Những cải cách nổi bật của Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ Latin, đã qua đời vào ngày 21/4, hưởng thọ 88. Trong suốt quá trình chủ trì Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis đã mang lại nhiều cải cách nổi bật khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục.

Lễ tang của Giáo hoàng Francis

Là lãnh đạo tinh thần của một trong những tổ chức tôn giáo lâu đời và lớn nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ tín đồ trên toàn cầu, sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong cộng đồng Công giáo và toàn thế giới. Lễ tang của Đức Giáo hoàng Francis được tổ chức tại Quảng trường Thánh Peter, Vatican vào sáng nay 26/4, theo giờ địa phương, theo cách giản dị hơn so với các Giáo hoàng trước đây. Điều này phản ánh mong muốn của Giáo hoàng Francis khi còn sống, trở thành “môn đồ của Chúa Kitô” thay vì là “một trong những người đàn ông quyền lực của thế giới”.

Không chỉ là một sự kiện tôn giáo trọng đại, tang lễ Đức Giáo hoàng còn mang ý nghĩa ngoại giao sâu sắc. Với vai trò là người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã, đồng thời là lãnh đạo Tòa thánh Vatican, Đức Giáo hoàng đại diện cho hơn 1,4 tỷ tín đồ trên toàn thế giới. Điều này lý giải vì sao lễ tang của các Giáo hoàng luôn thu hút sự hiện diện đông đảo của các nhà lãnh đạo toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nằm trong số hàng chục nguyên thủ và quan chức cấp cao đến dự lễ tang. Chính phủ Italy ước tính có ít nhất 200.000 người nước ngoài đến Rome trong dịp này.

Tang lễ của Giáo hoàng theo truyền thống là một sự kiện được tổ chức cầu kỳ và long trọng. Tuy nhiên, vào năm 2024, Giáo hoàng Francis đã sửa đổi nghi lễ an táng dành cho Giáo hoàng, thể hiện rõ tinh thần giản dị và cải cách. Theo nghi lễ mới, Giáo hoàng được an táng trong một chiếc quan tài lót kẽm duy nhất - khác với truyền thống ba lớp (bằng gỗ bách, kẽm và cây du) của các giáo hoàng tiền nhiệm.

Giáo hoàng Francis cũng bãi bỏ truyền thống đặt thi hài Giáo hoàng trên bục cao tại Vương cung Thánh đường St Peter để công chúng kính viếng. Thay vào đó, những người thăm viếng được mời đến để tỏ lòng thành kính, trong khi thi hài của Giáo hoàng vẫn nằm bên trong quan tài được mở nắp.

“Thật xúc động, khi bước chân vào đến nhà thờ tôi đã khóc. Tôi đã từng ở đây cách đây tám năm. Khi ấy tôi đã được gặp ngài còn giờ thì ngài đã ra đi”.

Cô Fernanda Nunes, tín đồ đến từ Brazil

Giáo hoàng Francis cũng trở thành người đầu tiên an nghỉ bên ngoài Vatican sau hơn 100 năm. Nhiều người tiền nhiệm của ông an nghỉ trong hầm mộ của Vương cung Thánh đường Thánh Peter. Theo di chúc của Giáo hoàng, ông mong muốn được yên nghỉ tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rome - nơi mà ông đặc biệt gắn bó, thay vì Vương cung thánh đường Thánh Peter như nhiều vị tiền nhiệm, cùng một tấm bia đơn giản, không trang trí cầu kì, khắc tên Giáo hoàng bằng tiếng Latin: Franciscus.

“Ngay từ khi được bầu làm Giáo hoàng năm 2013, Giáo hoàng Francis đã lựa chọn lễ phục đơn sắc, giản dị, như một thông điệp cho một Giáo hội ít phô trương hơn. Tang lễ lần này là bài học cuối cùng của ngài về đức khiêm nhường”.

Nhà báo Christopher White, phóng viên Vatican của National Catholic Reporter

Những đóng góp của Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis có nhiều khác biệt rất cơ bản so với những người tiền nhiệm cả về cách thức trị vì Toà thánh Vatican lẫn quan điểm chính sách. Ông sẽ đi vào lịch sử Nhà thờ Cơ đốc giáo với tư cách là vị Giáo hoàng của người nghèo và cống hiến vì người nghèo, là nhà cải cách Nhà thờ Cơ đốc giáo.

