Cafe rang củi thấm đượm mùi khói
Có nhiều cách khác nhau để cảm nhận về Hà Nội. Có thể là ngắm Hồ Gươm rộn rã tiếng cười nói buổi sớm, có thể dành thời gian lòng vòng trên phố cổ, có thể nhâm nhi một tách cafe trong quán nhỏ và cảm nhận hương vị Hà Thành, tận hưởng nhịp sống chậm rãi ngay trong cái ồn ào, tấp nập của phố phường.
Nhân nói đến cafe, ở Hà Nội bây giờ không chỉ trong các hàng quán sang trọng hay bình dân mà cafe còn có cả ở những quầy di dộng nho nhỏ trên phố, phục vụ mỗi buổi sáng, trưa cho những người bận rộn mang đi.
Tuy có mặt ở khắp các ngõ phố, nhưng với những người Hà Nội sành về cafe thì hương vị thức uống này chẳng vì thế mà giống nhau.
Cafe Thái - quán cafe ngót trăm tuổi của Hà Nội - nơi cafe được rang thủ công bằng củi, nơi từng cốc cafe thấm đượm mùi khói. Nguyễn Đức Hiếu là người thuộc thế hệ thứ tư tiếp nối nghề rang xay và pha chế cafe của Cafe Thái phố Triệu Việt Vương.

Khởi đầu của “Cafe Thái” không phải là địa chỉ quen thuộc trên phố Triệu Việt Vương như hiện tại mà là từ đôi quang gánh bán cà phê rong trên khắp các đường phố Hà Nội xưa của cụ Nguyễn Văn Đến, quê gốc ở Hưng Yên, người đầu tiên trong gia đình gắn bó với cafe.
Đến Cafe Thái, không ai là không chú ý đến những dòng chữ "Đến Hà Nội, làm cốc nâu", "Đây là Hà Nội, đi đâu mà vội" hay "Hà Nội ở đây rồi"... thân thương và đầy hoài niệm.
Gây thương nhớ là mỗi buổi sớm được nhâm nhi cốc cà phê đượm mùi khói bếp.
"Cái hương vị của của cafe rang củi có những đặc trưng riêng, bởi vì rang củi sẽ có hương vị khói nó đầm nó nồng nàn, đậm đà lưu trong hạt cafe, thúc đẩy hương vị thú vị vẫn còn nằm ở bên trong", anh Hiếu chia sẻ.
Một không gian đơn giản, gần gũi và những câu chuyện dung dị đời thường là điều đã thu hút những tâm hồn yêu Hà Nội. Thêm một cốc cafe đậm vị, thoang thoảng mùi khói được rang thủ công trong chiếc lồng sắt cũ kỹ truyền từ đời này sang đời khác, càng khiến tình yêu đó nồng đượm hơn.
Mọi công đoạn để cho ra cốc cafe rang củi đều được làm thủ công 100%. Từ quay trên bếp rang, đổ ra thúng tre đến làm nguội bằng tay.
Không giống như rang cafe bằng các loại bếp công nghiệp, rang cafe bằng bếp củi phải có kinh nghiệm điều tiết ngọn lửa để biết lúc nào cần tăng hay giảm nhiệt. Đặc biệt, còn phải phụ thuộc vào các giác quan như nhìn màu sắc, ngửi được mùi và nghe tiếng nổ của hạt cafe.

Từng trải qua khá nhiều nghề, khi quyết định quay về gắn bó với quán cafe của cha ông để lại, anh Hiếu thấy có trách nhiệm không chỉ với cha ông mà còn trong việc gìn giữ một nét văn hóa Hà Nội nơi góc phố.
"Bây giờ ở Hà Nội thì rất ít rồi, chắc là chỉ có mỗi ở nhà mình là rang số lượng nhiều. Việc mà mình giữ nghề này gần như là một cái di sản", anh Hiếu bảo.
Trong khi Hà Nội không thiếu các quán cafe hiện đại với những loại cafe hợp thị hiếu của người trẻ bây giờ, thì với anh Đức Hiếu, sự gắn kết khăng khít giữa các thế hệ trong gia đình có lẽ là yếu tố quyết định sự tồn tại bền bỉ của cafe rang củi.

Theo tiến sĩ Vũ Thế Long: “Trước đây, cafe thường chỉ là đồ uống của dân thành thị, nông dân hầu như ít uống cafe. Ở Hà Nội, xưa kia cafe là đồ uống của những gia đình trung lưu, trí thức. Dân lao động không mấy người uống cafe.
Trong thời kỳ những năm cuối của thập kỷ 1950 và suốt những năm chiến tranh chống Mỹ, cà phê đã trở thành một thứ uống rất phổ biến của hầu hết các cửa hàng giải khát quốc doanh ở Hà Nội.
Trong những năm 1960, vào các cửa hàng giải khát ở Hà Nội, người ta có thể gọi một phin cafe ngồi nhâm nhi suốt buổi. Cafe được cho vào chiếc phin nhôm đặt trên một chén sứ. Chiếc chén này lại được ngâm trong chiếc bát sứ ăn cơm chứa nước nóng. Khách hàng ngồi đọc báo hoặc tán chuyện quanh bàn và kiên nhẫn đón từng giọt cà phê tí tách rơi xuống chén từ đáy chiếc phin nhôm trong mùi hương thơm dễ chịu tỏa ra từ những chiếc phin nóng hổi...”.
Có lẽ cũng vì thói quen này mà có những vị khách hơn 50 năm qua vẫn đều đặn đến với Cafe Thái để tận hưởng hương vị mộc mạc, độc đáo của những cốc cafe rang mộc pha phin. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực để một người trẻ như anh Nguyễn Đức Hiếu tiếp tục gìn giữ một phần di sản nho nhỏ của Hà Nội như anh vẫn tâm niệm.
Với cách rang bằng bếp củi truyền thống, gần trăm năm nay, quán nhỏ nằm trên góc phố Triệu Việt Vương đã trở thành chốn quen thuộc của không ít người Hà Nội, đến để thưởng thức cốc cafe vương khói bếp, đến để nhớ về một Hà Nội ăm ắp ký ức...
Nguyệt Quế


Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.
Có người ngồi bên hiên nhà, tay cầm ly cà phê đen sóng sánh, nhìn mưa rơi lách tách ngoài sân. Hương cà phê thoảng lên, đắng mà thơm nồng nàn, như chính những ngày cô đã đi qua trong đời.
Tháng Ba khép lại bằng những ngày nồm ẩm, lạnh se sắt xen lẫn những cơn mưa phùn lê thê. Miền Bắc giao mùa như một cô gái đỏng đảnh, lúc nắng ấm dịu dàng, lúc lại trở mình hờn dỗi, để lại trong không gian hơi ẩm bức bối, khiến lòng người cũng chùng xuống theo những giọt mưa.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Những sáng mai thức giấc giữa vô vàn tiếng chim, có người chợt nhận ra thành phố nơi cô sống là một thành phố hiền lành, không chỉ dành cho con người mà còn dành cho chim muông hoa cỏ.
Hà Nội tháng Ba, những ngày giao mùa khi trời còn vương chút se lạnh nhưng đã bắt đầu lẫn trong đó cái ấm áp dịu dàng của mùa xuân. Trong không gian ấy, có một loài hoa không thơm nhưng lại khiến lòng người xao xuyến, khiến ai từng gặp cũng phải dừng chân ngước nhìn - đó là hoa gạo.
0