Trừng phạt Nga có đem lại hoà bình cho Ukraine?

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, đánh dấu một bước leo thang mới trong chiến lược gây áp lực kinh tế và chính trị nhằm buộc Moscow chấm dứt xung đột với Ukraine.

Tác động đối với Nga

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Anh và EU chủ yếu nhằm vào “hạm đội bóng tối”, thuật ngữ ám chỉ đội tàu vận chuyển Nga sử dụng để xuất khẩu dầu, né tránh mức giá trần 60 USD mỗi thùng do nhóm G7 áp đặt.

Trong gói trừng phạt thứ 17 của EU, 189 tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng tối” đã bị đưa vào danh sách trừng phạt, nâng tổng số tàu bị cấm cập cảng và cấm cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau lên 342. Mục tiêu của EU là làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu mỏ của Nga, từ đó giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng, vốn chiếm 30-40% ngân sách Nga.

“Điều đặc biệt nhất của gói trừng phạt này, tất nhiên là năng lượng. Trần giá dầu rõ ràng là thứ có tác động rõ ràng đến nền kinh tế Nga.”

Bà Kaja Kallas - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU

Ngoài “đội tàu bóng tối”, gói trừng phạt mới của EU cũng bổ sung 75 cá nhân và tổ chức Nga vào danh sách đen, nhắm vào các linh kiện thiết yếu phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, bao gồm hóa chất, vật liệu và các hàng hóa dùng trong dân sự và quân sự. Ngoài ra, 30 công ty tại các quốc gia thứ ba bị cáo buộc hỗ trợ Nga “lách” lệnh trừng phạt bị cấm giao dịch với EU, đóng băng tài sản và cấm nhân viên cấp cao nhập cảnh vào EU.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Anh đã đưa 100 thực thể, gồm 20 cá nhân, 62 tổ chức và 18 tàu được cho là có liên quan đến các chuyến vận chuyển dầu của Nga vào danh sách đen.

Không dừng lại ở đó, các quan chức EU đang tiếp tục thảo luận về gói trừng phạt thứ 18 - có thể nhắm tới các đường ống dẫn khí, ngân hàng và siết chặt hơn nữa doanh số xuất khẩu năng lượng toàn cầu của Nga.

“Chúng tôi sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán. Chúng tôi đang thực hiện một loạt lệnh trừng phạt tiếp theo. Các yếu tố chính của gói này sẽ bao gồm, ví dụ, các lệnh trừng phạt đối với các đường ống Phương Bắc 1 và Phương Bắc 2, tiếp tục đưa các tàu chở dầu thuộc 'hạm đội bóng tối' vào danh sách đen, hạ trần giá dầu, và nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với lĩnh vực tài chính của Nga, vì chúng tôi muốn hòa bình và đã đến lúc phải nghiêm túc thực hiện điều đó.”

Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy Ban châu Âu

Đối mặt trước áp lực từ EU, Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không mang lại tác động như mong đợi tới nền kinh tế Nga. Ngày 13/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa nhấn mạnh rằng Moscow sẽ không bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt mới.

“Chúng ta không nên lo sợ. Bất kỳ ai bắt đầu sợ sẽ thua ngay lập tức. Nhưng chúng ta nên hiểu những gì đang diễn ra. Và chúng ta nên chuẩn bị cho bất kỳ hành động nào có thể xảy ra.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo các chuyên gia Nga, sẽ không có thay đổi nào trên thị trường sau khi các biện pháp trừng phạt mới của EU và Anh được áp dụng, bởi châu Âu vốn chỉ đang lặp lại các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt vào ngày 10/1 dưới thời chính quyền trước.

Các chuyên gia phương Tây nhận định việc EU nhắm vào “hạm đội bóng tối” có thể làm suy giảm doanh thu từ dầu mỏ, nguồn thu nhập chính của Nga từ 10-15 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, theo dõi hoạt động những con tàu “bóng tối” này sẽ không phải việc dễ dàng. Bất chấp các lệnh trừng phạt, có một thực tế là hạm đội ngầm này vẫn không thay đổi và trên thực tế có thể được bổ sung liên tục. Luôn có những chủ tàu, cả ở các nước phương Tây, sẵn sàng bán những con tàu đã đến tuổi nghỉ hưu của họ cho “hạm đội bóng tối”, qua đó làm suy yếu lệnh trừng phạt chống Nga.

Khi sự hòa hợp xuyên Đại Tây Dương bị lung lay

Gói trừng phạt thứ 17 của EU là một bước đi với mục tiêu rõ ràng là làm suy yếu nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, khác với những lần trước, lần này gói trừng phạt mới nhất của EU và Anh đã không nhận được sự hưởng ứng từ Washington. Trong khi châu Âu tăng cường áp lực đối với Nga, thì Mỹ lại đang cho thấy tín hiệu “đổi chiều”. Trong bối cảnh sự hoà hợp giữa hai bờ Đại Tây Dương bị lung lay, giới quan sát cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU sẽ chỉ có tác động hạn chế.