Đức Giáo hoàng Francis tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17/12/1936 tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Ông là con cả trong một gia đình gốc Italia nhập cư. Theo tiểu sử chính thức của Giáo hoàng trên website của Vatican, ông từng tốt nghiệp kỹ thuật hóa học trước khi trở thành tu sĩ dòng Tên. Trong thời gian sau đó, ông học về thần học và triết học, được thụ phong linh mục vào năm 1969. Năm 1992, ông được Giáo hoàng John-Paul II sắc phong giám mục và đến năm 1998 trở thành Tổng giám mục Buenos Aires.

Giáo hoàng Francis bắt đầu thời kỳ đứng đầu Toà thánh Vatican với nhiều điều chưa từng thấy trong lịch sử mấy ngàn năm của Nhà thờ Cơ đốc giáo. Ông là vị giáo hoàng thứ 266 và là vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người châu Âu, mà đến từ khu vực Mỹ Latinh. Ông là vị giáo hoàng đầu tiên chủ định tìm kiếm mối quan hệ gần gũi với dân thường, sống giản dị và khiêm nhường như những người dân bình thường. Vào ngày đầu tiên trong vai trò Giáo hoàng vào tháng 3/2013, ông xuất hiện tại nơi ở của mình tại Rome trong bộ áo chùng trắng giản dị của giáo hoàng và đôi giày đen để lấy hành lý và thanh toán hóa đơn. Khi nhậm chức, ông ngay lập tức xóa bỏ hầu hết các nghi lễ của Giáo hoàng và chọn sống trong các phòng tại nhà khách Vatican thay vì dinh thự của giáo hoàng tại Thành phố Vatican.

Ông cũng là người đầu tiên bổ nhiệm các hồng y tại 27 quốc gia chưa từng có xe limousine, bao gồm Timor-Leste, Singapore, Mông Cổ và New Guinea. Ông còn đích thân đến vùng chiến sự, trả lời hàng chục cuộc phỏng vấn riêng với các nhà báo, chụp vô số ảnh với người hâm mộ và là người đầu tiên chủ trì hôn lễ cho hai tiếp viên hàng không trong một đám cưới ngẫu hứng trên máy bay.

Giáo hoàng Francis cũng tìm cách điều chỉnh nhà thờ tốt hơn để phù hợp với thế giới hiện đại đang thay đổi. Giống như các giáo hoàng trước, ông đã đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc về những gì ông coi là nguy hiểm: chiến tranh và vũ khí, hủy hoại môi trường, "văn hóa vứt bỏ", tình trạng không quan tâm đến người nghèo, người vô gia cư, người khuyết tật, người già, người di cư và người tị nạn. Ông kêu gọi hòa bình và chấm dứt mọi cuộc xung đột.

“Chúng ta hãy tưởng nhớ người đã vun đắp tình anh em, người đã xây dựng những cây cầu, người thực sự quan tâm đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Chúng ta nhớ đến chuyến viếng thăm đất Thánh của ông và mối quan tâm của ông đối với việc chấm dứt xung đột vũ trang. Chúng ta nhớ và trân trọng những cuộc gọi hàng ngày của ông đến giáo xứ ở Gaza trong những tháng gần đây. Tất cả những điều này là một phần di sản của ông, người đã sống để làm gương".

Ông Sheikh Salim Delgado, đại diện cộng đồng Hồi giáo ở Argentina

Giống như những người tiền nhiệm của mình, Giáo hoàng Francis đã thực hiện 44 chuyến công du bằng máy bay tới khoảng 65 quốc gia trên thế giới. Ông chưa bao giờ đến thăm quê hương Argentina của mình, nhưng ông đã đi đến một số quốc gia mà trước đây chưa từng có giáo hoàng nào đến thăm, bao gồm các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số là Bahrain, Iraq và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng như Myanmar, Bắc Macedonia và Nam Sudan.

Giáo hoàng Francis có những đóng góp đặc biệt vào việc xây dựng cầu nối giữa các tôn giáo trên thế giới. Điều này được thể hiện rõ nét qua chuyến công du lịch sử của ông tới bán đảo Ả Rập năm 2019 - vùng đất được coi là cái nôi của đạo Hồi.

“Tôi nghĩ Đức Giáo hoàng Francis là vị giáo hoàng gần gũi nhất với thế giới Hồi giáo, một người không quên văn kiện 'Tình huynh đệ nhân loại' mà ngài đã ký với lãnh tụ tối cao của Hồi giáo Sunni Sheikh Ahmed al-Tayeb tại Abu Dhabi vào năm 2019. Tôi đã ở đó cùng ngài khi ngài ký văn kiện quan trọng này. Tôi tin rằng toàn bộ thế giới Ả Rập đều yêu mến và tôn trọng Đức Giáo hoàng Francis, vì việc ký một văn kiện như vậy không phải là chuyện dễ dàng”.

Cha Ibrahim Faltas, tu sĩ ở Jerusalem

Giáo hoàng Francis cũng bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn, cả giáo sĩ và giáo dân, vào các vai trò lãnh đạo và tìm cách xóa bỏ "chủ nghĩa giáo sĩ" và tham nhũng tài chính tại Vatican. Ông đã thực hiện bước đi chưa từng có là cho phép đưa một hồng y ra tòa xét xử vì những cáo buộc về tài chính.

"Một nhà lãnh đạo ủng hộ cuộc chiến chống đói nghèo, ủng hộ quan điểm nhân văn về hiện tượng di cư, ủng hộ việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và chống lại sự không khoan dung khi cần thiết nhất. Tôi tin rằng thế giới sẽ nhớ lòng dũng cảm và thông điệp của ông và từ Tây Ban Nha, chúng ta sẽ tôn vinh di sản của ông".

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez

Dưới triều đại của Giáo hoàng Francis, Tòa thánh Vatican đã có những thay đổi quy định quan trọng như cho phép những người chuyển giới được rửa tội và làm cha mẹ đỡ đầu, cho phép các linh mục ban phước lành cho các cặp đôi đồng giới.

Cuộc bầu chọn giáo hoàng mới

Một điều cũng rất được quan tâm đó là cuộc bầu chọn giáo hoàng kế nhiệm. Tòa thánh Vatican bắt đầu quy trình chọn tân giáo hoàng theo một loạt thủ tục thiêng liêng lâu đời, sau thời gian để tang Giáo hoàng Francis. Việc bầu chọn đức Giáo hoàng mới được gọi là mật nghị Hồng y, bắt đầu tại Nhà nguyện Sistine của Vatican từ 15 đến 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời.

Tất cả các hồng y dưới 80 tuổi đều có thể tham gia bỏ phiếu kín. Tổng cộng 135 Hồng y đủ điều kiện trên toàn thế giới sẽ tham gia bầu chọn. Trong đó, có 110 người được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Nhóm này đa dạng hơn đáng kể so với các ứng cử viên trước đây, với sự đại diện nhiều hơn từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, phản ánh mục tiêu của Giáo hoàng Francis là mở rộng phạm vi toàn cầu của Giáo hội. Hồng y ứng viên trẻ nhất chỉ mới 45 tuổi, là Giám mục ở Australia.

Mật nghị hồng y sẽ tiến hành các vòng bỏ phiếu kín cho đến khi một ứng viên nhận được ít nhất hai phần ba số phiếu. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra trong nhiều vòng kéo dài trong nhiều ngày.

Thời gian diễn ra mật nghị hồng y có sự thay đổi đáng kể qua nhiều thế kỷ. Nhưng nếu nhìn vào khoảng thời gian 100 năm trở lại đây thì quá trình này sẽ không mất quá một tuần.

Mật nghị dài nhất gồm 14 cuộc bỏ phiếu, kéo dài năm ngày và bầu ra Giáo hoàng Pius XI vào năm 1922. Giáo hoàng Francis được bầu sau hai ngày bỏ phiếu. Người tiền nhiệm của ngài, Giáo hoàng Benedict XVI, được bầu chỉ một ngày sau khi mật nghị bầu giáo hoàng mới bắt đầu, một trong những mật nghị ngắn nhất vào thế kỷ trước, kết thúc bằng vòng bỏ phiếu thứ tư. Mật nghị ngắn nhất, là cuộc bầu chọn Giáo hoàng Pius XII năm 1939, chỉ diễn ra sau ba lần bỏ phiếu.

Khi mật nghị chọn ra một giáo hoàng mới, các hồng y sẽ hỏi liệu tân giáo hoàng có chấp nhận không và muốn lấy tông hiệu là gì. Sau khi hoàn tất, ông sẽ mặc lễ phục giáo hoàng tuyên thệ trong Nhà nguyện Sistine.

