Vấn đề an toàn động cơ máy bay sau vụ Air India

Thảm họa hàng không của hãng Air India hồi tháng 6 vừa qua đã khiến giới chức Ấn Độ xem xét lại một loạt các sự cố liên quan đến động cơ máy bay.

Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ đã yêu cầu các hãng hàng không nước này kiểm tra công tắc nhiên liệu động cơ trên các máy bay Boeing, sau khi báo cáo sơ bộ về vụ thảm họa hàng không của hãng Air India hồi tháng 6 vừa qua được công bố vào ngày 12/7. Vụ việc cũng khiến giới chức Ấn Độ xem xét lại một loạt các sự cố liên quan đến động cơ máy bay. 

Sự cố động cơ máy bay trong 5 năm

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ, nước này đã ghi nhận tổng cộng 65 sự cố động cơ ngừng hoạt động khi đang bay trong giai đoạn từ năm 2020 đến giữa năm 2025.

Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ xác nhận rằng, các sự cố ngừng động cơ được ghi nhận ở cả hai giai đoạn cất cánh và khi đang bay. Dù toàn bộ 65 chuyến bay đều hạ cánh an toàn bằng động cơ còn lại, nhưng nguyên nhân sự cố không hề đơn giản. Các báo cáo chỉ ra rằng lỗi chủ yếu liên quan đến nhiên liệu và hỏng hóc cơ học với nguyên nhân chính là do bộ lọc nhiên liệu bị tắc, nhiên liệu bị nhiễm nước, sự gián đoạn trong nguồn cung nhiên liệu cho động cơ và vật thể lạ lọt vào hệ thống hút khí. Ngoài ra, trong 17 tháng gần đây, đã có 11 cuộc gọi khẩn cấp được phát đi từ các chuyến bay đang hoạt động. theo Theo Times of India, những con số này không bao gồm vụ việc gần đây liên quan đến chuyến bay AI-171 của Air India trên hành trình từ Ahmedabad đến London hôm 12/6, hay vụ một chuyến bay nội địa của IndiGo buộc phải chuyển hướng do trục trặc kỹ thuật.

Các chuyên gia hàng không cho biết, mặc dù việc ngắt động cơ giữa không trung là sự cố có thể xảy ra với bất kỳ hãng hàng không nào trên thế giới, nhưng tần suất tại Ấn Độ đang ở mức đáng lo ngại, nhất là khi phần lớn các sự cố đều liên quan đến yếu tố kỹ thuật có thể phòng tránh. Trong bối cảnh thị trường hàng không Ấn Độ tăng trưởng nhanh, áp lực vận hành và bảo trì đối với các hãng hàng không cũng gia tăng theo.

Sau khi có báo cáo sơ bộ về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay AI-171 của Air India, Cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ đã khuyến cáo tất cả các hãng hàng không trong nước đang khai thác các máy bay Boeing bị ảnh hưởng phải hoàn thành đợt kiểm tra muộn nhất là vào ngày 21/7. Khuyến cáo của Cục hàng không Mỹ FAA năm 2018 từng kêu gọi các hãng bay kiểm tra tính năng khóa trên công tắc ngắt nhiên liệu động cơ nhằm đảm bảo bộ phận này không bị tác động ngoài ý muốn khi máy bay đang hoạt động. Đó không phải là yêu cầu bắt buộc nên nhiều hãng hàng không trong đó có Air India đã không thực hiện. Tuy nhiên, hồ sơ bảo trì cho thấy bộ điều khiển ga, tức là bộ phận bao gồm cả công tắc nhiên liệu, đã từng được thay thế trên chiếc máy bay gặp nạn vào các năm 2019 và 2023. Việc thay thế này được thực hiện theo định kỳ, sau mỗi 24.000 giờ bay, được áp dụng cho toàn bộ đội bay chứ không riêng chiếc máy bay rơi.

Sau vụ tai nạn, Air India đã giảm 15% các chuyến bay quốc tế trên máy bay thân rộng để tiến hành kiểm tra chuyên sâu. Tính đến cuối tuần qua, Air India đã hoàn thành việc kiểm tra khoảng một nửa số lượng máy bay 787 và gần như toàn bộ máy bay 737 của hãng và chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Hãng này cho biết việc kiểm tra dự kiến hoàn tất trong khoảng hai ngày tới.

Vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng tại Ấn Độ đã trở thành lời cảnh báo cho nhiều hãng hàng không trên thế giới về các rủi ro kỹ thuật tiềm ẩn, buộc nhiều quốc gia phải rà soát lại các quy trình an toàn. Hàn Quốc cho biết sẽ yêu cầu tất cả các hãng hàng không trong nước đang khai thác dòng máy bay Boeing kiểm tra các công tắc.

Hãng hàng không Nhật Bản JAL cũng đang theo dõi sát diễn biến điều tra vụ tai nạn này và sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết khi có kết luận chính thức. Trong một thông cáo, hãng này nhấn mạnh “An toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Đầu tháng 7, Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ điều tra hãng hàng không giá rẻ Air India Express, sau khi một báo cáo của Reuters tiết lộ hãng hàng không này đã không kịp thời thay thế các bộ phận động cơ trên một chiếc Airbus A320 theo yêu cầu và đã làm giả hồ sơ để chứng minh sự tuân thủ.

Tai nạn máy bay do lỗi phi công hay kỹ thuật?

Báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn máy bay Boeng 171 của hãng Air India xảy ra vào tháng trước đã mô tả là có sự nhầm lẫn trong buồng lái ngay trước thời điểm máy bay rơi. Chỉ trong vài giây cất cánh, các công tắc ngắt nhiên liệu của động cơ máy bay gần như đồng thời chuyển sang vị trí ngắt, khiến động cơ bị thiếu nhiên liệu. Kết luận này đã làm dấy lên nhiều tranh luận về nguyên nhân của vụ tại nạn với một bên cho rằng đó là lỗi của phi công và một bên cho rằng do lỗi chíp cần điều khiển công tắc nhiên liệu.

Chuyến bay AI171 của Air India vừa mới rời khỏi đường băng thì mất đà và rơi xuống một khu vực đông dân cư ở thành phố Ahmedabad, phía Tây Ấn Độ, khiến toàn bộ 241 người trên máy bay và 19 người dưới mặt đất thiệt mạng. Báo cáo sơ bộ của Cục Điều tra Tai nạn Máy bay Ấn Độ đã tiết lộ rằng, nguồn cung cấp nhiên liệu cho cả hai động cơ đã bị cắt vào những phút quan trọng khi máy bay đang bay lên.

"Hộp đen" của máy bay, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay cho thấy, máy bay đã đạt tốc độ 180 hải lý/giờ khi công tắc nhiên liệu của cả hai động cơ "chuyển từ vị trí 'Chạy' sang vị trí 'Cắt số 1". Các công tắc được bật cách nhau chỉ một giây, làm ngừng dòng nhiên liệu.

Trong bản ghi âm từ hộp đen được đề cập trong báo cáo, một trong hai phi công được nghe thấy hỏi người kia tại sao lại bật công tắc. Phi công kia trả lời rằng anh ta không làm vậy. Báo cáo không nêu rõ ai là phi công chính và ai là cơ phó trong cuộc đối thoại.

Vài giây sau, công tắc trên chiếc Boeing 787 Dreamliner được bật ngược lại để bật lại nguồn cung cấp nhiên liệu. Cả hai động cơ đều có thể khởi động lại và một động cơ bắt đầu "tiến triển phục hồi”, nhưng đã quá muộn để ngăn chặn cú lao xuống kinh hoàng của máy bay.

Đó là lý do cơ bản khiến máy bay bị rơi, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được giải thích. Những phát hiện này không làm rõ công tắc nhiên liệu đã bị chuyển sang vị trí ngắt như thế nào trong chuyến bay, liệu đó là cố ý, vô tình hay do lỗi kỹ thuật.

Trên máy bay Boeing 787 Dreamliner, công tắc nhiên liệu nằm giữa hai ghế phi công, ngay phía sau cần ga của máy bay. Chúng được bảo vệ hai bên bằng một thanh kim loại.

Người vận hành phải nhấc tay cầm công tắc lên và qua một chốt chặn, vì chúng được thiết kế có chủ đích để không thể bị va chạm một cách vô tình.

Cựu phi công Marco Chan  và cũng là giảng viên cao cấp tại Trường Hàng không và An ninh, Đại học Buckinghamshire New cho rằng, vụ tai nạn không phải lỗi do con người. Ông giải thích rằng việc vô tình chuyển công tắc nhiên liệu là rất khó.

“Những gì bạn làm với công tắc ngắt nhiên liệu động cơ không đơn giản như công tắc đèn ở nhà. Bạn phải dùng tay gạt tay cần công tắc, rồi mới ấn nút. Vì vậy, bạn phải cố ý làm điều đó, chứ không phải vô tình đẩy nó sang vị trí sai. Điều đó rất hiếm khi xảy ra, hoặc gần như không xảy ra”.

Cựu phi công Marco Chan

Ông Chan nhấn mạnh rằng, thông thường trên chuyến bay, chưa từng có kịch bản nào cho phép  phi công cắt nhiên liệu cho cả hai động cơ ngay sau khi cất cánh. Cả hai công tắc động cơ đều được bật trong vòng một giây chỉ được thực hiện khi đỗ máy bay vào cuối chuyến bay hoặc trong trường hợp khẩn cấp như động cơ đang bốc cháy. Để ngắt nhiên liệu cả hai phi công phải xác nhận hành động và họ cũng phải xác nhận bằng lời nói xem họ có tắt đúng động cơ hay không. Bởi vì họ biết rõ rằng tắt nhầm động cơ duy nhất còn hoạt động tốt thì chắc chắn họ sẽ gặp nạn.

Ông cho rằng báo cáo đã nêu ra khả năng ngắt kết nối của tính năng khóa công tắc điều khiển nhiên liệu như khuyến cáo của Cục Hàng không Mỹ năm 2018. Tuy nhiên, do điều này không bắt buộc nên Air India đã không tiến hành kiểm tra.

"Một khi bạn mất tín hiệu, công tắc nhiên liệu không được điều khiển, tức là ở vị trí ngắt, thì không có nhiên liệu đi đến động cơ, điều này dường như phù hợp với khuyến cáo của FFA" .

Cựu phi công Marco Chan

Ông Chan cho biết, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của máy bay sẽ giúp giải thích cách công tắc nhiên liệu bị đảo trong mỗi trường hợp. Tuy nhiên, Cục Điều tra Tai nạn Máy bay của Ấn Độ vẫn chưa công bố bản ghi chép đầy đủ cuộc trò chuyện giữa hai phi công. Nếu không có bản ghi chép này, rất khó để hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra.

Ông Chan cho rằng, Cục hàng không liên bang Mỹ FAA - cùng với GE, nhà sản xuất động cơ - đã ban hành một khuyến cáo nghĩa là sau khoảng 11.000 chu kỳ, họ sẽ phải thay chip. Và nếu không thay thế hoặc bảo trì không đúng cách, nó có thể dẫn đến mất tín hiệu ngắt quãng. Điều đó có nghĩa là ở cần gạt vị trí ngắt, thì sẽ không có nhiên liệu đến động cơ, điều này dường như trùng khớp với những gì báo cáo đã ghi nhận trong cuộc điều tra hiện tại. Vì vậy, ông Chan cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm là cần xem xét liệu Air India đã thực hiện việc bảo trì và thay thế cần thiết những con chip đó hay chưa. Và câu hỏi thứ hai dành cho Boeing và General Electric là tại sao nó lại được ban hành dưới dạng bản tin dịch vụ chứ không phải là một loại chỉ thị yêu cầu các hãng phải thực hiện những hành động đó.

Trong khi đó tờ The Sun cho biết, các nhà điều tra hiện đang xem xét hồ sơ bệnh án của cơ trưởng chuyến bay, ông Sumeet Sabharwal, 56 tuổi. Ông có tổng cộng 15.638 giờ bay và theo chính phủ Ấn Độ, ông cũng là một giáo viên hướng dẫn của Air India. Cơ phó của ông là Clive Kunder 32 tuổi, có tổng cộng 3.403 giờ bay.

Tờ The Telegraph tiết lộ rằng, ông Sumeet Sabharwal chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu và ông đã cân nhắc việc rời hãng hàng không sớm để chăm sóc người cha già của mình.

Trang tin này cũng dẫn lời chuyên gia an toàn hàng không hàng đầu của Ấn Độ Mohan Ranganathan cho biết, nhiều phi công của hãng India hãng Air India nói cơ trưởng Sabharwal có dấu hiệu trầm cảm và từng nghỉ phép y tế trong 3 - 4 năm gần đây.

Mặc dù ông Ranganathan nói thêm rằng, Cơ trưởng Sabharwal "chắc hẳn đã được các bác sĩ của công ty Air India kiểm tra y tế" trước khi bay. Phi công của Air India, 56 tuổi, được cho là đã tham gia kỳ thi y tế Hạng I vào ngày 5/9 năm ngoái.

Hiệp hội Phi công Hàng không Ấn Độ lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ về chất lượng và tính bảo mật của báo cáo này và phản đối mạnh mẽ hướng điều tra, cáo buộc rằng, dường như các điều tra viên đang “giả định các phi công có tội”.

Phải mất nhiều tháng nữa mới có báo cáo đầy đủ và Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ấn Độ, Ram Mohan Naidu cho biết: "Chúng ta đừng vội đưa ra bất kỳ kết luận nào ở giai đoạn này".

Nỗi đau của gia đình nạn nhân

Một tháng sau vụ tai nạn hàng không thảm khốc của chuyến bay Air India AI171 tại Ahmedabad, nỗi đau và hệ lụy vẫn đang đè nặng lên nhiều gia đình nạn nhân. Trong số đó có gia đình anh Suresh Patni phải đối mặt với mất mát không thể bù đắp: mất con trai, người vợ bị bỏng nặng cần phải chăm sóc.

Cậu bé Akash Patni, 14 tuổi, đã tử vong trên mặt đất khi chiếc máy bay Air India AI171 đâm vào ký túc xá sinh viên y khoa ở Ahmedabad vào ngày 12/6. Mẹ của Patni, chị Sita Patni, đang làm việc tại quán trà gần hiện trường đã bị bỏng nặng ở mặt và tay.

Chị đau đớn kể lại rằng đã chứng kiến con trai bị ngọn lửa bao trùm nhưng bất lực, không thể cứu được con.

"Hôm đó, tôi đang ở quán trà của mình. Con trai tôi mang hộp cơm trưa đến cho tôi, tôi nhận cơm và quay lại quán trà. Hai tiếng sau, máy bay rơi. Tôi bị bỏng khi lửa bùng lên những vẫn cố hết sức chạy sang phía bên kia để cứu con trai thì thấy lửa bùng lên, cánh máy bay rơi trúng con trai tôi và cháu bị một đám cháy lớn bao trùm”.

Chị Sita Patni - Nạn nhân vụ tai nạn máy bay Air India

Cha của cậu bé Akash, anh Suresh Patni, vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con. Hiện anh chưa thể quay trở lại với công việc lái xe kéo vì phải chăm sóc vợ đang điều trị bỏng nặng tại bệnh viện.

Thảm kịch hàng không không chỉ để lại hậu quả về con số thương vong, mà còn gây ra những mất mát sâu sắc, dai dẳng đối với các gia đình nạn nhân. Họ mong muốn cam kết nghiêm túc về an toàn từ ngành hàng không để không một gia đình nào khác phải chịu nỗi đau tương tự trong tương lai.

Vụ tai nạn máy bay tại Ấn Độ khiến 260 người thiệt mạng là thảm kịch đau lòng, để lại hậu quả nặng nề cho hàng trăm gia đình. Sự cố này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc siết chặt an toàn hàng không, nâng cao giám sát kỹ thuật và trách nhiệm quản lý để ngăn chặn những bi kịch tương tự tái diễn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời