Hà Nội giữ lửa văn hóa ẩm thực truyền thống
Hà Nội nổi tiếng là nơi hội tụ những nét tinh hoa của ẩm thực, trong đó, đặc sắc nhất là ẩm thực phố cổ. Ẩm thực Hoàn Kiếm là nơi hội tụ của sự tinh tế, hài hòa và tôn trọng cội nguồn, từ bát bún thang cầu kỳ đến chiếc bánh cuốn mềm mại, từ nồi phở bò gia truyền đến đĩa chả cá thơm lừng - tất cả đều mang theo dấu ấn của “nếp nhà” - nếp gia phong của người Hà Nội xưa.
“Nếp nhà” không chỉ là cách nấu nướng, mà là đạo lý sống; là sự chỉn chu trong từng nguyên liệu; là sự nhẫn nại trong từng công đoạn; là sự trân trọng những gì được truyền lại từ ông bà, cha mẹ. Ở nhiều gia đình trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nghề nấu ăn không phải là lựa chọn ngẫu hứng, mà là một “gia phả bằng vị giác” - nơi mỗi thế hệ đều nhận lấy trách nhiệm gìn giữ và truyền tiếp.
Có những quán ăn, tiệm bánh đã tồn tại 3-4 đời, với những công thức không ghi chép, mà chỉ trao truyền bằng mắt, bằng tay, bằng trái tim. Họ là những người giữ lửa trong từng gian bếp nhỏ - chính là linh hồn của di sản ẩm thực Hoàn Kiếm. Nhiều chuyên gia ẩm thực cho rằng, không có họ, hương vị Hà Nội sẽ nhạt dần.
Cửa hàng phở Bò Phú Xuân ra đời từ năm 1948, những khách hàng quen thuộc ăn phở 20 năm, 30 năm, thậm chí có người ăn 40 năm cũng không có gì hiếm lạ. Vì yêu vị phở đặc trưng nơi đây, các thực khách vẫn luôn ủng hộ suốt 77 năm qua.
Bà Nguyễn Thị Giới - phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng - chia sẻ: "Tôi ăn phở ở đây từ hồi còn bà cụ (chủ quán cũ), cách đây khoảng 20 năm rồi. Mặc dù nhà tôi rất xa nhưng tôi vẫn thường xuyên đến đây để ăn".
Bà Hồ Bích Thủy - quán phở Bò Phú Xuân, phố Hàng Da, quận Hoàn Kiếm - cho biết: "Nguyên liệu quan trọng nhất là thịt tươi, xương tươi, tất cả tạo nên hương vị ngon lành. Chẳng hạn như giáo sư Lê Văn Lan, ông là khách ăn ở nhà tôi từ khi ông bà tôi bán từ thời chống Pháp, đến bây giờ ông vẫn đến ăn".
Một thương hiệu gia truyền khác luôn được du khách trong và ngoài nước nhớ tới, đó chính là Café Giảng. Ra đời từ năm 1946, nơi đây trải qua bao nhiêu thăng trầm của đời sống người Hà Nội và lịch sử đất nước. Đến nay, món uống này đã trở thành một phần thân thương của Thủ đô. Chỉ cần nhắc tới cà phê trứng, người ta nhắc ngay tới Giảng, tới Hà Nội.
Anh Vũ Khắc Sơn - quản lý Café Giảng, quận Hoàn Kiếm - chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ bán cà phê, chúng tôi bán câu chuyện về cafe, câu chuyện về Hà Nội từ những 1946. Sự tiếp nối của Café Giảng đến hiện tại qua đến thế hệ thứ ba rồi và có thể 10 năm tới sẽ chuyển sang thế hệ thứ tư. Bản thân Café Giảng đang thực hiện một câu chuyện là sự gìn giữ những giá trị truyền thống".
Bà Trịnh Hồng Giang - CEO thương hiệu Bánh Gia Trịnh - cho hay: "Chúng ta được đánh giá, được đề cao thì chúng ta phải có trách nhiệm để gìn giữ những cái giá trị đấy, cũng như truyền lại cho thế hệ mai sau. Nét văn hóa của người Tràng An, người Hà Nội cũng phải thể hiện không chỉ trong món ăn mà còn trong phong cách dịch vụ, cũng như những cách truyền thông văn hóa đến với khách hàng."
Giữ gìn di sản ẩm thực không có nghĩa là cất giữ nguyên vẹn một công thức trong tủ kính. Đó là làm sao để di sản ấy tiếp tục “sống”, tiếp tục “thở”, tiếp tục lan tỏa trong một thế giới đang thay đổi từng ngày. Đây là một hành trình không chỉ đòi hỏi sự yêu nghề, mà còn là trách nhiệm của những người truyền lửa, giữ gìn hương vị đặc trưng qua nhiều thế hệ.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người giữ lửa, ẩm thực Hà Nội, đặc biệt là ẩm thực Hoàn Kiếm, sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy và lan tỏa rộng rãi, không chỉ trong nước mà còn ra thế giới, để các giá trị văn hóa ẩm thực này mãi sống cùng thời gian.


Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội năm nay, lần đầu tiên công nghệ AI Chatbot được đưa vào tư vấn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham dự.
Nghề thổi thuỷ tinh ở Vạn Nhất đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Họ quen tay, quen việc, quen cả tiếng lửa tí tách mỗi ngày.
Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.
Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
Mỗi năm, cứ đến tháng Tư, Hà Nội lại đón mùa hoa loa kèn như một lời nhắc rằng, dù cuộc sống có đổi thay, vẫn có những điều giản dị mà đẹp đẽ sẽ quay trở lại.
Trên khu vực phố cổ Hà Nội, hầu như các nhà mặt đường đều là các cửa hàng, cửa hiệu phục vụ khách du lịch trong và nước ngoài, trong đó nhiều cửa hàng luôn luôn đông khách, đắt hàng.
0