Festival Phở 2025

“Festival Phở 2025” là cầu nối không gian giúp tôn vinh, gắn kết giữa các doanh nghiệp, làng nghề, thương hiệu để quảng bá ẩm thực tới người dân Thủ đô, khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế.

Ba ngày sống trong hương phở

Festival Phở 2025 quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu ẩm thực phở của ba miền Bắc - Trung - Nam, nhằm quảng bá “Phở Hà Nội” - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ẩm thực Hà Nội; đem tới những món phở đặc trưng của Thủ đô và sự đa dạng về phở của các vùng miền.

Du khách đã được trải nghiệm các món phở đặc trưng của từng địa phương Tây Bắc, Nam Định, Hà Nội; phong cách phở miền Trung, miền Nam và quốc tế. Không chỉ tái hiện sự phong phú của phở trên dải đất Việt Nam, không gian này còn tôn vinh bản sắc địa phương, kỹ thuật chế biến và sự sáng tạo trong từng tô phở.

Trải nghiệm ẩm thực phở và thưởng thức những bát phở truyền thống của ba miền có lẽ là trải nghiệm khó quên của mỗi du khách và các đơn vị lữ hành. Không chỉ được chiêm ngưỡng, trải nghiệm toàn bộ quy trình nấu phở và quẩy, từ chọn nguyên liệu, làm bánh phở, nấu nước dùng, du khách còn được lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề của các nghệ nhân phở nổi tiếng đến từ nhiều địa phương.

Điểm nhấn của Festival Phở 2025 là việc ứng dụng công nghệ AI - Chatbot nhằm nâng cao trải nghiệm người tham dự, tối ưu quy trình tổ chức và hỗ trợ quảng bá sự kiện. Chatbot sẽ được bố trí tại quầy thông tin, hỗ trợ khách tra cứu gian hàng, tìm món phở phù hợp... Đây là lần đầu tiên công nghệ AI được ứng dụng trong một lễ hội ẩm thực tại Việt Nam.

Festival Phở 2025 là cầu nối không gian giúp tôn vinh, gắn kết giữa các doanh nghiệp, làng nghề, thương hiệu để quảng bá ẩm thực tới người dân Thủ đô, khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế.

Phở - từ ký ức đến thương hiệu quốc gia

Giữa những khu phố cổ sầm uất của Hà Nội, có những hàng phở chẳng cần biển hiệu quá hào nhoáng, cũng chẳng quảng cáo rầm rộ, mà ngày nào cũng tấp nập thực khách ra vào. Những quán phở đó đã ở đây mấy chục năm, phục vụ bao thế hệ người Hà Nội.

Anh Bùi Chí Thành, chủ quán Phở Thìn Bờ Hồ chia sẻ: "Hàng phở này có từ đời ông Thìn năm 1955, ông Thìn có 9 người con đều mở các chi nhánh phở, hiện giờ đến đời cháu cũng theo nghề phở. Bí quyết để làm món phở truyền thống Hà Nội, trong đó có phở nhà ông Thìn khác biệt là do kỹ thuật ninh xương, không dùng hồi quế, thảo quả như các hàng phở ở các vùng miền khác".

Đặc điểm chung là các quán phở gia truyền trong phố cổ đều khá chật hẹp, sơ sài, thế nhưng lại rất đông thực khách, kkhông chỉ là những vị khách quen, mà có không ít các bạn trẻ và du khách trong và ngoài nước.

Anh Ondrej - du khách Cộng hòa Séc cho biết: "Tôi thấy phở Hà Nội rất ngon, nước dùng thơm, bánh phở dẻo và thịt tươi ngọt. Mỗi khi về nước, tôi thường khoe và kể cho bạn bè nghe về món phở của Hà Nội, để nếu họ có dịp đi du lịch đến đây, họ cũng sẽ được thưởng thức món ăn tuyệt vời này".

Có người ăn một bát rồi đi làm, có người từ nơi xa, khi đến Hà Nội là tìm lại quán cũ. Bởi với họ, phở gia truyền không chỉ là món ăn mà là một phần ký ức, một nét tinh tế rất riêng trong đời sống người Hà Nội.

Khi phở bước vào công nghiệp sáng tạo

Trong mắt các nhà nghiên cứu văn hóa, phở không chỉ đại diện cho ẩm thực Hà Nội mà còn đại diện cho cách người Hà Nội sống: tinh tế, chuẩn mực, nhưng không phô trương.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Ánh Tuyết - chuyên gia ẩm thực chia sẻ: "Tôi còn nhớ ngày bé, cứ mỗi lần ốm nằm ở nhà bao giờ mẹ cũng chỉ có một câu duy nhất là 'Thế con ăn phở nhá để mẹ chạy ra đầu đường mẹ mua'. Phở tuy là một món ăn nhưng ngày đó tôi cảm thấy nó như là thuốc tiên vậy. Từ bao đời nay, phở đã nằm trong tiềm thức của bao nhiêu thế hệ dù chúng ta không tuyên bố nó là di sản nhưng từ đời nọ truyền cho đời kia và nó sẽ luôn là di sản".

