chồng trẻ.

Không thể có chuyện tất cả những người sinh ra vào năm đẹp đều "tốt số". Điều này luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: gia đình, điều kiện chăm sóc, phương pháp giáo dục... Chất lượng dân số gắn liền với chất lượng của từng gia đình và của mỗi người con do mỗi gia đình sinh ra.

Qùa Tết - của cho không bằng cách cho

Gần 6000 công nhân Công ty CP Than Vàng Danh- Vinacomin (phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) hẳn đã có cảm giác tồi tệ khi mở gói quà Tết mà công ty tặng. Bởi trong gói quà có hộp bánh kem xốp nhãn hiệu Smile Time đã hết hạn sử dụng. Trên vỏ hộp bánh in ngày sản xuất 20/10/2023, hết hạn vào ngày 20/7/2024. Nhưng chỉ cần chà mạnh thì dòng chữ số này bị mờ đi và phía dưới có dòng ghi hạn sử dụng là 01/6/2023. Sau khi phát hiện sự việc, một số cán bộ, công nhân Công ty CP Than Vàng Danh đã báo cáo lên công ty. Đơn vị cung cấp xác nhận sự việc là đúng. Ngay sau đó, lãnh đạo Công ty CP than Vàng Danh đã quyết định tặng quà bằng tiền mặt cho cán bộ công nhân viên với mức 1 triệu đồng/người, hoàn thành trước ngày 25/2.

Việc đã nhanh chóng được giải quyết, nhưng bài học về của cho và cách cho thì vẫn còn đó. Có thể nói việc chăm lo tết cho người nghèo ngày càng nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Nhưng cách thức tặng quà tết ở một số nơi vẫn thiếu chút tinh tế. Điều này đã vô tình làm tổn thương người nhận, làm giảm ý nghĩa của việc làm giàu tính nhân văn này.

Khoản hỗ trợ trị giá 300.000 đồng chỉ được dùng để mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hà Quân

Ngay trước kỳ nghỉ Tết, có một thông tin cũng khiến dư luận xôn xao. Khi biết tin mỗi người sẽ được nhận 300 nghìn đồng tiền hỗ trợ Tết từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 500 người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại một công ty tại tỉnh Sóc Trăng rất mừng. Thế nhưng, để nhận được món quà nhỏ này, người lao động sẽ phải mở một tài khoản mới của Công ty tài chính HD Saison do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, hợp tác. Sau đó, người được tặng phải dùng số tiền này mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử Shopee và Tiki. Chưa hết, người được tặng quà còn phải thực hiện một số thủ tục khác. Cho rằng hình thức tặng quà này quá nhiêu khê nên nhiều công nhân, dù khó khăn nhưng vẫn từ chối nhận quà tết.

Tương tự, một lãnh đạo doanh nghiệp ở Cà Mau từ chối nhận hỗ trợ tết cho công nhân vì lo ngại việc cấp thẻ tín dụng hạn mức 5 triệu đồng có thể tạo ra những vấn đề liên quan vay nợ sau này. Còn công nhân, khi phải cung cấp số điện thoại và thông tin căn cước công dân, họ sợ phát sinh phiền phức, lộ thông tin cá nhân.

Chủ trương thiết thực, nhân văn mỗi dịp Tết đến xuân về bỗng dưng không trọn vẹn, khiến nhiều người nghĩ đến câu nói: "của cho không bằng cách cho". Khi phương thức trao gửi không phù hợp với điều kiện và mong muốn của người nhận, ý nghĩa những phần quà đã không trọn vẹn.

Công tác chăm lo tết cho người nghèo là hoạt động thể hiện rất rõ tinh thần tương thân tương ái. Mỗi món quà, phương thức tặng quà cần được cân nhắc để quà không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn mang đến giá trị về tinh thần. Trong văn hóa của người Việt, của cho không bằng cách cho./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu.

Giữa bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình để thích ứng với yêu cầu của thời đại số, một đề xuất đáng chú ý vừa được đưa ra: thành lập liên minh đổi mới sáng tạo các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội đang hướng tới một cột mốc rất đáng tự hào: trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2025. Một tầm nhìn lớn - đòi hỏi nỗ lực không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị thế của một đô thị năng động, sáng tạo, vừa hiện đại, vừa truyền thống giữa lòng châu Á.

UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng tốc tiến độ cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm và kiến tạo không gian đô thị hiện đại dọc tuyến sông Tô Lịch, không để cơ hội hồi sinh bị lỡ nhịp.

377 chung cư mini, 30.648 nhà trọ, hơn 19.100 nhà ở kết hợp kinh doanh ở Hà Nội vẫn chưa thực hiện khắc phục đầy đủ các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn của UBND thành phố.

Tại Hà Nội, việc khởi sự kinh doanh giờ đây trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết nhờ mô hình tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng – đơn vị trực thuộc Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội triển khai.