Bên lề cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 tại Canada tuần này, Mỹ đã phản đối cách sử dụng ngôn từ trong một tuyên bố chung đề cập đến việc “hỗ trợ thêm” cho Ukraine. Mỹ cũng bày tỏ miễn cưỡng trong việc gọi cuộc chiến tại Ukraine là “bất hợp pháp”, khiến Washington ngày càng xa cách hơn với các đối tác G7 của mình.

Trước đó, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/5, Nhà Trắng đã rút lại yêu cầu Nga ngừng bắn ngay lập tức. Tổng thống Trump cũng nói về việc Washington có thể lùi bước trong các cuộc đàm phán hòa bình và cuối cùng là khởi động lại hoạt động thương mại với Nga. Vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ cũng quyết định chưa áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga, dập tắt hy vọng của các nhà lãnh đạo châu Âu và Kiev, những người đã vận động ông trong nhiều tuần để gia tăng áp lực lên Moscow.

“Tôi nghĩ rằng vẫn có cơ hội để thực hiện được điều gì đó. Nếu các ông làm vậy, các ông có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn nhiều. Nhưng có thể sẽ có lúc điều đó xảy ra.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo giới quan sát, EU sẽ không thể thay thế hoàn toàn sức mạnh của Mỹ trong việc gây áp lực kinh tế lên Moscow. Bởi phần lớn tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ đến từ sự thống trị của đồng đô la trong thương mại toàn cầu, mà đồng euro không thể sánh kịp. Mặt khác, một số quốc gia có thể sẽ tích cực lách các lệnh trừng phạt và trong một số trường hợp, thậm chí còn bỏ qua chúng.

“Những lá bài chúng ta vẫn phải chơi phần lớn bao gồm các biện pháp mà chúng ta cần có sự tham gia của Mỹ. Các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngừng mua nhiên liệu hóa thạch của Nga nếu không có sức ép trừng phạt thứ cấp của Mỹ”.

Ông Benjamin Hilgenstock - Viện nghiên cứu KSE có trụ sở tại Kiev, Ukraine

Hệ lụy với EU và thế giới

Theo giới quan sát, trong hơn 3 năm nổ ra xung đột Nga - Ukraine, theo nhiều cách, EU đã sử dụng hết những quân bài tốt nhất của mình để trừng phạt Nga và có vẻ bắt đầu phải loay hoay tìm các quân bài mới, đặc biệt vào thời điểm Washington tỏ thái độ miễn cưỡng tham gia khi họ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các biện pháp trừng phạt chống Nga còn có thể gây phản tác dụng, tiềm ẩn những hệ lụy đối với EU và thị trường toàn cầu.

Theo giới quan sát, việc EU áp đặt trừng phạt với “Hạm đội bóng tối” có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá dầu lên cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, bao gồm cả EU.

Mặc dù EU đã giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, các nước như Hungary và Slovakia vẫn nhập khẩu khí đốt Nga, trong khi Tây Ban Nha, Hà Lan và Bỉ hiện đang nhập khẩu nhiều khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) từ Nga hơn so với một năm trước. Lo ngại giá năng lượng tăng có thể làm ảnh hưởng đến lạm phát, một số quốc gia đã bày tỏ phản đối các lệnh trừng phạt quá cứng rắn đối với Nga.

“Các nhà máy hóa dầu của chúng tôi được xây dựng để sử dụng dầu của Nga, và việc dừng lại có thể gây ra các vấn đề về kỹ thuật và công nghệ. Tôi hy vọng rằng các đối tác của chúng tôi từ EU sẽ nghĩ về điều này khi thông qua các luật liên quan đến 'tái cung cấp năng lượng'. Nếu cần tất cả 27 quốc gia đồng ý, chúng tôi sẽ sử dụng quyền phủ quyết đối với lệnh cấm nhập khẩu mọi loại tài nguyên năng lượng từ Nga.”

Thủ tướng Slovakia Robert Fico

Trong khi đó, đối với thế giới, giá dầu tăng có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển, làm tăng lạm phát và bất ổn kinh tế. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đối với các công ty bên thứ ba có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời khiến mối quan hệ giữa EU và các quốc gia có công ty bị trừng phạt thứ cấp trở nên căng thẳng.

Ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã thúc giục EU từ bỏ “tiêu chuẩn kép” về quan hệ kinh tế và thương mại với Nga, nói rằng hầu hết các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia ở châu Âu cũng như Mỹ, vẫn tiếp tục giao dịch với Nga. Bà cũng cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối lệnh trừng phạt “vô lý” của EU đối với các công ty Trung Quốc.

Trừng phạt có mang lại hoà bình?

Các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến nền kinh tế Nga bị cô lập hơn nữa và làm gián đoạn các nguồn thu của Moscow, từ đó buộc Moscow chấp thuận một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày tại Ukraine. Nhưng liệu điều đó có đủ sức gây áp lực đối với Nga?

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, tài chính và công nghiệp quân sự của Moscow. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã nhanh chóng vượt qua EU trong vài năm gần đây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, GDP của Nga đã tăng 3,6% trong năm 2023 và 2024, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của EU lần lượt là 0,6% và 1,1%.

Việc nền kinh tế Nga đứng vững giữa “bão” cấm vận của phương Tây, trước hết là nhờ những chính sách kịp thời của chính phủ nước này. Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế, thông qua các chính sách như tăng mạnh lãi suất và triển khai các biện pháp kiểm soát vốn để nâng giá đồng ruble.

Bên cạnh đó, Moscow đã có sự chuẩn bị trước và có trữ lượng lớn vàng, ngũ cốc, dầu mỏ. Giá dầu cao và chi tiêu quân sự tăng mạnh đã góp phần giúp giảm tác động của lệnh trừng phạt của phương Tây. Cùng với đó, Moscow cũng có nhiều quốc gia đối tác giúp nước này lách qua các lệnh trừng phạt.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Nga gần như chắc chắn vẫn đủ mạnh để tiếp tục duy trì cuộc chiến tại Ukraine trong tương lai gần và Moscow sẽ có đủ năng lực để chống lại áp lực tài chính từ phương Tây trong việc yêu cầu Moscow đồng ý ngừng bắn.

“Nền kinh tế Nga có thể tiếp tục hỗ trợ cho cuộc chiến này và đây sẽ không phải là vấn đề lớn đối với Tổng thống Putin khi cân nhắc đàm phán hay ngừng bắn”.

Ông Janis Kluge, Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức

Nga hiện chi 8% GDP hàng năm cho quốc phòng: chỉ hơn một nửa so với mức 12-14% tổng sản lượng mà Liên Xô chi trong Chiến tranh Lạnh, và thấp hơn nhiều so với mức 60% GDP mà Moscow phân bổ cho quân đội trong Thế chiến II. Trong khi đó, đối với châu Âu, khả năng áp đặt thêm lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ phụ thuộc vào khả năng của liên minh này trong việc chịu đựng các hậu quả kinh tế.

“Nói chung, tôi không nghĩ rằng có lệnh trừng phạt nào có thể gây hại cho đối thủ của bạn mà không gây hại cho chính bạn. Câu hỏi thích hợp cho châu Âu là: Bạn sẵn sàng chịu đựng bao nhiêu đau đớn khi gây đau đớn cho kẻ thù của mình?"

Ông Alexander Kolyandr - Trung tâm phân tích chính sách châu Âu

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán Nga - Ukraine vẫn bế tắc, gói trừng phạt thứ 17 là một tín hiệu mạnh mẽ về lập trường của EU, nhưng liệu nó có thể thay đổi cục diện xung đột hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Thống kê cho thấy từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga đã phải chịu hơn 21.600 lệnh trừng phạt và việc bổ sung thêm các lệnh trừng phạt mới sẽ khó có thể thay đổi tình thế. Một số nhà quan sát dự đoán khả năng xung đột Nga – Ukraine sẽ còn tiếp diễn vào cuối năm nay là 60%. Nga mới đây đã bác bỏ khả năng đồng ý ngừng bắn vô điều kiện với Kiev, nhấn mạnh các cuộc đàm phán hoà bình phải giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc xung đột, bao gồm cả nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, một động thái mà Nga coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ukraine đã đưa 390 công dân trở về từ Nga vào tối 23/5 (giờ Việt Nam), trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận trao đổi tù binh chiến tranh mà hai bên đạt được tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Một công ty cung cấp ong chúa tại Chile đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, được đánh giá cao tại nhiều quốc gia châu Âu và gần đây bước vào thị trường Trung Mỹ đầy tiềm năng.

Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, đánh dấu một bước leo thang mới trong chiến lược gây áp lực kinh tế và chính trị nhằm buộc Moscow chấm dứt xung đột với Ukraine.

Iran và Mỹ bắt đầu vòng đàm phán gián tiếp thứ 5 về chương trình hạt nhân, diễn ra vào ngày 23/5 tại Rome, Italy với sự trung gian của Oman.

Lầu Năm Góc ngày 23/5 đã bác bỏ thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét giảm quân số của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Nga và Ukraine đang tích cực chuẩn bị bản ghi nhớ về một thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn.