Mối quan hệ Mỹ - Israel đang rạn nứt?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến công du đầu tiên đến Trung Đông, tuy nhiên, ông không có kế hoạch ghé thăm Israel, làm dấy lên những nghi ngờ liệu có phải mối quan hệ Mỹ - Israel đang rạn nứt?

Israel bị gạt ra ngoài

Giống như nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên tại Nhà Trắng, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Trump trong nhiệm kỳ này vẫn là tới Trung Đông. Tuy nhiên, ông Trump đã không sắp xếp đến thăm Israel trong chuyến đi này như cách đây tám năm, trong bối cảnh Israel tiếp tục mở rộng cuộc chiến ở Gaza. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào tuần trước rằng ông sẽ thăm Israel vào một dịp khác.

Chúng tôi không có kế hoạch dừng lại ở Israel. Nhưng chúng tôi sẽ thực hiện vào một thời điểm nào đó, không phải trong chuyến đi này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc ông Trump không đưa Israel vào lịch trình của mình đã thu hút sự chú ý. Theo các chuyên gia, điều này thực ra không bất ngờ. Ông Trump có thể biết rằng với việc Israel chuẩn bị mở rộng cuộc chiến ở Gaza, thì triển vọng ngừng bắn toàn diện vẫn có vẻ xa vời. Với tính cách thực dụng của ông Trump, ông sẽ không đến Israel vào thời điểm mà nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại đây chưa đem lại kết quả.

Trong những tuần gần đây, câu hỏi về mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thu hút sự chú ý, đặc biệt là sau hàng loạt động thái bất ngờ của Mỹ tại Trung Đông.

Vài ngày sau khi công bố kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự ở Gaza, văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, họ đã được Mỹ thông báo về một thỏa thuận thả con tin người Mỹ gốc Israel Edan Alexander, sau các cuộc đàm phán giữa Washington và Hamas, với sự trung gian của Ai Cập và Qatar, mà không có sự tham gia của Israel.

Việc con tin người Mỹ gốc Israel được thả tiếp thêm niềm hy vọng cho người nhà của những con tin Israel chưa được thả, tuy nhiên, cũng gây thất vọng về cách chính quyền Israel giải quyết vấn đề này. Ông Netanyahu và chính phủ của ông đã phải đối mặt với sự chỉ trích của công chúng rằng hai đồng minh đang có những ưu tiên khác nhau và Israel đang bị gạt sang một bên.

Tôi rất vui. Một trong số những con tin cuối cùng cũng trở về. Nhưng thật khó chịu khi nước Mỹ phải làm nhiệm vụ của chúng ta để đưa anh ta trở về. Đáng lẽ chúng ta cần đưa anh ta trở về sớm hơn. Chính phủ của chúng ta cần nhận ra rằng phải hành động phù hợp. Ông Trump không được phép làm công việc của chúng ta. Đây là phần đáng buồn của vấn đề.

Ông Guy Barnatan - Người dân Israel.

Hamas cho biết, họ thả Alexander như một cử chỉ thiện chí với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố sẽ không có lệnh ngừng bắn và các kế hoạch tăng cường hành động quân sự ở Gaza vẫn tiếp tục. Israel chỉ tạm dừng giao tranh vài giờ để cho con tin này đi qua an toàn.

Không chỉ bị bất ngờ về vấn đề con tin ở Gaza, mà vào tuần trước, việc Mỹ tuyên bố sẽ ngừng ném bom Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, vài ngày sau khi một tên lửa của Houthi tấn công gần sân bay chính của Israel, đã khiến ông Netanyahu tức giận.

Quyết định về Houthi, vốn không được thảo luận trước với Israel, đã làm tăng thêm sự lo lắng của Israel về các cuộc đàm phán của Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Quyết định này cũng có thể làm giảm hiệu quả bất kỳ hành động quân sự nào của Israel chống lại kẻ thù không đội trời chung của mình.

Israel đã dựa vào sự hỗ trợ về quân sự và ngoại giao của Mỹ kể từ khi thành lập với tư cách là một quốc gia độc lập vào năm 1948. Vì vậy, Ông Netanyahu không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận quyết định về Houthi.

Sau tuyên bố của Mỹ, ông Netanyahu cho biết, "Israel sẽ tự bảo vệ mình". Trước đây, Israel đã tiến hành các cuộc không kích chung với Mỹ chống lại Houthi, nhưng hai ngày liên tiếp Israel tấn công Yemen vào đầu tháng này là do Israel thực hiện một mình.

Nếu những người khác tham gia cùng chúng tôi - những người bạn Mỹ của chúng tôi - thì càng tốt. Nếu họ không tham gia, chúng tôi vẫn sẽ tự bảo vệ mình.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo cựu đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Dennis Ross, thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Houthi đã gạt chính phủ Israel sang một bên: “Ông Netanyahu không biết gì khi Mỹ bắt đầu đàm phán với Hamas vào tháng 3 và chỉ biết về các cuộc đàm phán hạt nhân của Mỹ với Iran khi ông Trump đưa ra thông báo khi họ gặp nhau tại Phòng Bầu dục vào tháng trước. Lệnh ngừng bắn giữa Mỹ và Houthi là một ví dụ nữa cho thấy mối quan tâm với Israel là một cân nhắc cấp ba đối với Nhà Trắng (nếu có).

