Châu Á đối phó với khủng hoảng giá lương thực
Giá gạo Nhật Bản tăng phi mã
Gạo, lương thực thiết yếu của hàng tỷ người châu Á, đang trở thành tâm điểm của đợt biến động giá cả chưa từng có. Tại Nhật Bản, giá gạo liên tục phá kỷ lục, lên mức tăng gấp đôi so với năm ngoái, đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh khó khăn. Chính phủ nước này đã mở kho dự trữ khẩn cấp nhằm bình ổn thị trường. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung do vụ mùa thất bát năm 2024, nhu cầu tăng vọt từ du lịch và tâm lý tích trữ của người dân tiếp tục đẩy giá gạo lên cao.
Giá gạo ở Nhật Bản tiếp tục tăng cao bất chấp việc chính phủ đã nỗ lực giải ngân 210.000 tấn gạo từ kho dự trữ chiến lược trong một tháng để giảm giá mặt hàng lương thực quan trọng nhất của quốc gia. Gạo trở nên quá đắt đỏ đối với nhiều người Nhật với mức giá 4.214 yên (khoảng 770.000 đồng) cho một bao 5 kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng 2 vừa qua, chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên thông báo sẽ giải phóng kho dự trữ khẩn cấp để đảm bảo phân phối ổn định và hạ giá gạo. Đợt đấu thầu đầu tiên gồm 140.000 tấn bắt đầu vào đầu tháng 3 và được cho là đã có mặt trên kệ hàng tại một số khu vực. Đợt thứ hai với 70.000 tấn diễn ra vào cuối tháng 3 và lên kệ vào cuối tháng này.
Các siêu thị trên khắp Nhật Bản cho biết nỗ lực kiềm chế giá tăng rất khó do gạo hiện rất khan hiếm. Một siêu thị ở thủ đô Tokyo đã liên lạc với các nhà bán buôn từ khi chính phủ bắt đầu giải phóng kho dự trữ, hy vọng mua được gạo sớm nhất có thể, nhưng các nhà bán buôn cho biết họ không thể lấy được hàng.
Mặc dù một số siêu thị lớn có bán gạo dự trữ, nhưng số lượng cũng rất hạn chế và không đủ để hạ nhiệt giá cả trên thị trường.
Ngay cả khi toàn bộ gạo dự trữ được đưa ra thị trường, nó vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Trong tình hình hiện tại, cần đảm bảo nguồn cung gạo giá thấp ổn định để mọi người có thể mua được.
Ông Naoki Fujita - Quản lý siêu thị tại Tokyo.
Người tiêu dùng Nhật Bản chen chúc đến các siêu thị để mua gạo, nhưng sau hàng giờ xếp hàng dài, nhiều người đành ra về tay trắng.
Một khách hàng chia sẻ: "Tôi nghe nói có cửa hàng bán gạo dự trữ. Nhưng khi đến nơi, tôi phát hiện gạo đã bán hết từ lâu và tôi không thể mua được. Tôi rất lo lắng vì không thể biết bao giờ giá mới giảm”.
Nhiều người lặn lội khắp nơi, từ chợ truyền thống đến siêu thị, hy vọng tìm được những cửa hàng bán gạo với giá phải chăng, nhưng rốt cuộc chỉ nhận về sự thất vọng khi giá cả vẫn vượt xa khả năng chi trả.
Một khách hàng khác cho hay: "Gạo tôi mua trước đây sắp hết rồi. Tôi định mua thêm hôm nay, nhưng tôi đã từ bỏ vì giá quá cao. Tôi hy vọng giá gạo sẽ sớm giảm chứ các mặt hàng khác cũng đắt đỏ lắm".
Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản chuyển sang tìm kiếm nguồn gạo giá phải chăng từ nước ngoài. Du khách Nhật Bản đến Hàn Quốc du lịch, giờ đây ưu tiên mua gạo thay vì đồ lưu niệm, khi họ nhận ra rằng, một túi gạo 10 kg tại Nhật Bản có giá khoảng 8.000 yên (gần 1,5 triệu đồng), trong khi ở Hàn Quốc, họ chỉ phải chi khoảng 3.000 yên (gần 500.000 đồng), bằng một phần ba mức giá tại quê nhà.
Hiện tượng khan hiếm gạo tại Nhật Bản bắt nguồn từ ba lý do chính. Một là vụ mùa năm 2024 bị thất thu do nắng nóng cực độ, thứ hai là nhu cầu lương thực tăng cao khi số lượng du khách đông đúc đổ về Nhật Bản và thứ ba là tình trạng tích trữ hoảng loạn do lo ngại động đất. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc đã lên kế hoạch xuất khẩu 22 tấn gạo sang Nhật Bản, đây là lô hàng lớn nhất kể từ năm 1990.
