Chung cư cũ – Tư duy mới | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội hiện có hơn 1000 chung cư cũ, phần lớn trong số đó đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trải qua hàng chục năm nghiên cứu, lên phương án, khảo sát ý kiến… nhưng đến nay, công tác sửa chữa, cải tạo, xây mới không có tiến triển. Nhiều chung cư bị nghiêng và có nguy cơ đổ sụp, cơ quan chức năng yêu cầu chủ sở hữu khắc phục. Thế nhưng với một tòa nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, việc yêu cầu khắc phục rất khó khăn và không dễ dàng gì, bởi thực trạng “chín người mười ý”.
Từ trước đến nay, các dự án cải tạo chung cư đã hoàn thành tại Hà Nội được thực hiện theo lộ trình: nhà đầu tư tự thuyết phục, vận động và lấy ý kiến người dân về phương án hỗ trợ, tạm cư, tái định cư; sau đó cân đối số căn hộ để bố trí tái định cư, diện tích dành cho kinh doanh, diện tích được bán thương mại để bảo đảm thu hồi vốn, có lãi... Tuy nhiên, đây là chặng đường hết sức gian nan. Các doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu phải có sự đồng thuận 100% của các chủ sở hữu căn hộ tại các dự án cải tạo chung cư cũ là điều không thể thực hiện được, bởi nhiều mâu thuẫn liên quan đến quyền lợi của các bên rất khó giải quyết.
Những ngày qua, thảo luận tại hội trường về dự án Luật nhà ở sửa đổi, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến bàn về thời hạn sở hữu và thời hạn sử dụng nhà chung cư. Theo các đại biểu, dự thảo Luật Nhà ở quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay mới chỉ xác định "thời hạn sử dụng" nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế, nhưng lại chưa đề cập rõ ràng đến "thời hạn sở hữu", nên chung cư được sở hữu vĩnh viễn, nhưng tuổi thọ của chung cư lại có hạn. Nhiều chung cư cũ xuống cấp trầm trọng nhưng không thể đập đi xây mới vì không thỏa thuận được với các hộ dân từ việc xây dựng, cho đến phương án đền bù.
Vấn đề này đã được Ủy ban thường vụ Quốc Hội đưa ra thảo luận hồi tháng 3/2023. Khi đó, Chính phủ trình hai phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn và không có thời hạn. Trong đó, phương án sở hữu có thời hạn gặp nhiều băn khoăn từ nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan và dư luận xã hội, chính vì vậy sau phiên họp này của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Chính phủ đã loại bỏ phương án sở hữu chung cư có thời hạn, và thay bằng các quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư; trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Trên thế giới, không ít quốc gia quy định căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn, nhưng tại Việt Nam đến nay chưa áp dụng. Ở ta, câu chuyện “sở hữu” động chạm trực tiếp đến quyền lợi của người sở hữu, nên nếu đưa ra lấy ý kiến thì tỷ lệ không đồng thuận sẽ nhiều hơn đồng thuận. “Thời hạn sở hữu nhà chung cư” và “thời hạn sử dụng nhà chung cư” là hai phạm trù khác nhau. Người chủ sở hữu vẫn là người có quyền sử dụng, nhưng chỉ được tiếp tục sử dụng khi đáp ứng đầy đủ những điều kiện, quy định của pháp luật. Việc hết thời hạn sử dụng nhà chung cư không có nghĩa là mất quyền sở hữu của cư dân đối với quyền sử dụng đất và sở hữu công trình.
Trong bối cảnh quỹ đất ở các trung tâm đô thị ngày càng eo hẹp, việc chúng ta áp thời hạn sở hữu chung cư sẽ tạo cơ hội để tái phát triển hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, cần đánh giá rất nhiều khía cạnh để hài hòa lợi ích các bên. Muốn làm được như vậy thì rõ ràng những nhà làm chính sách cần phải có tư duy vượt thời gian, lường trước các vấn đề để giải quyết quyền lợi cho người dân. Nhà nước cần quy hoạch lại các khu chung cư cũ. Chính phủ cần có cơ chế chính sách cụ thể kêu gọi các nhà đầu tư. Người dân phải có trách nhiệm cùng đóng góp một phần kinh phí để cải tạo chung cư cũ. Nếu thực hiện được những vấn đề này, chương trình cải tạo chung cư cũ mới phát huy hiệu quả./.


UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu.
Giữa bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình để thích ứng với yêu cầu của thời đại số, một đề xuất đáng chú ý vừa được đưa ra: thành lập liên minh đổi mới sáng tạo các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Hà Nội đang hướng tới một cột mốc rất đáng tự hào: trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2025. Một tầm nhìn lớn - đòi hỏi nỗ lực không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị thế của một đô thị năng động, sáng tạo, vừa hiện đại, vừa truyền thống giữa lòng châu Á.
UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan tăng tốc tiến độ cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm và kiến tạo không gian đô thị hiện đại dọc tuyến sông Tô Lịch, không để cơ hội hồi sinh bị lỡ nhịp.
377 chung cư mini, 30.648 nhà trọ, hơn 19.100 nhà ở kết hợp kinh doanh ở Hà Nội vẫn chưa thực hiện khắc phục đầy đủ các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn của UBND thành phố.
Tại Hà Nội, việc khởi sự kinh doanh giờ đây trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết nhờ mô hình tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng – đơn vị trực thuộc Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội triển khai.
0