Phiên chợ Yên cuối tháng Ba
Chợ Yên một tháng có sáu phiên, thoạt trông có vẻ đơn sơ mộc mạc, nhưng ít ai biết, chợ đã họp đều đặn ven đê sông Đáy 50-60 năm nay.
Sáu giờ sáng tháng Ba, mặt trời lên chưa quá đầu người nhưng con đường ngoài đê sông Đáy trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông nhộn nhịp hơn bởi hôm nay là ngày chợ phiên.
Chợ họp suốt từ con đường rẽ xuống đê sông Đáy, lan ra hai, ba ngã rẽ xung quanh. Người đến chợ chỉ đơn giản trải một tấm bạt rồi bày vài thứ rau quả hái vườn nhà là cũng thành một sạp hàng.
Yên Nghĩa là phường thuộc quận Hà Đông nhưng lại giáp với Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức. Bởi thế, ngày chợ phiên, kẻ mua người bán không chỉ có bà con trong phường Yên Nghĩa, bà con quanh các phường La Khê, Dương Nội, Phú La, Phú Lãm (quận Hà Đông), mà người từ Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức cũng sang họp chợ. Các mặt hàng trong chợ bởi thế cũng thêm phần đa dạng.
16 năm kể từ khi Hà Đông lên quận, Yên Nghĩa lên phường, đô thị hóa đã thay da đổi thịt đường sá, nhà cửa, phố phường, nhưng nhiều bà con vùng ven đê sông Đáy vẫn giữ nghề nông. Nhờ thế, những quầy hàng nông cụ phiên chợ nào cũng tấp nập người ra kẻ vào.
9 giờ sáng, mặt trời quá ngọn tre, cũng là thời điểm đông đúc nhất của chợ Yên. Họp trong vùng vẫn còn trồng trọt chăn nuôi nên chợ vẫn còn bán những mặt hàng như cây, con giống.
Cơn lốc đô thị hóa quét qua, làng mạc thành phố phường, ruộng vườn thành nhà ở, chỉ có chợ quê là không thay đổi, như tâm hồn người dân quê dung dị, chân chất, thật thà cũng không thay đổi. Giá các mặt hàng ở chợ Yên luôn rẻ hơn thị trường. Người bán người mua đều là người làng quen biết, chỉ lấy chút công làm lãi.
Khác với những chợ phiên khác thường họp từ rất sớm và tan cũng sớm, 11 giờ trưa, chợ Yên vẫn có nhiều người qua lại.
Một tháng 6 phiên, có những cụ ông, cụ bà đi không sót một phiên chợ nào. Đi chợ, nhiều khi chẳng phải vì cần mua cần bán, mà là để được ngắm nhìn và hòa mình vào không khí tấp nập ồn ào, được gặp gỡ, được chuyện trò thăm hỏi lẫn nhau.
Chợ Yên, đúng như cái tên của nó, yên ả êm đềm giữa thị thành hối hả.


Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội năm nay, lần đầu tiên công nghệ AI Chatbot được đưa vào tư vấn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham dự.
Nghề thổi thuỷ tinh ở Vạn Nhất đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Họ quen tay, quen việc, quen cả tiếng lửa tí tách mỗi ngày.
Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.
Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
Mỗi năm, cứ đến tháng Tư, Hà Nội lại đón mùa hoa loa kèn như một lời nhắc rằng, dù cuộc sống có đổi thay, vẫn có những điều giản dị mà đẹp đẽ sẽ quay trở lại.
Trên khu vực phố cổ Hà Nội, hầu như các nhà mặt đường đều là các cửa hàng, cửa hiệu phục vụ khách du lịch trong và nước ngoài, trong đó nhiều cửa hàng luôn luôn đông khách, đắt hàng.
0