Chiến sự 19/5: Ông Trump điện đàm với lãnh đạo Nga, Ukraine
Động thái này được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình lâu dài ở Ukraine, sau khi các đại diện từ Ukraine và Nga tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hơn 3 năm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/5.
Ông Trump điện đàm với lãnh đạo Nga, Ukraine
Phát biểu sau cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, những nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine đang đi đúng hướng và Moscow sẵn sàng hợp tác với Kiev về bản ghi nhớ thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Tổng thống Putin khẳng định đã thống nhất với Tổng thống Mỹ rằng Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng hợp tác với phía Ukraine về một bản ghi nhớ cho thỏa thuận hòa bình có thể đạt được trong tương lai, xác định một số điểm như các nguyên tắc giải quyết, thời gian của thỏa thuận hòa bình. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, nếu đạt được những thỏa thuận phù hợp, có thể sẽ có lệnh ngừng bắn.
"Tôi muốn lưu ý rằng, về tổng thể, lập trường của Nga là rõ ràng. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này. Chúng ta chỉ cần xác định những cách thức hiệu quả nhất để tiến tới hòa bình", ông Putin nhấn mạnh.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Putin cho biết, cuộc thảo luận diễn ra thẳng thắn, rất hữu ích và có ý nghĩa. Ông Putin cũng gửi lời cảm ơn người đồng cấp Mỹ vì sự tham gia của Washington vào việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã diễn ra "rất tốt đẹp". Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Moscow và Kiev “sẽ ngay lập tức bắt đầu thảo luận” hướng đến một lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột. Tổng thống Mỹ cũng đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đề nghị của Giáo hoàng Leo XIV về việc tổ chức các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine tại Vatican, bởi theo ông điều đó sẽ làm tăng thêm ý nghĩa cho các thủ tục.

Cũng theo Tổng thống Mỹ, "giọng điệu và tinh thần của cuộc trò chuyện với ông Putin là rất tuyệt vời" và Nga muốn trao đổi thương mại "quy mô lớn" với Mỹ khi xung đột kết thúc. Ông cho biết, Ukraine cũng sẽ hưởng lợi từ thương mại "trong quá trình tái thiết nước này". Sau khi thảo luận với nhà lãnh đạo Nga, ông Trump cũng đã tiến hành điện đàm chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cùng các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Italy, Đức và Phần Lan để đưa ra thông báo tương tự.
Kiev cáo cuộc Moscow có kế hoạch triển khai tên lửa liên lục địa
Trên chiến trường, Bộ quốc phòng Ukraine cáo buộc Nga đã tấn công bằng số lượng máy bay không người lái kỷ lục, nhắm vào nhiều khu vực của nước này, trong đó có Thủ đô Kiev. Không quân Ukraine cho biết, vào đêm 18/5, Nga đã phóng 273 máy bay không người lái tấn công Shahed và nhiều loại máy bay không người lái khác, trong đó 88 chiếc đã bị phá hủy và 128 chiếc khác đã bị vô hiệu hóa mà không gây ra hậu quả tiêu cực. Nhiều cuộc không kích khác đã xảy ra vào sáng sớm ngày 19/5, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Không quân Ukraine cho biết, Nga đã phóng thêm 112 máy bay không người lái vào sáng sớm thứ Hai, tấn công các khu vực Kharkiv, Sumy, Donetsk, Cherkasy và Kirovohrad. Trong khi đó, cơ quan tình báo Ukraine cho biết, họ tin rằng Moscow đã có ý định bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào cuối ngày 18/5. Moscow không có phản hồi ngay lập tức về cáo buộc này.

Ở chiều ngược lại, quân đội Nga cho biết, họ đã chặn được 25 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm 18/5. Theo hãng tin Tass, các lực lượng Nga đã bắn hạ tổng cộng 75 máy bay không người lái của Ukraine cuối tuần qua. Ngoài ra, Moscow cũng tuyên bố đã giành quyền kiểm soát các khu định cư Bahatyr và Novoolenovka ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, cũng như khu định cư Maryino ở Vùng Sumy. Theo thông báo của Bộ quốc phòng Nga, Kiev mất hơn 1.215 quân ở tất cả các khu vực tiền tuyến trong 24 giờ qua.
Tổng thống Ukraine ca ngợi cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/5 đã đưa ra đánh giá tích cực về cuộc gặp của ông với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 18/5 tại Rome, Italy.

