Lớp học thanh xuân

Nhiều học viên cao tuổi tham gia lớp học hát và luyện âm ở Hà Nội để tìm niềm vui trong cuộc sống và kết nối với những người cùng đam mê.

Hà Nội luôn ồn ào, náo nhiệt dường như không phù hợp với nhịp sống của những người cao tuổi. Thế nhưng, trong sự hối hả ấy, nhiều người vẫn tìm cho mình những khoảng không gian, những niềm yêu thích riêng, mà ở đó họ có thể tìm thấy chính mình, không phải để chống lại sự già đi, mà để cùng nhau trẻ lại. Lớp học thanh xuân là một nơi như thế!

Tuần nào cũng vậy, bà Trương Thị Yến (69 tuổi ở phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa) lại cùng hai người bạn thân đi bộ tới lớp học hát nằm trong con ngõ Thịnh Hào, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Lớp học mở ra với mong muốn giúp những người dù mới bước vào tuổi nghỉ hưu, hay nghỉ hưu đã lâu vẫn tìm được niềm vui trong cuộc sống nhờ âm nhạc và kết nối với những người có cùng đam mê ca hát.

Những lớp học hát và luyện âm ngày càng xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội do nhu cầu của người học tăng cao. Đó là lý do khiến cho lớp học của thầy Nguyễn Ngọc Úy (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) lúc nào cũng có các học viên cao tuổi đăng ký tham gia. Họ đến lớp không chỉ để luyện giọng, mà để tìm lại cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn và kéo dài những năm tháng thanh xuân của mình.

Thầy Nguyễn Ngọc Úy chia sẻ: "Điều đặc biệt là họ rất đam mê và có nhiều thời gian để tập luyện. Môn học hát cũng giúp ích cho sức khoẻ và lấy lại tuổi thanh xuân, rèn luyện trí nhớ tốt hơn. Tôi thấy họ rất nhiệt tình, dù nắng hay mưa cũng không bỏ buổi nào, đó là điều đáng được ghi nhận".

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình), một học viên của lớp học thanh xuân cho biết: "Cuộc sống hiện đại cần cân bằng, học hát không phải nhanh hay chậm mà cần chất lượng, mình thấy cuộc sống của mình vui vẻ hơn, nhiều năng lượng hơn, yêu đời hơn. Mình thấy vui khi gặp một vài người bạn có thể chia sẻ niềm vui của mình".

Tối cuối tuần, Hà Nội lung linh trong ánh đèn đường. Phố phường vẫn rộn ràng xe cộ ngược xuôi. Bên trong một căn phòng nhỏ giữa lòng phố, bà Yến lại cùng những những người bạn trong lớp học trang điểm, chỉnh lại mái tóc, thay bộ trang phục rực rỡ hơn. Hôm nay, họ sẽ bước lên sân khấu biểu diễn - một sân khấu mini được thiết kế riêng để học viên cao tuổi có cơ hội thể hiện đam mê với ca hát của mình. Những bài hát đã học giờ đây sẽ được họ phô diễn, cùng hát cho nhau nghe.

"Từ khi đi học hát tôi thay đổi nhiều, tinh thần thoải mái, lạc quan hơn và về nhà cũng truyền tải được âm nhạc đến với chồng, con. Chồng, con tôi đều động viên tôi rất nhiều. Mỗi lần đến học đều là chồng, con tôi đưa đến", bà Nguyễn Thúy Hằng (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) vui vẻ nói.

Dù ánh đèn không rực rỡ, dù khán giả chỉ là những người thân, bạn bè, nhưng với những người phụ nữ đã bước qua tuổi trung niên, mỗi lần biểu diễn là một lần họ được sống hết mình với âm nhạc; là một lần nữa cảm nhận được niềm vui, sự trẻ trung và cả giá trị của tuổi già đầy sắc màu giữa một Hà Nội đang đổi thay từng ngày.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đến chợ đá quý Trích Sài (Tây Hồ), mỗi người như thể lạc vào một thế giới của các loại đá đủ màu sắc rực rỡ, đa dạng về chủng loại và giá tiền.

Đường Hoàng Diệu có hàng cây cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát, cùng những công trình văn hóa - lịch sử đặc biệt như khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Mỗi xắt chè lam mang hương vị dẻo thơm của nếp cái hoa vàng, ngọt dịu của mật mía và cay nhẹ của gừng, tất cả hòa quyện tạo nên một nét rất riêng.

Nhiều học viên cao tuổi tham gia lớp học hát và luyện âm ở Hà Nội để tìm niềm vui trong cuộc sống và kết nối với những người cùng đam mê.

Nem cuốn cửu vị với sự hòa quyện tinh tế của 9 loại nhân độc đáo mang đến trải nghiệm ẩm thực Hà Nội đậm chất văn hóa và sáng tạo.

Các bạn trẻ thuộc CLB Hà Nội Xanh vào dịp cuối tuần lại hẹn nhau đến khu vực những dòng sông, con kênh ở Hà Nội để bắt đầu công việc dọn rác, giúp môi trường Thủ đô "xanh - sạch - đẹp".