Điện đàm Tổng thống Mỹ-Nga: Bước tiến tới hoà bình
Thiện chí của các bên
Cuộc điện đàm thứ ba giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng đã diễn ra vào ngày 19/5 và kéo dài khoảng hai giờ. Cuộc trò chuyện giữa hai vị lãnh đạo tập trung vào cuộc gặp giữa phái đoàn Nga và Ukraine diễn ra ngày 16/5 tại Istanbul, nơi hai bên đã nêu rõ những điều kiện cần thiết để đạt được hòa bình. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về khả năng nối lại quan hệ thương mại giữa Nga và Mỹ. Tổng thống Putin đánh giá cuộc điện đàm là “hữu ích, nhiều thông tin và thẳng thắn”.
"Cuộc điện đàm (với Tổng thống Donald Trump) thực sự đã diễn ra và kéo dài hơn hai giờ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là một cuộc trao đổi rất giàu thông tin, rất thẳng thắn và bao quát, theo quan điểm của tôi, rất hữu ích trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, tôi đã gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Mỹ vì sự ủng hộ của Mỹ trong việc thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng, cũng như nối lại tiến trình đàm phán vốn đã bị phía Ukraine gián đoạn từ năm 2022. Tổng thống Mỹ đã bày tỏ quan điểm của mình về việc ngừng bắn, và về phần mình, tôi cũng nhấn mạnh rằng Nga ủng hộ việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp hòa bình. Điều chúng ta cần làm bây giờ là xác định những phương thức hiệu quả nhất để tiến tới hòa bình.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin
"Chúng tôi vừa dành hai tiếng rưỡi để nói chuyện với ông Vladimir Putin, và tôi nghĩ rằng đã có một số tiến triển. Tình hình ở đó rất nghiêm trọng - 5.000 thanh niên thiệt mạng mỗi tuần. Vì vậy, hy vọng chúng tôi đã làm được điều gì đó. Chúng tôi cũng đã nói chuyện với người đứng đầu của hầu hết các quốc gia châu Âu, chúng tôi đang cố gắng giải quyết toàn bộ vấn đề đó."
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Sau cuộc trao đổi, ông Putin nhấn mạnh rằng cả Moscow và Kiev cần thể hiện thiện chí cao nhất nhằm hướng đến hòa bình và tìm kiếm những giải pháp thỏa hiệp. Theo ông, điều quan trọng nhất đối với Nga hiện nay là loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng. Việc nối lại tiếp xúc giữa các bên tại Istanbul cho thấy họ đang đi đúng hướng.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý rằng Nga sẽ hợp tác với Ukraine để xây dựng một bản ghi nhớ về một hiệp ước hòa bình trong tương lai. Tài liệu này sẽ xác định các nguyên tắc giải quyết cuộc khủng hoảng, thời gian thực hiện, cũng như khả năng thiết lập một lệnh ngừng bắn tạm thời nếu các thỏa thuận cần thiết được đạt được.
Ông Trump cho biết đã thông báo điều này với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, và Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, trong cuộc gọi ngay sau khi nói chuyện với Tổng thống Putin. Vatican, do Đức Giáo hoàng đại diện, đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ được đăng cai các cuộc đàm phán tiếp theo.
Trước cuộc điện đàm ngày 19/5, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã có hai cuộc trao đổi qua điện thoại trước đó, vào các ngày 12/2 và 18/3. Ngay sau cuộc gọi đầu tiên, các cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Mỹ ở cấp bộ trưởng ngoại giao đã được tổ chức sau một thời gian dài gián đoạn, khởi động lại tiến trình hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Trump khi đó cũng thông báo về kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Putin trong thời gian tới.
Những nỗ lực ngoại giao từ các cuộc đối thoại cấp cao này đã tạo điều kiện cho cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2022. Tại cuộc gặp ngày 16/5 ở Istanbul, các bên đã nhất trí phát triển một kế hoạch ngừng bắn và tiến hành trao đổi tù binh theo định dạng "1000 đổi 1000", đồng thời thống nhất sẽ tổ chức một cuộc gặp tiếp theo trong thời gian gần nhất.