Trong một bài đăng trên Telegram, ông Zelensky cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - nơi Nga cử một phái đoàn cấp thấp không có thẩm quyền ra quyết định. Chúng tôi cũng đề cập đến nhu cầu trừng phạt Nga, thương mại song phương, hợp tác quốc phòng, tình hình trên chiến trường và việc trao đổi tù nhân trong tương lai".
Cuộc gặp diễn ra bên lề Lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV đánh dấu lần gặp mặt đầu tiên giữa Tổng thống Ukraine và Phó Tổng thống Mỹ sau cuộc tranh cãi ở Phòng Bầu dục ba tháng trước, khi ông Vance công khai chỉ trích ông Zelensky là "thiếu tôn trọng" và "không đủ biết ơn" đối với những sự hỗ trợ của Mỹ.
Phần Lan trích tài sản đóng băng của Nga viện trợ cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Phần Lan ngày 19/5 tuyên bố, nước này sẽ sử dụng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp đạn dược cho Ukraine.
"Phần Lan đã được chọn là một trong những quốc gia thực hiện các biện pháp của Liên minh châu Âu để cung cấp cho Ukraine vật tư quốc phòng bằng cách sử dụng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga", hãng tin Reuters dẫn lời thông báo của bộ này cho biết. Số đạn dược trị giá hơn 90 triệu euro, tương đương100 triệu USD sẽ được mua từ các nhà cung cấp Phần Lan.
EU ước tính rằng, 210 tỷ euro trong số khoảng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga được nắm giữ trong khối 27 quốc gia, chủ yếu dưới hình thức trái phiếu chính phủ mà ngân hàng trung ương Nga đã lưu trữ làm dự trữ. Năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã quyết định rằng số tiền thu được từ các tài sản này có thể được sử dụng để hỗ trợ quân đội Kiev thông qua một quỹ do EU điều hành.
Điện Kremlin đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về tuyên bố mới nhất của Phần Lan. Trước đó, Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố rằng, bất kỳ động thái nào nhằm tịch thu hoặc bán tài sản bị đóng băng của Nga đều là bất hợp pháp, vi phạm quyền sở hữu, tạo ra tiền lệ nguy hiểm và sẽ bị thách thức tại tòa án.
EU xem xét đề xuất hạ giá trần dầu thô của Nga
Ủy viên Kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis ngày 19/5 cho biết, EU sẽ đề xuất với các bộ trưởng tài chính G7 trong tuần này để hạ giá trần dầu thô của Nga, từ mức hiện tại là 60 USD/thùng. Đây sẽ được coi là một phần của gói trừng phạt mới đối với Moscow. Ủy viên Kinh tế châu Âu không đề cập đến mức giá trần mà Liên minh châu Âu muốn hạ xuống, nhưng một số quan chức EU cho biết có khả năng Brussels sẽ đề xuất mức giá trần là 50 USD/thùng.
Mức giá trần với dầu thô của Nga được các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản) thống nhất vào tháng 12/2022. Theo đó, G7 cấm giao dịch dầu thô của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu nếu giá thanh toán trên 60 USD/thùng và cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi giá bán thấp hơn mức giá trần. Biện pháp này nhằm mục đích làm giảm doanh thu của Nga từ dầu mỏ, đồng thời ngăn chặn nguồn cung dầu toàn cầu giảm mạnh.
Tuy nhiên thực tế thì giá dầu thế giới đã giảm xuống dưới 60 USD/thùng hồi đầu tháng 4 vì mối lo ngại toàn cầu về tăng trưởng kinh tế sau chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với một loạt đối tác.
EU kỳ vọng người tị nạn Ukraine sẽ dần hồi hương từ năm 2025
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, mặc dù vẫn chưa thấy dấu hiệu hòa bình lâu dài ở Ukraine, song theo kịch bản cơ sở, người tị nạn Ukraine ở các nước EU sẽ dần hồi hương trong năm 2025.

Theo EC, số lượng người được bảo vệ tạm thời tại EU là khoảng 4,3 triệu người, tính đến tháng 1/2025. Kịch bản của EU giả định rằng, số lượng người tị nạn đang đăng ký bảo vệ tạm thời tại EU sẽ vẫn ổn định trong suốt năm 2025, sau đó giảm xuống còn 4,1 triệu vào cuối năm 2025 và xuống còn 3,8 triệu vào cuối năm 2026.
Dự báo nêu rằng, hậu quả kinh tế của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn cực kỳ không chắc chắn và phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến này. Kịch bản cơ sở giả định rằng, căng thẳng địa chính trị trong khu vực và lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm 2026.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng trung ương Ukraine, trong năm 2024, dòng người di cư từ nước này vẫn tiếp tục tăng và tổng cộng sẽ có thêm khoảng 200.000 người rời khỏi Ukraine trong năm nay. Dự kiến những người di cư sẽ bắt đầu hồi hương vào năm 2026 (khoảng 0,2 triệu người) và sẽ tăng tốc vào năm 2027 (khoảng 0,5 triệu người).


Hàng nghìn người dân Palestine tại thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 19/5 đã phải rời bỏ nhà cửa để đến khu vực al-Mawasi, phía Tây thành phố sau khi quân đội Israel ra lệnh sơ tán khẩn cấp.
Ba cuộc bầu cử ở Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania có tầm ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của châu Âu vừa diễn ra hôm 18/5. Cả ba nơi đều diễn ra cuộc ganh đua quyền lực quyết liệt giữa phe ủng hộ châu Âu đoàn kết thống nhất và phái cực hữu, dân tuý, dân tộc chủ nghĩa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/5 đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine để tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này đang tạo điều kiện cho các xe tải chở thực phẩm cho trẻ em vào Dải Gaza, đồng thời dự kiến sẽ cho phép hàng chục xe chở hàng viện trợ nhân đạo khác tiếp cận khu vực này trong những ngày tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev và đối tác đang cân nhắc tổ chức một cuộc họp cấp cao với sự tham gia của Nga, Mỹ, Anh và các quốc gia châu Âu nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra lệnh thành lập “nhóm đàm phán quốc gia mở rộng thường trực” sau các cuộc đàm phán gần đây giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
0