Điện đàm Trump-Putin có tạo đột phá cho xung đột ở Ukraine?

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào sáng 19/5 (khoảng 10h tối giờ Việt Nam) để tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Liệu cuộc điện đàm này có thể dẫn đến đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine hay không?

Kỳ vọng tháo gỡ thế bế tắc

Đặc phái viên Steve Witkoff, nhà đàm phán hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine kỳ vọng rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ có một cuộc điện đàm thành công với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản năm 2019. (Ảnh: Reuters)

"Tôi tin rằng Tổng thống Trump sẽ có một cuộc điện đàm thành công với Tổng thống Vladimir Putin. Họ hiểu nhau. Tổng thống Trump quyết tâm thực hiện một điều gì đó ở đây. Nếu ông ấy không thể làm được, thì không ai có thể làm được”, đặc phái viên Steve Witkoff cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn trên chương trình "This Week” của hãng tin ABC News.

Các phái đoàn từ Ukraine và Nga đã họp tại Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 16/5, trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2022. Khi được hỏi về những lập trường của Nga và Ukraine trên bàn đàm phán, ông Witkoff đánh giá rằng đây là một cuộc xung đột rất phức tạp và không nên xảy ra.

"Tôi nghĩ rằng trong một cuộc đàm phán như thế này, mọi người sẽ đưa ra lập trường của mình. Nghệ thuật ở đây là thu hẹp khoảng cách rộng giữa các bên. Và tôi nghĩ rằng ở một mức độ nào đó, chúng tôi đã làm được điều đó. Ở một mức độ nào đó, mỗi bên đang khẳng định lập trường của mình. Và tôi nghĩ rằng cuộc điện đàm tới sẽ tiến một bước dài hướng tới việc xác định chúng ta đang ở đâu và chúng ta hoàn tất cuộc đàm phán này như thế nào.”

Cuộc điện đàm dự kiến diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang nỗ lực đẩy nhanh việc chấm dứt cuộc chiến đã bước sang năm thứ tư giữa Nga và Ukraine. Theo các nhà phân tích, nỗ lực của Mỹ về một lệnh ngừng bắn Nga - Ukraine dường như đang lên đến đỉnh điểm. Trước đó, đã nhiều lần bản thân Tổng thống Mỹ Trump cũng như Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tỏ ý rằng Washington sẽ rút lui khỏi nỗ lực trung gian hòa giải nếu những nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Điều gì đã xảy ra trên bàn đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ?

Thông báo của Tổng thống Mỹ về cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine được đưa ra sau khi các phái đoàn của Moscow và Kiev gặp nhau ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước. Đáng chú ý là cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky đều không có mặt tại cuộc đàm phán sau nhiều đồn đoán về việc liệu hai nhà lãnh đạo có tham gia vào một cuộc gặp mặt trực tiếp hay không. Tổng thống Ukraine Zelensky ủng hộ một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga với điều kiện là một lệnh ngừng bắn sẽ được nhất trí trước. Tuy nhiên, ông Putin đã từ chối lời đề nghị trên.

Phái đoàn Nga, Ukraine đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/5. (Ảnh: Reuters)

Trong một dấu hiệu tích cực, cuộc gặp kéo dài chưa đến 2 giờ đồng hồ hôm 16/5 giữa các đại diện Nga và Ukraine đã dẫn đến một thỏa thuận thực hiện cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất trong cuộc chiến, với việc mỗi bên cam kết trao đổi 1.000 tù nhân chiến tranh. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, người dẫn đầu phái đoàn của nước này, đã nói với các phóng viên rằng hai nước cũng đã thảo luận về khả năng ngừng bắn và một hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga.

Trong khi đó, báo chí phương Tây dẫn các nguồn tin cho biết, tại cuộc hội đàm, phía Nga vẫn giữ vững các yêu cầu lâu nay, bao gồm Ukraine phải nhượng lãnh thổ, từ bỏ ý định gia nhập NATO và trở thành một quốc gia trung lập; trong khi Kiev bác bỏ những điều này và yêu cầu các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, phải đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng cho tương lai của Ukraine. Điều này thể hiện rõ sự cách biệt rất lớn trong lập trường của các bên về lãnh thổ và đảm bảo an ninh, khiến triển vọng hoà bình vẫn tiếp tục nằm ngoài tầm với, ít nhất là trong tương lai gần.

Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với các phóng viên trên Không lực Một rằng: "Sẽ không có gì xảy ra cho đến khi ông Putin và tôi gặp nhau". Điện Kremlin đã nhất trí với tuyên bố trên và nhấn mạnh rằng việc liên lạc giữa ông Trump và ông Putin là cực kỳ quan trọng để giải quyết xung đột.

"Các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump cực kỳ quan trọng trong bối cảnh giải quyết vấn đề Ukraine. Tất nhiên, chúng tôi đồng ý với luận điểm này”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu với báo chí.

Mặc dù Tổng thống Trump đã hứa hẹn một kỷ nguyên mới cho quan hệ Nga-Ukraine trong nhiệm kỳ thứ hai của mình tại Nhà Trắng, nhưng 100 ngày đầu tiên của ông đã chứng kiến ​​mọi thứ khởi đầu không mấy suôn sẻ, với căng thẳng lên đến đỉnh điểm giữa ông Trump và ông Zelensky sau một cuộc trao đổi gay gắt tại Nhà Trắng hồi cuối tháng 2.

Kể từ đó, hai người dường như đã hàn gắn mối quan hệ của mình và đã có một cuộc gặp gỡ trực tiếp ngắn ngủi nhưng quan trọng trước lễ tang của Giáo hoàng Francis tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican vào ngày 26/4.

Ông Zelensky cho biết đó là một cuộc gặp mang tính biểu tượng có tiềm năng trở thành lịch sử. "Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Hy vọng sẽ có kết quả cho mọi thứ chúng tôi đã đề cập. Bảo vệ mạng sống của người dân. Ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện. Hòa bình đáng tin cậy và lâu dài sẽ ngăn chặn một cuộc chiến tranh khác nổ ra", ông Zelensky nhấn mạnh.

Sau cuộc gặp, ông Trump đã bày tỏ sự nghi ngờ rằng nhà lãnh đạo Nga muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và ám chỉ đến các lệnh trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định rằng ông có thể làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa hai nước.

EU tìm cách ngăn ông Trump vội vã thỏa thuận với Nga

Trước thời điểm diễn ra cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Italy một lần nữa nhấn mạnh đến nhu cầu trừng phạt Nga trong cuộc điện đàm chung với Tổng thống Trump. "Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhu cầu ngừng bắn vô điều kiện và Tổng thống Putin cần nghiêm túc đàm phán hòa bình. Họ cũng thảo luận về việc sử dụng các biện pháp trừng phạt nếu Nga không nghiêm túc tham gia vào lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình", Văn phòng thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết trong một tuyên bố. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng, ông Trump có thể sẽ cố gắng chấp thuận một giải pháp nhằm ghi dấu ấn về ngoại giao, bất chấp thực tế mà họ nhận định rằng Tổng thống Nga khó có thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ có ý nghĩa nào.

Tổng thống Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu điện đàm với Tổng thống Mỹ từ Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu ở Tirana, Albania. (Ảnh: Reuters)

“Thật không may, trong bối cảnh cuộc chiến hiện nay, chúng ta không thấy động lực mạnh mẽ nào khiến Nga đồng ý ngừng bắn”, ông Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie, phát biểu tại một hội nghị ở Tallinn, Estonia, hôm 18/5.

Có một cảm giác ngày càng rõ rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt lệnh ngừng bắn đang lên đến đỉnh điểm và các quan chức ở châu Âu không chắc liệu ông Trump sẽ tăng cường áp lực lên Nga, hay chỉ đơn giản là dừng lại để chuyển sang thách thức tiếp theo nếu nỗ lực giải quyết cuộc xung đột này thất bại. Ông Trump đã hứa sẽ tóm tắt cho ông Zelensky và một số đồng minh NATO sau khi ông nói chuyện xong với người đồng cấp Nga.

