Bồi hồi nhớ hương vị bún thang mẹ nấu

Người con gái miền Nam làm dâu Hà Nội, lần đầu về nhà chồng, cô được mẹ đãi món bún thang khiến cô nhớ mãi...

Tôi là một người con gái miền Nam, về làm dâu gia đình gốc Bắc. Lần đầu về nhà chồng, mẹ đãi tôi món bún thang, làm tôi nhớ mãi đến giờ.

Bản thân cái tên bún thang gợi cho tôi nhiều sự tò mò. Mẹ nói sở dĩ gọi là bún thang bởi món ăn này chế biến cầu kỳ, hơn hai mươi nguyên liệu, mỗi loại một chút, như thầy đông y bốc thang thuốc.

Cũng có người nói bún thang bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Thăng Long xưa. Chữ “thang” tiếng Hán nghĩa là canh. Ngày trước, bún thang được nấu ngay sau Tết, khi nguyên liệu còn thừa, phụ nữ Hà Thành chế biến thành món ngon miệng, thanh nhẹ mà không kém hương sắc ngày xuân.

Những nguyên liệu nấu món bún thang.

Nguyên liệu nấu bún thang là gà, xương ống, giò lụa, trứng, củ cải khô, tôm tươi, nấm hương… Không thể thiếu rau răm, mắm tôm, tinh dầu cà cuống, nước mắm.

Gà ta thả vườn, phải là gà mái tơ mới ngọt dai. Trứng gà ta tươi, có trống mới béo thơm. Giò lụa nguyên chất, không dùng loại pha bột, lúc cắt sợi dai, màu phớt hồng hấp dẫn. Tôm tươi, được tôm he càng tuyệt. Tôm he thịt chắc, ngọt tự nhiên. Mắm tôm, nước mắm chọn loại ngon, nếu không sẽ mất đi hương vị của nước dùng cùng những nguyên liệu khác. Bún chọn sợi nhỏ, bởi sợi to trông thô kệch. Rau răm, các gia vị khác đều phải tươi ngon.

Theo mẹ vào bếp, tôi mới biết thế nào là kỳ công. Đầu tiên là luộc gà. Mẹ thêm củ hành cùng gừng đã nướng cho thơm thịt. Gà luộc vừa chín tới, da vàng óng căng mướt. Vớt ra, dùng tay xé gà thành sợi nhỏ, xốp, mẹ nói không được dùng dao, dễ bết dính.

Linh hồn của bún thang nằm ở nước dùng. Nước luộc gà đem ninh cùng xương ống, canh thời gian cho tôm he, nấm hương vào. Mẹ dạy, muốn thơm ngon thêm tôm khô rang, sá sùng hoặc râu mực khô nướng. Ninh nhỏ lửa, không đậy nắp, vớt bọt liên tục để nước trong, sau cùng mới nêm nước mắm. Nước dùng đạt yêu cầu phải trong veo, ngọt thơm tự nhiên, không cần gia vị.

Khâu tráng trứng tưởng đơn giản, lại đòi hỏi tay nghề tuyệt kỹ. Trứng đánh bông lên, để khi tráng đều mịn, tay quay chảo nhanh cho trứng láng đều. Trứng tráng ra mỏng tang, vàng óng, trong suốt như tờ giấy. Đem trứng vắt lên rổ cho se lại, rồi mới xắt sợi, để khi cho vô nước dùng, trứng không bị bở.

Tôm he chần qua nước sôi, lột vỏ, giã nhuyễn, rang lên với nước mắm làm ruốc tôm. Củ cải khô ngâm cho nở bung, vắt khô, xé sợi nhỏ, ngâm với nước mắm, giấm, đường. Nấm hương, rau răm xắt sợi. Mẹ dạy, tất cả sợi phải tương đồng, không có sợi to sợi nhỏ, tô bún mới đẹp mắt, ăn vừa miệng.

Bún thang ngon không chỉ ở hương vị mà còn ở cách trình bày.

Bún chần nhanh qua nước sôi cho vào tô. Sắp các sợi nguyên liệu lên trên thành hình cánh hoa đối xứng, gà, trứng, giò lụa, rau răm, ruốc tôm, nấm hương, củ cải ngâm. Điểm xuyết vài lát ớt ở giữa làm nhuỵ hoa. Chan nước dùng lên trên, thêm giọt tinh dầu cà cuống, cho dậy mùi. Khi ăn tuỳ khẩu vị cho chút mắm tôm thêm đậm đà.

Tô bún như bức tranh được tô vẽ tỉ mỉ. Bún trắng đục, trứng vàng óng, da gà vàng ươm, bên cạnh màu phớt hồng của giò lụa, thịt gà, màu nâu của nấm hương, củ cải ngâm, màu xanh của rau răm, màu đỏ của ớt. Rực rỡ sắc màu, đủ đầy hương vị.

Mẹ nói bún thang được ví như ngọc nữ Hà Thành, khi ăn phải tao nhã như thưởng thức nghệ thuật. Thong thả nếm qua chút nước dùng, cảm nhận vị ngọt thanh từ đầu lưỡi đến khoang miệng, độ nóng cùng hương thơm lan tỏa xuống bụng.

Nếm sợi thịt gà ngọt dai, sợi giò lụa, sợi trứng béo thơm, sợi củ cải giòn giòn. Chậm rãi thôi, mỗi thứ một chút mới cảm nhận hết vị ngon của hơn hai mươi nguyên liệu cùng bao công phu hoà quyện trong tô bún.

Nay mẹ đã về với mây khói. Mỗi dịp sum họp gia đình, chị em tôi lại nấu bún thang. Để thấy phảng phất đâu đó bóng lưng bận rộn của mẹ trong gian bếp thuở nào.

Ngọc Thanh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không biết từ bao giờ, Hà Nội luôn có những cuộc hẹn với các loài hoa. Và cũng không biết từ bao giờ, có người yêu các loài hoa ấy như chính tình yêu đối với Hà Nội.

Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.

Có người ngồi bên hiên nhà, tay cầm ly cà phê đen sóng sánh, nhìn mưa rơi lách tách ngoài sân. Hương cà phê thoảng lên, đắng mà thơm nồng nàn, như chính những ngày cô đã đi qua trong đời.

Tháng Ba khép lại bằng những ngày nồm ẩm, lạnh se sắt xen lẫn những cơn mưa phùn lê thê. Miền Bắc giao mùa như một cô gái đỏng đảnh, lúc nắng ấm dịu dàng, lúc lại trở mình hờn dỗi, để lại trong không gian hơi ẩm bức bối, khiến lòng người cũng chùng xuống theo những giọt mưa.

Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.

Những sáng mai thức giấc giữa vô vàn tiếng chim, có người chợt nhận ra thành phố nơi cô sống là một thành phố hiền lành, không chỉ dành cho con người mà còn dành cho chim muông hoa cỏ.