Giá gạo chạm đáy, nông dân Thái Lan chật vật mưu sinh
Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng trong ngành gạo châu Á đang phải vật lộn với những biến động về giá cả. Trái ngược với Nhật Bản, nơi giá gạo tăng phi mã, thì tại Thái Lan – vựa lúa hàng đầu thế giới – lại chứng kiến giá gạo xuất khẩu lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua. Tình trạng dư cung tràn lan trên thị trường, kết hợp với chính sách áp thuế nhập khẩu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã khiến giá gạo sụt giảm nghiêm trọng, đẩy nông dân trồng lúa vào cảnh khốn khó, chật vật mưu sinh.
Tại tỉnh Nakhon Pathom của Thái Lan, bà Daeng Donsingha, một nông dân 70 tuổi, bắt đầu mỗi ngày bằng việc giao lúa đến nhà máy xay xát. Số tiền bà kiếm được dùng để nuôi gia đình chín người. Nhưng năm nay, bà đang đứng trước nguy cơ trắng tay do giá gạo nội địa giảm 30%.
Giá gạo quá thấp, trong khi chi phí phân bón và thuê đất lại tăng. Tôi đang bị lỗ vốn.
Bà Daeng - Nông dân Thái Lan.
Những người nông dân lo lắng vì ở Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, giá gạo trong nước giảm 30% và giá gạo toàn cầu cũng sụp đổ sau khi một số quốc gia tạm thời trì hoãn việc nhập khẩu gạo và đồng thời Ấn Độ nối lại các hoạt động xuất khẩu vào tháng 9/2024. Các nhà phân tích cho rằng không có dư địa để giảm giá và cạnh tranh.
Các nông dân như bà Donsingha giờ đây lại tiếp tục chuẩn bị cho một cú sốc khác: các mức thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, đe dọa làm giảm mạnh nhu cầu gạo Thái Lan tại Mỹ, một trong những thị trường nước ngoài sinh lợi nhất, có thể gây bất ổn cho ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Thái Lan nằm trong danh sách các quốc gia Đông Nam Á dễ bị tổn thương nhất trước các mức thuế được đề xuất của ông Trump, với thuế suất tiềm năng lên tới 36% đối với hàng hóa, trừ khi các cuộc đàm phán với Mỹ thành công trước khi lệnh hoãn thuế hết hạn vào tháng Bảy.
Tổng cộng, Thái Lan đã xuất khẩu 9,94 triệu tấn gạo trong năm 2024, trị giá 225,65 tỷ baht (6,82 tỷ USD), với Mỹ là thị trường lớn thứ ba về khối lượng nhưng sinh lợi nhất.
Năm ngoái, Thái Lan đã xuất khẩu 849.000 tấn gạo sang Mỹ, chủ yếu là giống gạo thơm lài đắt nhất của nước này, trị giá 28,03 tỷ baht (735 triệu USD), theo thông báo của hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan.
Hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 395 - 400 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong quý I/2025 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,1 triệu tấn và dự báo tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.
Nếu Mỹ áp thuế cao đối với chúng tôi, gạo thơm của chúng tôi sẽ quá đắt để cạnh tranh. Giả sử nếu họ áp thuế 30%, ở mức 1.000 đô la mỗi tấn, giá sẽ tăng lên khoảng 1.300 đô la - đây là mức giá rất cao.
Ông Chookiat Ophaswongse - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong cả năm 2025 có thể thấp hơn con số được dự báo trước đó là 7,5 triệu tấn, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ sau khi Tổng thống Donal Trump tạm dừng việc áp dụng mức thuế cao hơn.
Ngành công nghiệp và nông dân đang đặt hy vọng vào các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Thái Lan do Bộ trưởng Tài chính Pichai dẫn đầu và Mỹ.
Nhưng các nhượng bộ mà Thái Lan đề xuất để đối phó với ông Trump như giảm thuế nhập khẩu ngô Mỹ từ 73% xuống 0%, cũng sẽ gây tổn hại cho nông dân Thái Lan.
Làn sóng nhập khẩu ngô giá rẻ có thể kéo theo đà giảm thêm của giá gạo tấm và cám gạo, được chiết xuất trong quá trình xay xát và sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, ông Banjong Tangchitwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Xay xát Gạo, cho biết: "Hiệp hội xay xát gạo Thái Lan và cá nhân tôi cho rằng sẽ không phù hợp nếu tăng nhập khẩu ngô của Mỹ như một nhượng bộ thương mại, vì chúng là cây trồng biến đổi gen, trong khi ngô Thái Lan được trồng hữu cơ. Điều này cũng có thể kéo theo sự sụt giảm giá cám gạo và gạo tấm. Trong nhiều ngày qua, tin tức về thuế quan đã khiến giá cám gạo và gạo tấm giảm từ 1 nghìn rưỡi đến hơn 2 nghìn đồng mỗi kilogram."
Chính phủ Thái Lan đã cam kết rằng bất kỳ nhượng bộ nào trong đàm phán với Mỹ sẽ không làm suy yếu các ngành công nghiệp trong nước.
Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo lượng gạo xuất khẩu của nước này trong quý II sẽ tương tự như ba tháng đầu năm nay. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhưng có thể mất ngôi vị này nếu Mỹ áp dụng mức thuế quan cao hơn 10%.