Phở không chỉ là món ăn, mà còn là ký ức, là tinh thần, là bản sắc của người Hà Nội. Từ chia sẻ của chuyên gia ẩm thực, việc giữ gìn hương vị phở xưa không chỉ là bảo tồn một món ngon, mà còn là giữ lấy một phần hồn của đất Kinh kỳ.

Phở Việt giữa trời Âu

Với người Việt, phở không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng văn hóa, chứa đựng hồn cốt dân tộc. Trải qua thời gian, phở đã vượt qua ranh giới ẩm thực để trở thành cầu nối cộng đồng, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Từ niềm tự hào ấy, dự án “We Love Phở” ra đời, với mục tiêu xây dựng bản đồ phở Việt tại châu Âu.

Ý tưởng xuất phát từ ông Mai Hải Lâm - một kiều bào tại Ba Lan. Mang nỗi nhớ vị phở quê nhà, ông đã khởi xướng và kết nối những người Việt yêu phở trên khắp châu Âu. 11 thành viên sáng lập đến từ 10 quốc gia, tuy làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng chung một lý tưởng, đó là lan tỏa giá trị văn hóa phở.

Ông Mai Hải Lâm cho biết: "Trong nhóm hội của chúng tôi hiện tại có các doanh nhân nhiều ngành nghề khác nhau, có những doanh nhân trong ngành thực phẩm nhưng cũng có những doanh nhân lĩnh vực khác như nhà văn, nhà báo, nhà thơ, thậm chí là những nhà hoạt động xã hội. Tôi nghĩ rằng sự đa dạng, phong phú cũng là một thế mạnh khi hội phát triển. Bản thân tôi không có nhà hàng về phở nhưng tôi cũng có kinh nghiệm kinh doanh 10 năm về nhà hàng và tôi nghĩ rằng là việc không kinh doanh phở giúp cho tôi có những góc nhìn rất thoáng, đa dạng và việc kết nối cũng có thể có những thuận lợi hơn".

Không đậm vị như món Thái, không cầu kỳ như món Hoa, phở chinh phục thực khách bởi sự hài hòa: nước dùng thanh trong, bánh phở mềm, thịt tươi và hương thơm của thảo quả, quế, hồi, gừng, hành... Mỗi quán phở trên bản đồ "We Love Phở" chính là nơi lưu giữ hương vị quê hương giữa lòng trời Âu lạnh giá.

Không dừng lại ở quảng bá, “We Love Phở” hướng đến giá trị lâu dài là đưa phở trở thành biểu tượng văn hóa Việt. Dự án đã hợp tác với một đơn vị xuất bản tại Việt Nam để chuẩn bị ra mắt cuốn sách chuyên sâu về phở - từ nguyên liệu, cách nấu đến câu chuyện lịch sử và văn hóa.

Một bát phở nóng giữa mùa đông xứ lạ không chỉ sưởi ấm tâm hồn mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, thể hiện niềm tự hào dân tộc. “We Love Phở” là minh chứng cho sức sống bền bỉ của ẩm thực Việt - một hành trình gìn giữ và lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt đến năm châu.

Festival Phở 2025 với chủ đề "Tinh hoa phở Việt - Di sản trong kỷ nguyên số" đã diễn ra từ ngày 18-20/4 tại Hoàng thành Thăng Long. Sự kiện do Trung tâm Hội nghị TP. Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các đơn vị tổ chức.

Festival Phở 2025 quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu ẩm thực phở khắp ba miền tham gia trình diễn, thúc đẩy quảng bá hình ảnh và thương hiệu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong không gian rộn ràng tiếng máy móc và mùi kim loại, xưởng cơ khí không chỉ là nơi chế tạo nên những cỗ máy mà còn là sân khấu của những người thợ lành nghề.

Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội năm nay, lần đầu tiên công nghệ AI Chatbot được đưa vào tư vấn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham dự.

Nghề thổi thuỷ tinh ở Vạn Nhất đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Họ quen tay, quen việc, quen cả tiếng lửa tí tách mỗi ngày.

Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.

Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.

Mỗi năm, cứ đến tháng Tư, Hà Nội lại đón mùa hoa loa kèn như một lời nhắc rằng, dù cuộc sống có đổi thay, vẫn có những điều giản dị mà đẹp đẽ sẽ quay trở lại.