Nỗi lo ngại lớn nhất của Ukraine là hai nhà lãnh đạo sẽ tự đưa ra kế hoạch hòa bình qua cuộc điện đàm, sau đó có khả năng tìm cách áp đặt các điều khoản dưới mối đe dọa mới về việc rút lại viện trợ quân sự và kinh tế quan trọng của Washington dành cho Kiev.

Về phần Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio như một phần của quá trình chuẩn bị cho cuộc điện đàm Trump-Putin.

Sau cuộc gặp, ông Zelensky cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về các cuộc đàm phán ở Istanbul, nơi Nga cử một phái đoàn cấp thấp không có thẩm quyền ra quyết định. Chúng tôi cũng đề cập đến nhu cầu trừng phạt Nga, thương mại song phương, hợp tác quốc phòng, tình hình trên chiến trường và việc trao đổi tù nhân trong tương lai". Một quan chức cấp cao từ văn phòng của Zelensky cho biết cuộc gặp ở Rome, bên lề lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV, đã diễn ra "tốt hơn" so với cuộc tranh cãi ở Phòng Bầu dục ba tháng trước, khi ông Vance công khai chỉ trích ông Zelensky là "thiếu tôn trọng" và "không đủ biết ơn" đối với những sự hỗ trợ của Mỹ.

Kiev cáo buộc Moscow có kế hoạch triển khai tên lửa liên lục địa

Trên chiến trường, Bộ quốc phòng Ukraine cáo buộc Nga ngày 18/5 đã tấn công bằng số lượng máy bay không người lái kỷ lục, nhắm vào nhiều khu vực của nước này, trong đó có thủ đô Kiev. Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 273 máy bay không người lái tấn công Shahed và nhiều loại máy bay không người lái khác, trong đó 88 chiếc đã bị phá hủy và 128 chiếc khác đã bị vô hiệu hóa mà không gây ra hậu quả tiêu cực. Trong khi đó, cơ quan tình báo Ukraine cho biết họ tin rằng Moscow đã có ý định bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào cuối ngày 18/5. Moscow không có phản hồi ngay lập tức về cáo buộc này.

Kiev, Moscow liên tục cáo buộc nhau sử dụng UAV tấn công đối phương. (Ảnh: Reuters)

Ở chiều ngược lại, quân đội Nga cho biết họ đã chặn được 25 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm 18/5. Moscow cũng tuyên bố đã giành quyền kiểm soát Bahatyr, một ngôi làng khác ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine.

Chiến trường thực sự trong cuộc chiến ở Ukraine hiện tại không phải trên bầu trời Kiev hay Dnipro, nơi các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của hai bên đã gia tăng đáng kể trong những ngày gần đây. Cuộc chiến quan trọng đang diễn ra giữa các bên tham chiến và các đồng minh của họ là cuộc đấu trí với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người dường như ngày càng thất vọng với những nỗ lực làm trung gian hòa bình. Và đó là lý do tại sao cuộc điện đàm của ông, dự kiến ​​sẽ diễn ra với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối ngày hôm nay, có thể có tầm quan trọng then chốt như vậy. Cả Moscow và Kiev đều đang cố gắng chứng minh rằng bên kia mới là trở ngại thực sự đối với hòa bình, hy vọng sẽ xoay chuyển quan điểm hay thay đổi quan điểm của Tổng thống Trump, ít nhất là trong một thời gian, theo hướng có lợi cho họ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các mức thuế quan sẽ sớm quay trở lại mức đối ứng, nếu các quốc gia không đạt được thỏa thuận thương mại trong thời gian tạm hoãn kéo dài 90 ngày.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố vụ đánh bom phòng khám hỗ trợ sinh sản ở bang California là cuộc tấn công khủng bố.

Đảng Liên minh Dân chủ (AD) theo đường lối trung hữu cầm quyền tại Bồ Đào Nha đã giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 18/5.

Nhiều nhà lãnh đạo của Mỹ và trên thế giới đã gửi lời chia sẻ và động viên tới cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và gia đình, trước thông tin ông được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt và đã di căn tới xương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào sáng 19/5 (khoảng 10h tối giờ Việt Nam) để tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Liệu cuộc điện đàm này có thể dẫn đến đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine hay không?

Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Nga và Ukraine sớm đạt được lệnh ngừng bắn.