Qatar tặng Mỹ máy bay hạng sang: Món quà hay rắc rối?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chú ý khi chấp nhận món quà máy bay Boeing 747-8 hạng sang, giá trị hàng trăm triệu USD từ Qatar hôm 21/5, với mục đích nâng cấp thành chuyên cơ Không lực Một - phương tiện di chuyển chính thức của Tổng thống Mỹ.

Đây là sự kiện hiếm hoi và đặt ra nhiều câu hỏi về quy trình, động cơ và ý nghĩa đằng sau món quà này.

Không lực Một là gì?

“Không lực Một” là mã hiệu được gán cho bất kỳ chiếc máy bay nào đang chở Tổng thống Mỹ. Hiện nay, đội chuyên cơ này gồm hai chiếc Boeing VC-25A - phiên bản đặc biệt của dòng 747-200 - được đưa vào sử dụng từ năm 1990 dưới thời cố Tổng thống George H.W. Bush. Tuy nhiên, sau hơn ba thập kỷ hoạt động, hai chiếc máy bay này đã cũ và thường xuyên được đề cập đến trong các kế hoạch thay thế.

Chiếc máy bay tư nhân Boeing 13 năm tuổi, được Tổng thống Donald Trump sử dụng vào ngày 10/5, cất cánh từ Sân bay quốc tế Palm Beach ở West Palm Beach, Florida. Ảnh: Ben Curtis /AP

Năm 2018, tập đoàn Boeing đã ký hợp đồng trị giá 3,9 tỷ USD với Không quân Mỹ để chế tạo hai chiếc VC-25B, dựa trên nền tảng Boeing 747-8I, nhằm thay thế đội chuyên cơ hiện tại. Tuy vậy, tiến độ bàn giao đã bị chậm trễ nghiêm trọng, ít nhất đến năm 2027 hoặc 2028 do chi phí phát sinh, khó khăn chuỗi cung ứng và yêu cầu kỹ thuật cao.

Món quà hào phóng từ Qatar

Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump hồi tuần trước, Qatar được cho là có ý định tặng cho ông chủ Nhà Trắng một phiên bản của chiếc Boeing 747-8, mới hơn nhiều so với chiếc máy bay mà người đứng đầu nước Mỹ đang sử dụng.

Tổng thống Trump lên chuyên cơ Không lực Một vào năm 2019. Ảnh: Brendan Smialowski / AFP

Ngày 21/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã chính thức chấp nhận chiếc máy bay từ Qatar. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell khẳng định việc tiếp nhận tuân thủ đầy đủ quy định và luật lệ liên bang, đồng thời cam kết các biện pháp đảm bảo an ninh khi sử dụng máy bay để chở Tổng thống.

Chiếc Boeing 747-8 từng được Qatar mua để phục vụ hoàng gia nhưng chưa từng sử dụng. Giá trị thị trường của một máy bay loại này có thể lên tới 400 triệu USD, nhưng nếu đã qua sử dụng thì còn khoảng 100 triệu USD.

Dù được chính phủ hai nước khẳng định là "giao dịch giữa hai chính phủ", nhưng việc tiếp nhận máy bay vẫn vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer gọi đây là “khoản hối lộ lớn nhất trong lịch sử từ một chính phủ nước ngoài” và là “vết nhơ đối với chức vụ Tổng thống”.

Hiến pháp Mỹ cấm quan chức nhận quà từ chính phủ nước ngoài để tránh xung đột lợi ích. Nhiều nghị sĩ Dân chủ đã bày tỏ lo ngại về tính hợp pháp và rủi ro an ninh khi sử dụng máy bay tặng từ nước ngoài làm chuyên cơ Tổng thống. Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth ước tính chi phí cải tạo có thể vượt quá 1 tỷ USD - một khoản tiền khổng lồ trong bối cảnh Mỹ đã sở hữu hai chuyên cơ đang hoạt động bình thường.

Thậm chí, ông Schumer đã đề xuất một dự luật ngăn Lầu Năm Góc sử dụng ngân sách để cải tạo bất kỳ máy bay nào từng thuộc sở hữu chính phủ nước ngoài thành Không lực Một. Dù chưa rõ liệu đề xuất này có được đưa ra bỏ phiếu hay không, song nó chắc chắn sẽ trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trong quốc hội thời gian tới.

Chuyên cơ Không lực Một. Ảnh: Simpleflying.com

Ông Trump: “Chỉ kẻ ngốc mới từ chối”

Bất chấp phản ứng dữ dội, Tổng thống Trump tỏ ra dứt khoát: “Chỉ có kẻ ngốc mới từ chối nhận một máy bay đắt tiền như vậy” Ông cũng nhấn mạnh rằng việc chấp nhận chiếc máy bay từ Qatar sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thay thế chuyên cơ trong bối cảnh Boeing liên tục chậm trễ.

Không quân Mỹ hiện đã bắt đầu lên kế hoạch cải tạo chiếc máy bay này thành chuyên cơ tổng thống. Tuy nhiên, quá trình này được dự báo sẽ tốn kém và kéo dài. Để biến chiếc Boeing 747-8 thành chuyên cơ Không lực Một, Không quân Mỹ sẽ phải thực hiện các cải tạo sâu rộng, bao gồm: lắp đặt hệ thống liên lạc an ninh cao cấp, cài đặt hệ thống phòng thủ tên lửa và các biện pháp bảo vệ khác, loại bỏ các thiết bị điện tử có thể gây rủi ro an ninh. Quá trình này dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng việc cải tạo máy bay cũ có thể không đạt được mức độ an ninh tương đương với các chuyên cơ hiện tại. Mặt khác, việc một tổng thống hoặc bất kỳ nhân vật cấp cao nào của Mỹ sử dụng phương tiện do chính phủ nước ngoài cung cấp là một nguy cơ hiện hữu, đặc biệt khi món quà đó là một máy bay có thể chở theo hàng chục người và chứa đầy thiết bị điện tử.

Tổng thống Donald Trump lên chuyên cơ Không lực Một để rời Căn cứ Không quân Al Udeid, ngày 15/5/2025, tại Doha, Qatar. Ảnh: Alex Brandon/AP

Tại sao Qatar sẵn sàng tặng món quà đắt tiền cho Mỹ?

Thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump chấp nhận món quà “khổng lồ” từ Qatar - một chiếc Boeing 747-8 trị giá 400 triệu USD, khiến giới quan sát quốc tế đặt hàng loạt câu hỏi: Vì sao một quốc gia nhỏ bé như Qatar lại hào phóng đến vậy? Câu trả lời nằm ở vị thế địa chính trị đặc biệt của Qatar, những thách thức an ninh trong khu vực và chiến lược ngoại giao khôn khéo nhằm duy trì sự bảo trợ từ siêu cường số một thế giới - Mỹ.

Qatar là một quốc gia nhỏ nằm trên bán đảo nhỏ ven Vịnh Ba Tư, có diện tích chưa tới 12.000 km² nhưng lại sở hữu trữ lượng khí đốt lớn bậc nhất thế giới, đặc biệt là mỏ North Field chung với Iran. Tuy nhiên, vị trí này khiến Qatar gần như bị bao vây: chỉ có một đường biên giới trên đất liền với Saudi Arabia – một cường quốc khu vực có sức mạnh quân sự vượt trội.

Sự kiện năm 2017 càng cho thấy rõ rủi ro tồn tại của Qatar: khi Doha bị Saudi Arabia và các đồng minh áp đặt lệnh phong tỏa, Qatar nhanh chóng bị cô lập về cả hàng không, lương thực và ngoại giao. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của căn cứ quân sự Al Udeid - nơi đóng quân của hàng nghìn binh sĩ Mỹ - chính là “lá chắn sống còn” giúp Qatar tránh khỏi một cuộc khủng hoảng sâu hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Quốc vương Qatar tại Doha ngày 13/5/2025. Ảnh: Reuters

Mỹ có lợi ích chiến lược lớn tại Trung Đông và căn cứ Al Udeid ở Qatar là yếu tố then chốt trong chiến lược đó. Đổi lại, Qatar hiểu rằng an ninh của họ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự hiện diện và thiện chí của Washington.

Việc tặng một chiếc máy bay sang trọng - biểu tượng của quyền lực và đẳng cấp nguyên thủ quốc gia - cho Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ là món quà vật chất, mà còn là tín hiệu ngoại giao tinh tế: Qatar sẵn sàng đầu tư lớn để duy trì mối quan hệ nồng ấm với các lãnh đạo Mỹ. Ngoài ra, khác với nhiều nước vùng Vịnh, Qatar không cắt đứt quan hệ với Iran, Hamas hay Taliban. Thay vào đó, họ tận dụng vị thế trung gian để trở thành “người môi giới” hòa bình, đặc biệt trong các cuộc đàm phán con tin hoặc ngừng bắn ở Gaza.

Việc Mỹ và Israel sử dụng Qatar làm kênh đối thoại gián tiếp với Hamas trong các thỏa thuận ngừng bắn càng làm nổi bật vai trò “không thể thay thế” của Qatar trên bàn cờ chính trị khu vực. Sự hậu thuẫn của chính quyền Trump - người ủng hộ chính sách mạnh tay tại Trung Đông nhưng vẫn cần các kênh đàm phán - có giá trị đặc biệt với Qatar trong thời điểm hiện tại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các phóng viên trong chuyến công du Trung Đông ngày 14/5/2025. Ảnh: Reuters

Không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao, Qatar còn xây dựng ảnh hưởng toàn cầu thông qua Quỹ Đầu tư Quốc gia (QIA), với danh mục hơn 500 tỷ USD. Qatar đã đầu tư vào bất động sản, hàng không, tài chính và thể thao toàn cầu. Do đó, việc Qatar tặng Mỹ máy bay hạng sang để dùng làm chuyên cơ Không lực Một có thể xem là bước đi “đôi bên cùng có lợi” trong mắt chính quyền Trump. Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, đạo đức và an ninh quốc gia, món quà này dễ bị hiểu sai.

Sau khi thông tin về món quà được lan truyền, Thủ tướng Qatar đã lên tiếng làm rõ rằng đây thực chất là một "giao dịch giữa hai chính phủ". Điều này cho thấy chính quyền Qatar nhận thức rõ ràng về ranh giới nhạy cảm trong quan hệ ngoại giao  rằng một hành động quá công khai nhằm gây ảnh hưởng đến cá nhân Tổng thống Trump có thể khiến họ gặp rủi ro, đặc biệt nếu Đảng Cộng hòa không còn nắm quyền trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ đã và đang theo dõi, giám sát hoạt động hạ thủy tàu chiến lớn tại Cảng Chongjin của Triều Tiên.

Nga đã đánh chặn hơn 200 máy bay không người lái của Ukraine trong lãnh thổ Nga vào ngày 21/5, trong khi Ukraine tuyên bố tấn công một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn ở vùng Oryol của Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chú ý khi chấp nhận món quà máy bay Boeing 747-8 hạng sang, giá trị hàng trăm triệu USD từ Qatar hôm 21/5, với mục đích nâng cấp thành chuyên cơ Không lực Một - phương tiện di chuyển chính thức của Tổng thống Mỹ.

Hai nhân viên tại Đại sứ quán Israel ở Washington DC đã thiệt mạng do bị bắn vào đêm ngày 21/5, ở gần Bảo tàng Do Thái Thủ đô.

Một vụ tai nạn đã xảy ra trong quá trình hạ thủy chiếc tàu chiến mới của Triều Tiên, trong ngày 22/5.

Quân đội Israel cho biết đã đánh chặn được một tên lửa phóng đi từ Yemen nhằm vào Israel, trong rạng sáng 22/5.