Thế giới sẽ biết một Giáo hoàng đã được bầu khi một viên chức đốt các lá phiếu giấy bằng hóa chất đặc biệt để tạo ra khói trắng bốc ra từ ống khói của nhà nguyện. Họ sử dụng các hóa chất khác để tạo ra khói đen báo hiệu một cuộc bỏ phiếu không có kết quả.

Ngay sau đó, đại diện Hồng y đoàn bước lên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter để thông báo với đám đông trên quảng trường. Sau đó, Giáo hoàng mới xuất hiện trong trang phục giáo hoàng và ban phước lành cho đám đông.

Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican, được xem là một trong những ứng cử viên tiềm năng nhất kế vị ngôi Giáo hoàng. Với kinh nghiệm ngoại giao dày dạn và mối quan hệ rộng rãi trên trường quốc tế, ông có thể là lựa chọn lý tưởng để duy trì sự ổn định và ảnh hưởng của Tòa Thánh.

Hồng y Luis Antonio Tagle, người Philippines, là một trong những gương mặt trẻ trung, năng động của Giáo hội. Ông được xem là biểu tượng của sự mở rộng ảnh hưởng Công giáo tại châu Á, khu vực có số lượng tín đồ ngày càng tăng. Nếu được bầu chọn, ông sẽ trở thành vị giáo hoàng châu Á đầu tiên.

Trong số các Hồng y đến từ Pháp tham gia Mật nghị, Tổng Giám mục Marseille, Jean-Marc Aveline, được một số hãng truyền thông quốc tế nhắc tên như một ứng viên sáng giá. Ông từng mời Đức Giáo hoàng Francis tham dự sự kiện "Gặp gỡ Địa Trung Hải" tại Marseille năm 2023 - một diễn đàn đối thoại liên tôn vì hòa bình trong khu vực. Sinh ra tại Algeria, Hồng y Aveline là người sáng lập một trường đại học dành cho các linh mục trẻ và có kiến thức sâu rộng về giáo lý Công giáo. Ông có sự gần gũi về mặt tư tưởng với Giáo hoàng Francis, đặc biệt là về vấn đề nhập cư và quan hệ với thế giới Hồi giáo.

Đa số Hồng y giáo chủ ở độ tuổi có thể tham gia mật nghị bầu giáo hoàng mới đều do Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Nhiều khả năng, vị giáo hoàng mới sẽ là người tiếp nối sứ mệnh dang dở của Giáo hoàng Francis để hướng tới một giáo hội cởi mở, hòa nhập và toàn cầu hơn. Nhưng cũng có thể là người khôi phục cách tiếp cận truyền thống và mang tính giáo lý hơn trong quá khứ. Giới quan sát nhận định đây sẽ là chủ đề gây tranh luận gay gắt tại mật nghị hồng y và kết quả sẽ định đoạt hướng đi tương lai của Tòa thánh Vatican cũng như Giáo hội Công giáo trong thế giới đang đầy biến động.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Iran đã đưa ra đánh giá tích cực nhưng thận trọng về vòng đàm phán thứ ba liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran tại Oman.

Tăng trưởng kinh tế chỉ tính bằng vài phần trăm như trước đây có thể dựa vào rất nhiều yếu tố để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn tăng trưởng hai con số trong bối cảnh mới, Việt Nam cần tập trung phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, theo các chuyên gia.

Một phần Đại lộ Champs-Elysées nổi tiếng của Thủ đô Paris, Pháp, đã bị phong tỏa vào tối 27/4, sau khi người dân nghe thấy một tiếng động lớn, khiến lực lượng chức năng lập tức sơ tán và siết chặt an ninh trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 26/4 đã chỉ trích việc Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào khu vực dân sự Ukraine những ngày gần đây.

Chính quyền Nga ngày 26/4 cho biết, họ đã bắt giữ một người đàn ông được cho là "đặc vụ tình báo Ukraine" có liên quan đến vụ nổ xe khiến Tướng Nga Yaroslav Moskalik thiệt mạng ngày 25/4.

Ông Vadim Larionov, một nghệ nhân đến từ thành phố Irkutsk, Siberia, đã biến hoá những mảnh kim loại thành nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo.