Sự thay đổi hình thái của chiến tranh trên không
Cuộc không chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II
Ngày 7/5, Ấn Độ phát động chiến dịch Sindoor, nhắm vào 9 mục tiêu mà nước này gọi là “hạ tầng khủng bố” trên lãnh thổ Pakistan và khu vực do Islamabad kiểm soát tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir. Theo New Delhi, động thái này nhằm đáp trả vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng gần thị trấn Pahalgam hôm 22/4. Ấn Độ cho rằng Pakistan hậu thuẫn nhóm vũ trang gây ra vụ tấn công, trong khi Islamabad bác bỏ lời cáo buộc.

Một nguồn tin an ninh Pakistan nói với CNN rằng khoảng 125 máy bay chiến đấu của Ấn Độ và Pakistan đã tham gia vào trận không chiến kéo dài hơn một giờ. Nếu số lượng máy bay được xác nhận, đây có thể là một trong những trận không chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Quy mô của cuộc không chiến nhấn mạnh mức độ dữ dội của cuộc xung đột giữa hai đối thủ cùng sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như một số lực lượng quân sự chính quy lớn nhất thế giới.
Cuộc chạm trán ở cự ly ngoài tầm nhìn
Theo báo cáo tác chiến của không quân Pakistan (PAF), trong cuộc không chiến diễn ra ngày 7/5, mặt trận giao tranh trên không kéo dài gần 750 km từ vùng cao nguyên Kashmir ở phía Bắc đến sa mạc Thar ở phía Nam.
Cuộc chạm trán diễn ra ở cự ly ngoài tầm nhìn (BVR) và không quân Ấn Độ áp đảo về số lượng. Trong giai đoạn đầu tiên, Ấn Độ triển khai 60 máy bay, trong đó có 14 tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất, và dần tăng số lượng lên 72 chiếc trong suốt chiến dịch.
Tuy nhiên, PAF cho hay họ đã phát hiện và xác định các mục tiêu đối phương gần như ngay lập tức sau khi những tiêm kích này cất cánh. Theo đó, Pakistan đã điều động 42 chiến đấu cơ để phản công, gồm các mẫu tiêm kích J-10CE, JF-17 và F-16. Trong đó, tiêm kích F-16 không trực tiếp tham chiến, do quy định của Mỹ, bên bán loại máy bay này cho Pakistan. PAF cho biết mục tiêu chính mà họ nhắm tới là bắn hạ Rafale, loại máy bay có khả năng chiến đấu tốt nhất trong biên chế không quân Ấn Độ.
Trong trận không chiến kéo dài hơn một giờ, tiêm kích hai bên đã phóng tên lửa vào nhau mà không nhìn thấy đối phương, chủ yếu sử dụng dữ liệu từ radar để dẫn đường cho tên lửa. Các máy bay này cũng không vượt qua biên giới, nhằm tránh nguy cơ bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương, khiến phi công bị bắt làm tù binh.
Sau cuộc không kích, quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ, bao gồm 3 máy bay Rafale do Pháp sản xuất và 2 máy bay Su-30MKI và MiG-29 do Nga sản xuất, bên trong Ấn Độ, ngoài ra còn có một máy bay không người lái chiến đấu IAI Heron do Israel sản xuất.
Pakistan đã cung cấp tọa độ của các địa điểm rơi máy bay, các cuộc trò chuyện của phi công Ấn Độ, dữ liệu radar để xác nhận và cũng chia sẻ một số thông tin chi tiết về các khía cạnh của trận chiến chưa từng có này. Theo đó, hầu hết các máy bay của Ấn Độ bị bắn hạ trên bầu trời Kashmir, gồm hai chiếc Rafale, một chiếc MiG-29 và một chiếc Su-30MKI. Một chiếc Rafale khác của Ấn Độ bị bắn hạ ở bang Punjab, cách đó 350 km về phía nam. Tất cả các máy bay bị bắn hạ đều rơi xuống lãnh thổ Ấn Độ.
Pakistan không đề cập đến tổn thất của mình. Trong khi đó, Ấn Độ phủ nhận tuyên bố của Islamabad rằng máy bay phản lực của họ đã bị bắn hạ. Theo Reuters, Ấn Độ đã sử dụng máy bay chiến đấu Rafale hiện đại do Pháp sản xuất trong chiến dịch Sindoor.
“Đây là một máy bay rất hiện đại trong kho vũ khí của Ấn Độ và là một trong những máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới. Việc Ấn Độ mua máy bay này là một điểm then chốt trong quá trình hiện đại hóa Không quân Ấn Độ”, ông Walter Ladwig, nhà nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), tổ chức nghiên cứu quốc phòng và an ninh hàng đầu của Vương quốc Anh, phát biểu với Newsweek.

Việc sử dụng tên lửa tiên tiến và máy bay chiến đấu hiện đại đã mở rộng khái niệm truyền thống về không chiến. Nếu như trước đây không chiến vốn chỉ được định nghĩa là các chuyển động tầm gần thì giờ đây còn bao gồm các kịch bản tầm xa được mô tả là ngoài tầm nhìn (BVR).
Theo CNN, trong cuộc không chiến ngày 7/5, tên lửa tầm xa đã được hai bên phóng đi từ khoảng cách hơn 100 dặm (160 km). Tên lửa BVR đã thống trị các cuộc giao tranh không đối không trong những thập kỷ gần đây, với kết quả ngày càng phụ thuộc vào cả khả năng cơ động và các biện pháp phòng thủ.
“Ngay cả 20 năm trước, trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, các cảm biến, vũ khí và mạng lưới tốt hơn đã khiến không chiến tầm gần ít phổ biến hơn và sự nhanh nhẹn của máy bay chiến đấu ít quan trọng hơn”, cựu sĩ quan Không quân Mỹ và nhà phân tích quốc phòng John Stillion đã viết trong báo cáo năm 2015 cho Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA).
Theo giới quan sát, với các hệ thống tên lửa có thể theo dõi mục tiêu từ cách xa hàng km, các quốc gia đang đổ nguồn lực vào công nghệ tàng hình, điện tử hàng không tiên tiến và chiến tranh điện tử. Thực tế này đang định hình lại học thuyết cho một chiến trường không còn có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Sự xuất hiện của máy bay chiến đấu Trung Quốc
Phát ngôn viên quân đội Pakistan xác nhận họ đã sử dụng tên lửa không đối không tầm xa PL-15E gắn trên chiến đấu cơ J-10CE để vô hiệu hóa tiêm kích Rafale của Ấn Độ. Cả tên lửa PL-15E và tiêm kích J-10CE đều do Trung Quốc sản xuất và bán cho Pakistan.

Pakistan sở hữu khoảng 20 máy bay phản lực J-10C và đã đặt hàng thêm 36 chiếc nữa. Loại máy bay này được coi là xương sống của không quân Pakistan. J-10C được đánh giá cao về công nghệ: radar AESA, hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), cảnh báo radar, hỗ trợ điện tử và liên kết dữ liệu. J-10C được cho là có thể cạnh tranh với các máy bay thế hệ 4 tiên tiến của phương Tây như F-16 hay Gripen, đồng thời vượt trội về khả năng tàng hình radar, hồng ngoại và kích thước so với dòng Su-27 của Nga.
Còn tên lửa PL-15 sử dụng cho tiêm kích J-10CE được chuyên gia quân sự của Anh đánh giá là có hiệu suất tương đương tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM của Mỹ và vượt trội hơn tên lửa R-77 của Nga. Tên lửa PL-15 sử dụng radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) thu nhỏ và động cơ tên lửa hai xung, có tầm bắn khoảng 200km (phiên bản xuất khẩu bị giới hạn ở 145km).
Trong khi đó, Rafale do Pháp sản xuất, là tiêm kích phản lực đa năng hai động cơ, ứng dụng thiết kế cánh chính tam giác cùng cánh phụ phía trước để tăng lực nâng và khả năng cơ động. Được trang bị nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao, tiêm kích Rafale có thể thực hiện các nhiệm vụ đa dạng như chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm xa, trinh sát, yểm trợ mặt đất, công kích sâu trong lãnh thổ đối phương và diệt hạm.
Năm 2016, Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 8,7 tỷ USD với Pháp để mua 36 chiến đấu cơ Rafale. Giới chuyên gia ước tính mỗi chiếc Rafale của Ấn Độ có giá khoảng 140-150 triệu USD, do được chế tạo và lắp đặt nhiều hệ thống theo yêu cầu riêng của New Delhi. Số tiền còn lại trong hợp đồng được dành cho phụ tùng, bảo dưỡng, vũ khí trang bị và huấn luyện cho quân nhân Ấn Độ.
Đây là lần đầu tiên dòng máy bay 27 năm tuổi của Trung Quốc tham gia chiến đấu và cũng là lần đầu tiên tiêm kích Rafale của Pháp bị bắn hạ trong chiến đấu.
Nếu việc J-10 bắn hạ một số máy bay Rafale của Pháp được xác nhận, điều này sẽ báo hiệu một bước tiến quan trọng của máy bay chiến đấu Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan. Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, đơn vị theo dõi dòng chảy vũ khí toàn cầu, khoảng 82% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan từ năm 2019-2023 đến từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence viết trong một lưu ý rằng, nếu xung đột Ấn Độ-Pakistan leo thang, các loại vũ khí chưa được thử nghiệm khác của Trung Quốc cũng có thể được thử nghiệm thực tế.
Các cuộc không chiến nổi tiếng thế giới
Cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan khiến người ta nhớ lại các trận không chiến nổi tiếng trên thế giới. Trong Thế chiến I, Trận St. Mihiel năm 1918 với sự tham gia của 500 máy bay Đức và gần 1.500 máy bay của quân Đồng minh là một trong 10 trận không chiến lớn nhất trong lịch sử quân sự, theo Đại học Norwich.
Đến Thế chiến II, các trận không chiến đã đạt đến đỉnh cao. Đứng đầu danh sách là Trận Kursk vào tháng 7 và tháng 8 năm 1943 khi Đức Quốc xã đưa 2.000 máy bay vào cuộc so với 2.792 máy bay của Nga. Trận không chiến này đã giúp lực lượng Nga xoay chuyển tình thế của Thế chiến II.
Trận chiến nước Anh năm 1940 là một dấu mốc quan trọng khác trong việc sử dụng sức mạnh không quân, khi lực lượng Anh với 675 máy bay đã chống lại lực lượng Đức triển khai lên tới 2.800. Cuộc không chiến này đã giúp ngăn chặn Đức Quốc xã xâm lược Anh.
Trận chiến Biển Philippine năm 1944 đã củng cố ưu thế trên không của Mỹ, với các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay đã bắn hạ hàng trăm máy bay Nhật Bản trong một cuộc hành quân được gọi là “Cuộc săn gà tây Marianas vĩ đại”. Khi đó, khoảng 1.000 máy bay Mỹ đã chiến đấu với khoảng 700 máy bay Nhật Bản.
Các trận không chiến sau Chiến tranh thế giới thường diễn ra ở quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng rất quan trọng.
Một bước ngoặt là chiến dịch “Thứ Năm đen tối” vào năm 1951, trong Chiến tranh Triều Tiên, phơi bày tốc độ tàn khốc và tính sát thương của các cuộc không chiến thời Chiến tranh Lạnh. Khi đó, khoảng 30 chiếc MiG 15 do phi công Liên Xô điều khiển đã thể hiện sự vượt trội trước lực lượng Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần.
Tiếp đến, năm 1982, Israel đã chứng minh được độ chính xác chiến thuật đặc biệt trong Chiến dịch Mole Cricket 19 tại Thung lũng Beqaa ở Liban, phá hủy phần lớn máy bay của Syria mà không chịu một tổn thất nào. Đại học Norwich đưa ra con số 90 máy bay của Israel so với 100 máy bay của Syria.
Cũng tại Trung Đông, Trận El Mansoura năm 1973, giữa Ai Cập và Israel, kéo dài chưa đầy một giờ và có tới 164 máy bay Israel và 62 máy bay Ai Cập tham gia. Theo Đại học Norwich, Israel chịu tổn thất nặng nề hơn về máy bay trong trận chiến này./.


Mỹ và Trung Quốc đã thông báo về việc đạt thỏa thuận tạm đình chỉ các mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 14/5, để tiến hành đàm phán. Thỏa thuận tạm thời giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã thổi bừng sinh khí cho thị trường toàn cầu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/5 thông báo rằng, ông vẫn chưa nhận được hồi đáp từ phía Nga đối với đề nghị đàm phán trực tiếp vào ngày 15/5 tới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan xảy ra ngày 7/5, khi Ấn Độ phát động chiến dịch Sindoor, được mô tả là một trong những trận không chiến lớn nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Sự kiện này cũng cho thấy các cuộc không chiến hiện đại giờ đây chủ yếu diễn ra ngoài tầm nhìn và radar được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa, thay thế hoạt động quan sát bằng mắt thường của phi công.
Sân bay Srinagar - điểm giao thông quan trọng tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã mở cửa trở lại và đón các chuyến bay sau nhiều ngày bị gián đoạn vì giao tranh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tình hình an ninh tại Thủ đô Tripoli của Libya xuất hiện những diễn biến căng thẳng sau khi một thủ lĩnh vũ trang có ảnh hưởng bị cho là đã thiệt mạng.
Núi lửa Kanlaon tại miền Trung Philippines đã bất ngờ phun trào vào rạng sáng nay, theo giờ địa phương, gây ra cột tro xám khổng lồ cao khoảng 3 km.
0