Triều Tiên lần đầu xác nhận gửi quân tham chiến ở Nga
Triều Tiên ngày 28/4 đã lần đầu tiên xác nhận về việc cử quân sang tham chiến và hỗ trợ Nga giải phóng tỉnh Kursk bị Ukraine kiểm soát từ tháng 8 năm ngoái.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA ngày 28/4 dẫn tuyên bố từ Ủy ban Quân sự Trung ương Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đưa ra quyết định triển khai quân đội theo hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện mà ông đã ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2024. Thỏa thuận này quy định hai bên sẽ hỗ trợ quân sự lẫn nhau nếu bị tấn công, cam kết ứng phó ngay lập tức "bằng mọi phương tiện có thể" theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Theo KCNA, thắng lợi của trận chiến giải phóng khu vực Kursk cho thấy "mức độ chiến lược cao nhất của tình hữu nghị chiến đấu vững chắc" giữa Triều Tiên và Nga. Tuyên bố mới từ Ủy ban Quân sự trung ương Triều Tiên đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng xác nhận việc triển khai quân đến Nga.

Tuần trước, Nga cho biết lực lượng Ukraine đã bị đánh bật khỏi ngôi làng cuối cùng mà họ chiếm giữ ở Kursk, mặc dù Kiev đã phủ nhận tuyên bố này và cho biết quân đội của họ vẫn đang hoạt động ở Belgorod, một khu vực khác của Nga giáp với Ukraine.
"Quân đội của chúng tôi tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực Kursk và Belgorod - chúng tôi đang duy trì sự hiện diện của mình trên lãnh thổ Nga", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu tối 27/4. Trong một tuyên bố trước đó, ông Zelensky thừa nhận rằng tình hình vẫn khó khăn ở nhiều khu vực bao gồm cả Kursk.
Trước đó, Kiev và các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Triều Tiên tham gia cuộc xung đột, nhưng đến cuối tuần qua, cả Bình Nhưỡng và Moscow mới chính thức xác nhận thông tin này. Các quan chức Ukraine từng ước tính rằng Triều Tiên đã gửi tổng cộng 14.000 quân, bao gồm 3.000 quân tiếp viện tới Nga. Do thiếu xe bọc thép và kinh nghiệm tác chiến bằng máy bay không người lái, binh lính Triều Tiên đã chịu thương vong nặng nề nhưng đã thích nghi nhanh chóng.
Hôm 26/4, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cũng lần đầu tiên xác nhận việc này khi nói rằng quân nhân Triều Tiên đã hỗ trợ đáng kể trong việc đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi Kursk. Trước đó, cả Nga và Triều Tiên đều chưa từng xác nhận hoặc phủ nhận việc triển khai quân.