Hiệp hội các nhà đóng gói gạo Thái Lan dự đoán sản lượng gạo của Thái Lan trong năm tới có khả năng sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân do tình trạng hạn hán làm giảm năng suất cây trồng và tình trạng nông dân Thái Lan giảm diện tích canh tác khi Chính phủ Thái Lan kết thúc chương trình trợ giá thu mua lúa gạo.
Indonesia: Nhiều cơ sở chế biến đậu nành có nguy cơ đóng cửa
Indonesia, một trong những quốc gia nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, cũng đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nhà máy chế biến đậu nành tại thành phố Depok của Indonesia, lo ngại rằng việc tăng chi phí nhập khẩu đậu nành sẽ đẩy họ đến bờ vực đóng cửa. Đậu nành Mỹ chiếm phần lớn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất các món ăn truyền thống như đậu phụ, món tempeh của Indonesia, với kim ngạch nhập khẩu lên tới 1 tỷ USD vào năm 2024. Trong khi đó, sản xuất đậu nành nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu, khiến ngành này phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung quốc tế.
Tại một nhà máy ở thành phố Depok, 50 công nhân đang thực hiện các công đoạn làm đậu phụ. Nhưng trên khuôn mặt họ đầy những nỗi lo âu khi chính sách thuế quan mới có thể làm tăng chi phí nguyên và đe dọa sự tồn tại của hàng ngàn cơ sở sản xuất đậu phụ ở thành phố Depok. Tuần này, giá đậu nành lại tiếp tục tăng từ 8.500 lên 9.700 rupiah Indonesia (khoảng 13.000 đồng lên khoảng 15.000 đồng) một kg, khiến thu nhập và cả công việc của họ trở nên bấp bênh.
Tôi thấy giá đậu nành tăng cao quá. Tôi có khoảng 50 nhân viên. Nếu giá cứ tăng như thế này, tôi sợ mình phải đóng cửa nhà máy. 50 gia đình này sẽ ra sao? Vợ con họ sẽ sống thế nào nếu nhà máy này đóng cửa?
Ông Nasirin - Chủ nhà máy đậu phụ.
Chính sách thuế quan mới có thể làm tăng chi phí và đe dọa sự tồn tại của hàng ngàn cơ sở sản xuất đậu phụ ở thành phố Depok. Ông Nasirin và các công nhân giờ chỉ còn biết trông chờ vào một điều kỳ diệu rất khó có thể xảy ra. "Tôi hy vọng giá đậu nành sẽ sớm giảm, hy vọng xuống dưới 8.000 rupiah một kg, dù điều này là rất khó. Bạn có thể tưởng tượng nếu giá tiếp tục tăng trong hơn một tháng đến một năm, vậy làm sao chúng tôi chịu đựng nổi?”, ông Nasirin chia sẻ.
Indonesia đã công bố kế hoạch tăng thêm 19 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ trong đó có nông sản bao gồm lúa mỳ, đậu nành và bã đậu nành trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 32 % đối với hàng xuất khẩu của Indonesia.
Sau đó ông Trump tạm dừng kế hoạch này trong 90 ngày đối với các mức thuế đối ứng. Tuy nhiên không ai có thể chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong khoảng hơn hai tháng nữa khi tới hạn chót vào ngày 9/7 tới. Theo các báo cáo, vào năm 2024, Indonesia đã nhập khẩu gần 89 % số lượng đậu nành từ Mỹ.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu, ngành lương thực châu Á đang đứng trước ngã rẽ đầy thách thức, nơi những biến động giá cả và chính sách thương mại quốc tế đan xen, tạo nên một bức tranh phức tạp. Các quốc gia phải tìm kiếm các giải pháp dài hạn, từ cải thiện năng suất nông nghiệp, đa dạng hóa nguồn cung, đến đàm phán thương mại quốc tế, nhằm bảo vệ an ninh lương thực và khôi phục sự ổn định cho một khu vực vốn phụ thuộc xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Chỉ khi đó, châu Á mới có thể vượt qua cơn bão này và xây dựng một tương lai bền vững hơn cho hàng tỷ người dân.


CHDCND Triều Tiên ngày 28/4 chính thức xác nhận đã triển khai binh sĩ tham chiến tại Nga trong cuộc xung đột với Ukraine theo chỉ thị của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong ngày vận động cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 28/4, Thủ tướng Canada Mark Carney và lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre đã dốc toàn lực thu hút cử tri trên khắp đất nước.
Một cuộc khảo sát vào ngày 27/4 của NBC News phối hợp với SurveyMonkey cho thấy, người dân Mỹ đang bày tỏ sự thất vọng rõ rệt với Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27/4 khẳng định, quân đội Ukraine vẫn đang chiến đấu tại vùng Kursk, bất chấp tuyên bố của Moscow về việc giải phóng hoàn toàn khu vực này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã sẵn sàng đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga, liên quan đến việc từ bỏ bán đảo Crimea.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio đã có cuộc điện đàm nhằm trao đổi về mối quan hệ song phương và khởi động các cuộc đàm phán nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine - hãng tin Tass của Nga cho biết vào ngày 28/4.
0