Bước ngoặt mới trong tiến trình hòa bình
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ hôm 19/5 được xem là bước ngoặt trong tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine. Trong bối cảnh châu Âu tiếp tục thúc ép ngừng bắn vô điều kiện và duy trì sức ép trừng phạt, cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã mang đến một góc nhìn khác: thay vì lập tức dừng chiến, điều cần thiết hơn là khôi phục đối thoại trực tiếp giữa Moscow và Kiev, tiến tới một giải pháp hòa bình toàn diện. Cuộc điện đàm này không chỉ cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt trong lập trường của Tổng thống Trump, mà còn khẳng định vai trò then chốt của Mỹ và Nga chứ không phải châu Âu trong tiến trình hòa bình thực sự. Quan điểm thực tế, thẳng thắn và ưu tiên đối thoại đang được đánh giá là hướng đi có khả năng mang lại kết quả lâu dài, thay vì chỉ là những thỏa hiệp ngắn hạn hay các động thái đối phó mang tính hình thức.
Ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trường Kinh tế Cao cấp Nga và thành viên Hội đồng Nga về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng nhấn mạnh, cả Mỹ và Nga đã đồng thuận rằng hòa bình cần được tìm kiếm thông qua các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa Nga và Ukraine, chứ không phải thông qua một lệnh ngừng bắn ngay lập tức như Kiev và các nước châu Âu đang yêu cầu. Điều đó cho thấy, Tổng thống Trump đã có sự nhượng bộ so với những lời kêu gọi trước đây của chính ông về một lệnh ngừng bắn tức thì; hiện tại ông ủng hộ việc tiến hành đàm phán hướng tới một thỏa thuận hòa bình cuối cùng, trong đó lệnh ngừng bắn chỉ là một phần của tiến trình.
Chuyên gia Suslov cũng đặc biệt lưu ý rằng trong tuyên bố của ông Trump không hề đề cập đến bất kỳ biện pháp trừng phạt cứng rắn nào với Nga, điều mà châu Âu và các nhân vật đối lập trong nội bộ nước Mỹ vẫn liên tục nhắc tới. Nói cách khác, châu Âu một lần nữa bị gạt ra bên lề, còn Moscow và Washington nắm thế chủ động. Một điểm đáng chú ý khác trong tuyên bố của ông Trump, theo chuyên gia Suslov, là quan điểm rằng việc chấm dứt xung đột “quan trọng hơn cả một lệnh ngừng bắn”. Điều này cho thấy ông Trump đã phần nào tiếp nhận lập trường của Nga, rằng cần tập trung vào việc kết thúc chiến tranh một cách căn bản, chứ không đơn thuần là ngăn chặn tạm thời bằng lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin dường như đã mở ra một lối đi mới cho ngoại giao. Giáo sư Anuradha Chenoy, nguyên giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á, Đại học JNU (Ấn Độ) nhận định: “Cuộc gọi này cho thấy tiến trình hòa bình đang bắt đầu hình thành, bất chấp sức ép từ châu Âu và Tổng thống Zelensky”.
Nga - Đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ
Đề xuất của Tổng thống Putin về một lệnh ngừng bắn, dựa trên bản Ghi nhớ Ukraine kèm theo các điều kiện cụ thể, được đánh giá là hợp lý và công bằng. Nga hiện đang nắm ưu thế trên chiến trường, nhưng vẫn thể hiện thiện chí đánh đổi lợi thế quân sự để hướng đến một nền hòa bình lâu dài. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự muốn đạt được một thỏa thuận với Nga, không chỉ để cứu vãn sinh mạng con người và giảm chi phí chiến tranh cho Mỹ, mà còn nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế lâu dài của chính nước này. Đây là một sự chuyển biến lớn, có thể đặt nền móng cho một giải pháp ngoại giao thực sự cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, ông Trump bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ Mỹ - Nga, khai thác “tiềm năng hợp tác vô hạn” giữa hai cường quốc. Các chuyên gia cho rằng đây là một quan điểm rõ ràng trái ngược với lập trường của châu Âu. Điều này cho thấy một lần nữa ông Trump không hề muốn áp đặt trừng phạt Nga hay đối đầu với Moscow.
“Tổng thống Mỹ dường như rất ý thức rằng nếu ông áp đặt trừng phạt ở thời điểm hiện tại, ông sẽ tự tay xóa bỏ mọi triển vọng giải quyết cuộc xung đột Ukraine cũng như phá vỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Nga. Như vậy, nước Mỹ sẽ không thể khai thác tiềm năng hợp tác vô hạn mà Trump tin rằng quan hệ Mỹ - Nga có thể mang lại.”
Ông Dmitry Suslov - Phó Giám đốc Trường Kinh tế Cao cấp Nga, thành viên Hội đồng Nga về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng
Sau khi tái đắc cử và chính thức bước vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai vào đầu năm 2025, ông Trump đã nhanh chóng tái định hình chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ theo hướng thực dụng và tập trung vào lợi ích quốc gia. Một trong những trục điều chỉnh nổi bật là chính sách của ông đối với quan hệ kinh tế với Liên bang Nga – một đối tác vừa là đối thủ chiến lược, vừa là cường quốc có tiềm năng trong hợp tác năng lượng, hàng hóa chiến lược và cân bằng địa chính trị toàn cầu.
"Tổng thống Trump đã nói khá xúc động về triển vọng của những mối quan hệ. Ông ấy đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, ông ủng hộ mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và có lợi với Nga... Là Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump coi Nga là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong các vấn đề thương mại và kinh tế."
Ông Yuri Ushakov - Trợ lý cao cấp Điện Kremlin
Khác với thời kỳ của chính quyền Cựu Tổng thống Joe Biden, vốn đặt nặng yếu tố răn đe và trừng phạt trong chính sách với Nga, Tổng thống Trump ngay từ những tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai đã thể hiện mong muốn "hạ nhiệt căng thẳng", đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Trong các phát biểu và cuộc điện đàm với ông Putin vừa qua, ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng nối lại một số kênh giao thương thiết yếu nếu Nga thể hiện thiện chí trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Trump cho rằng việc duy trì một nền kinh tế toàn cầu bị phân cực và bị bóp nghẹt bởi các lệnh cấm vận kéo dài sẽ không phục vụ lợi ích của Mỹ, nhất là trong bối cảnh nước này đang tập trung tái cấu trúc chuỗi cung ứng, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng sản xuất nội địa. Một trong những trọng tâm của ông Trump trong chính sách kinh tế với Nga là đảm bảo nguồn cung ổn định các mặt hàng chiến lược mà Mỹ vẫn phụ thuộc vào Moscow. Tiêu biểu là uranium làm giàu cấp thấp (LEU), vốn chiếm khoảng 20% nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ. Mặc dù chính quyền tiền nhiệm từng đề xuất loại bỏ hoàn toàn nguồn cung uranium từ Nga, nhưng chính quyền Trump đã tạm gác đề xuất này, tránh làm gián đoạn ngành năng lượng hạt nhân vốn đang phục hồi.
Ngoài ra, ông Trump cũng mở đường cho khả năng nối lại hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, nơi mà trước đây các tập đoàn Mỹ như ExxonMobil từng có dự án đầu tư chung với các công ty Nga tại Bắc Cực và Tây Siberia. Dù chưa có bước đột phá cụ thể, nhưng các tín hiệu từ Nhà Trắng cho thấy việc tái khởi động một phần hợp tác năng lượng song phương đang được cân nhắc, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu biến động mạnh.
Một đặc điểm nổi bật trong cách tiếp cận của ông Trump là sự thực dụng. Ông không đồng tình với những chính sách "trừng phạt vô thời hạn" vốn làm xói mòn lợi ích kinh tế của cả hai bên. Thay vào đó, ông đề xuất một khuôn khổ đàm phán thương mại linh hoạt, trong đó Nga có thể từng bước khôi phục một số hoạt động thương mại nếu có tiến bộ trên bàn đàm phán Ukraine, còn Mỹ sẽ đảm bảo lợi ích kinh tế của mình.
Việc chính quyền Trump đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải đánh dấu một bước chuyển rõ rệt so với các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ. Cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo cũng cho thấy một động lực mới đang hình thành trong quan hệ Mỹ - Nga.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin ngày 19/5/2025 đánh dấu một bước tiến quan trọng, đưa hòa bình đến gần hơn bao giờ hết trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài. Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức vẫn còn hiện hữu và con đường phía trước vẫn đầy trắc trở, nhưng cuộc trao đổi này đã mở ra hy vọng về một giải pháp ngoại giao thực chất và bền vững. Thành công cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ngoại giao và sự quyết đoán của các nhà lãnh đạo hai bên trong việc vượt qua những khác biệt, thể hiện thiện chí, và xây dựng được niềm tin cần thiết để đưa cuộc đàm phán đi đến kết quả thực chất.


Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 20/5 đã giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm về 3%; lãi suất kỳ hạn 5 năm cũng giảm tương tự, về 3,5% từ mức 3,6%.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ hôm 19/5 được xem là bước ngoặt trong tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine.
Đại hội đồng Y tế Thế giới ngày 20/5 đã chính thức thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/5 đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để trao đổi về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ “sẽ không đi đến đâu” nếu Washington kiên quyết rằng Tehran phải giảm hoạt động làm giàu urani xuống bằng 0.
Cuộc trao đổi giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin được mô tả là “tích cực” và “xây dựng”, mang lại kỳ vọng rằng các bên sẽ tiến thêm một bước đến hòa bình sau hơn ba năm xung đột Nga - Ukraine.
0