Điều khiến Thủ tướng Israel tức giận hơn nữa là ông Trump từ chối ủng hộ một cuộc tấn công quân sự vào Iran.

Về vấn đề hạt nhân Iran, ông Netanyahu tin rằng, bây giờ là cơ hội để phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của Iran vốn được coi là mối đe dọa với Israel trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ông Trump tin rằng có cơ hội loại bỏ mối đe dọa từ việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân bằng cách đạt được một thỏa thuận.

Tuần trước, ông Trump phát biểu rằng, ông vẫn chưa quyết định có cho phép Iran duy trì khả năng làm giàu uranium trong thỏa thuận hạt nhân mới hay không, điều này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ ông Netanyahu. Ngày hôm sau, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Israel Demer đã bày tỏ mối quan ngại với đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Witkoff, nhấn mạnh rằng Israel phản đối bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Iran làm giàu uranium.

Israel phải đối mặt với sự báo động hơn nữa sau khi Mỹ không còn yêu cầu Ả rập Xê út bình thường hóa quan hệ với Israel như một điều kiện để tiến triển trong các cuộc đàm phán hợp tác hạt nhân dân sự. Trong chuyến thăm đến Ả rập Xê út, ông Trump đã công khai một loạt các hiệp ước kinh tế và quốc phòng với nước này trị giá hàng trăm tỷ USD, nhưng không hề đề cập đến Israel trong các thông báo.

Việc Israel bình thường hóa quan hệ với Ả rập Xê út là một mục tiêu chính của ông Netanyahu. Các đời Tổng thống Mỹ trước ông Trump cũng đã nhiều lần cố gắng làm trung gian hòa bình giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập. Tuy nhiên, mục tiêu này hiện nay dường như đã bị trì hoãn vô thời hạn, gây tổn hại đến vị thế của Israel trên trường quốc tế.

Bà Anna Jacobs - Thành viên không thường trú tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập cho hay: "Chính quyền Trump đã nói rõ rằng, họ sẵn sàng tiến hành các thỏa thuận quan trọng với Ả rập Xê út mà không cần điều kiện trước đó là bình thường hóa quan hệ Ả rập Xê út - Israel. Điều này có thể phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của chính quyền Trump đối với hành động quân sự của Israel trên khắp khu vực, đặc biệt là ở Gaza".

Một động thái mới nhất gây bất ngờ của ông Trump trong chuyến thăm Trung Đông là tuyên bố sẽ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Syria. Phát biểu về quyết định này ngày 14/5, ông Trump nhấn mạnh, "hiện tại là lúc để Syria tiến về phía trước” sau khi chính quyền cũ của cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ thể hiện sự thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và thương mại nước ngoài khi Syria tiến hành tái thiết. Phản ứng quốc tế hầu hết hoan nghênh quyết định dỡ bỏ trừng phạt của Tổng thống Trump là một "điểm ngoặt quyết định" với Syria.

Riêng đối với Israel, chính phủ nước này đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Động thái bất ngờ của ông Trump diễn ra trong bối cảnh Israel nghi ngờ sâu sắc về nhà lãnh đạo mới của Syria Ahmed Al-Sharaa. Các quan chức Israel vẫn một mực cho rằng, ông Sharaa là một chiến binh thánh chiến, mặc dù ông đã cắt đứt quan hệ với al Qaeda vào năm 2016.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, quân đội Israel đã chiếm đóng lãnh thổ Syria gần Cao nguyên Golan, nơi Israel đã chiếm đóng từ năm 1967, đồng thời thực hiện các cuộc không kích thường xuyên vào quốc gia này.

Trong khi đó, các quan chức Syria đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng hòa hoãn và thậm chí là hòa bình với Israel.

Israel không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ?

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay, ông và Thủ tướng Israel Netanyahu đã duy trì thỏa thuận chặt chẽ về một số vấn đề quan trọng, như Houthi, hạt nhân Iran hay vấn đề Gaza, phù hợp với lợi ích của Israel. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ và Israel, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Netanyahu đã trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây khi họ ngày càng chia rẽ về các chiến lược giải quyết hàng loạt vấn đề, khiến mối quan hệ giữa Mỹ với Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đứng trước ngã ba đường.

Các chuyên gia cho rằng, bằng cách bỏ qua Israel trong chuyến đi Trung Đông và không ưu tiên bình thường hóa quan hệ Israel - Ả Rập Xê Út, ông Trump đang thúc đẩy theo đuổi tầm nhìn của riêng mình tại khu vực này.

Ông Trump đã ca ngợi các nhà lãnh đạo vùng Vịnh mà ông cho biết đang xây dựng một Trung Đông "nơi những người dân thuộc các quốc gia, tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau cùng nhau xây dựng các thành phố - chứ không phải ném bom cho đến khi sự tồn tại của nhau biến mất".

Tương lai đó có vẻ trái ngược với những gì Israel đang tìm kiếm: khẳng định vai trò dẫn đầu trong khu vực bằng các chiến dịch ném bom dài hạn, bao gồm cả ở Gaza, Lebanon, Syria và Yemen.

Điều này cho thấy chiến lược của Israel không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược của ông Trump tại Trung Đông.

Ông Netanyahu không có những gì mà ông Trump muốn, cần hoặc có thể cho ông Trump, trái ngược với những gì mà Ả rập Xê út, Qatar hay UAE có.

Ông Alon Pinkas - Cựu quan chức ngoại giao Israel.

Các quốc gia Ả Rập giàu có tại khu vực này đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào Mỹ và có thể công bố các giao dịch mua vũ khí lớn, mà ông Trump có thể coi là chiến thắng cho ngành sản xuất của Mỹ.

Tiến sĩ Kristian Coates Ulrichsen, nghiên cứu viên về Trung Đông tại Viện Baker chia sẻ: "Đây có thể là tín hiệu cho thấy Nhà Trắng thấy giá trị hơn nhiều trong việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ thương mại và chiến lược với các quốc gia vùng Vịnh vào thời điểm hiện tại, vì Israel vẫn đang sa lầy trong xung đột".

Sau hàng loạt các động thái của Mỹ tại Trung Đông mà dường như không xem xét đến lợi ích của Israel, giới quan sát cho rằng những điều này có thể tác động đến mối quan hệ Mỹ - Israel.

Khaled Elgindy - Chuyên gia về Palestine và Israel tại viện Trung Đông cho biết: "Ông Trump đang nói rõ bằng lời nói và hành động rằng lợi ích của Mỹ và Israel không phải là một và giống nhau. Điều đó là sự thay đổi rất quan trọng vì trước đây ông Biden đã không làm như vậy".

Mặc dù có nhiều năm là người ủng hộ quốc tế mạnh mẽ nhất của ông Trump, nhưng ông Netanyahu hiện nay lại không có nhiều quân bài trong tay.

Dưới thời các chính quyền Dân chủ tại Mỹ, ông Netanyahu đã sử dụng những người ủng hộ đảng Cộng hòa để gây áp lực lên Nhà Trắng. Nhưng ông Netanyahu chưa bao giờ chỉ trích ông Trump một cách công khai. Đến nay ông Netanyahu đã không có nhiều ảnh hưởng ở Washington.

Các quan chức Israel đã nói rằng, họ nhận thức được những rủi ro đối với Israel ở một tổng thống khó đoán như ông Trump và một người không hề ngần ngại quay lưng lại với các đồng minh lịch sử của Mỹ.

Trước những đồn đoán về sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai nước, các quan chức ngoại giao của cả hai nước đã có những tuyên bố xoa dịu mối lo ngại này.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar cho rằng, Israel và Mỹ “có một lập trường chung rất lớn, thậm chí nhiều hơn so với trước đây". Tuần trước, đại sứ Mỹ tại Israel Mike Huckabee cũng đã phủ nhận việc ông Trump đang xa lánh Israel. Ông cho biết mối quan hệ này thường được mô tả là vững như bàn thạch và "vẫn có hiệu lực".

Tuy vậy, giới quan sát tin rằng nếu xu hướng thay đổi dư luận tiếp diễn trong một thời gian dài có thể dẫn đến việc suy yếu sự ủng hộ thực sự của Mỹ dành cho Israel, bao gồm cả việc làm nguội lạnh quan hệ ngoại giao và cắt giảm viện trợ quân sự.

Trong nhiều năm, Israel là quốc gia nhận được nhiều viện trợ quân sự nhất từ Mỹ. Sự ủng hộ ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel trên trường quốc tế là một trong những yếu tố cốt lõi của mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, điều này dường như đang thay đổi khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Việc ông Trump có những hành động đi ngược lợi ích của Israel cho thấy Israel không còn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ nữa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Israel mà còn có thể tác động không nhỏ đến cục diện chính trị tại khu vực này, trong bối cảnh Israel là trung tâm của nhiều điểm nóng trong khu vực.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Peru Dina Boluarte đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tư pháp Eduardo Arana làm thủ tướng mới của nước này vào ngày 14/5, chỉ một ngày sau khi ông Gustavo Adrianzen từ chức.

Tập đoàn xe điện hàng đầu Trung Quốc - BYD sắp mở nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở miền Nam Hungary, với kế hoạch sản xuất cả xe điện và xe lai sạc điện bắt đầu từ nửa cuối 2025.

Mỹ không muốn mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm nay, theo hãng tin ANSA.

Quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố được coi là “một quyết định mang tính lịch sử và đầy dũng cảm”, theo phát biểu của Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Thổ Nhĩ Kỳ để chia sẻ tầm nhìn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời “phối hợp lập trường trong tuần lễ mang tính quyết định”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phác họa quan điểm chính sách của mình đối với khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh trong bài phát biểu tại một diễn đàn đầu tư,nhân chuyến thăm Ả Rập Xê Út.