PKK giải giáp mở ra một chương mới cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Việc lực lượng vũ trang đảng Công nhân người Kurd (PKK) bắt đầu quá trình giải giáp vũ khí đã mở ra một chương mới đầy hy vọng trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ sau hơn 40 năm xung đột đẫm máu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12/7 tuyên bố rằng việc lực lượng vũ trang đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố - bắt đầu quá trình giải giáp vũ khí đã mở ra một chương mới đầy hy vọng trong lịch sử đất nước sau hơn 40 năm xung đột đẫm máu.

Khép lại chương lịch sử của máu và nước mắt

Buổi lễ đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình giải giáp của PKK được tổ chức tại hang động Jasana, gần thị trấn Dukan, cách thành phố Sulaymaniyah khoảng 60km. Đây là khu vực do chính quyền địa phương của người Kurd kiểm soát và được đánh giá có mức độ an ninh cao.

Khoảng 30 tay súng PKK, gồm cả nam và nữ đã xuất hiện tại buổi lễ và tiêu hủy vũ khí bằng cách đốt chúng - hành động mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự chủ động từ bỏ đấu tranh vũ trang thay vì bị buộc phải đầu hàng.

Tham dự buổi lễ còn có các đại diện của đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân (DEM) - một chính đảng ủng hộ người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang đóng vai trò trung gian trong đàm phán giữa PKK và chính phủ Ankara. Trong khi đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi quá trình tiêu hủy vũ khí, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh, với điều kiện PKK tuân thủ đầy đủ các đề xuất trong thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, việc PKK từ bỏ vũ trang sẽ “xé toạc xiềng xích đẫm máu đã trói buộc đất nước” và mở đường cho việc tái thiết khu vực Đông Nam - nơi người Kurd chiếm đa số.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu khép lại một chương dài đầy đau thương và nước mắt. Hôm nay là một ngày mới. Một trang mới đã chính thức được mở ra trong lịch sử đất nước chúng ta.”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Được thành lập vào năm 1978 bởi thủ lĩnh Abdullah Ocalan, PKK ban đầu đặt mục tiêu thành lập một quốc gia người Kurd độc lập sau nhiều thập kỷ, người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế sử dụng ngôn ngữ riêng và không có đại diện chính trị đáng kể.

Từ năm 1984, PKK tiến hành chiến dịch vũ trang chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn từ 1980 đến 2000, hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và cơ sở hạ tầng diễn ra, khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, phần lớn là thường dân và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU cũng liệt PKK vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Thủ lĩnh Abdullah Ocalan bị bắt năm 1999 và đang thụ án tù chung thân tại đảo Imrali. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì vai trò lãnh đạo tinh thần và chiến lược của PKK. Trong một video được công bố gần đây, ông Ocalan kêu gọi chấm dứt đấu tranh vũ trang, đồng thời yêu cầu Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một ủy ban giám sát giải giáp và đáp ứng các yêu cầu chính trị - văn hóa của người Kurd.

“Phong trào PKK và chiến lược giải phóng dân tộc, vốn nổi lên như một phản ứng trước sự phủ nhận sự tồn tại của người Kurd và nhằm mục tiêu thành lập một nhà nước riêng, nay đã hoàn thành sứ mệnh. Khi sự tồn tại của người Kurd đã được thừa nhận, thì mục tiêu cơ bản cũng đã đạt được”.

Ông Abdullah Ocalan, Thủ lĩnh PKK

Đây không phải là lần đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK cố gắng tiến tới hòa bình. Các cuộc đàm phán bí mật từng được tổ chức tại Oslo (Na Uy) giai đoạn 2009-2011, cũng như giai đoạn ngừng bắn từ 2013-2015, khi PKK rút về miền Bắc Iraq. Tuy nhiên, quá trình này đổ vỡ sau vụ đánh bom tại Suruc năm 2015, do IS thực hiện, khiến hơn 30 nhà hoạt động người Kurd thiệt mạng.

Trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông có nhiều biến động, hòa bình đang trở thành một nhu cầu chiến lược cấp thiết. Thổ Nhĩ Kỳ hiện ủng hộ thỏa thuận giữa chính quyền mới của Syria và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, với sự hậu thuẫn của Mỹ, nhằm tích hợp lực lượng này vào quân đội Syria.

Bên cạnh các yếu tố địa chính trị, giới phân tích cho rằng, tiến trình hòa bình này cũng phục vụ mục tiêu chính trị trong nước của Tổng thống Erdogan. Khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2028, Ankara đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng người Kurd như đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân cho một bản hiến pháp mới có thể kéo dài quyền lực của ông.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, quá trình giải giáp của PKK dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 3-4 tháng, dưới sự giám sát của Tổ chức Tình báo Quốc gia và các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Vũ khí sẽ được tiêu hủy theo từng nhóm, đăng ký và ghi nhận đầy đủ, không được phép chuyển giao cho bên thứ ba. Một số nghi lễ tượng trưng như “chôn vũ khí xuống đất” sẽ được tổ chức trong các giai đoạn tiếp theo, khép lại một chương lịch sử đầy máu và nước mắt.

Giải giáp PKK có ý nghĩa gì đối với Thổ Nhĩ Kỳ?

Việc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bắt đầu tiến trình giải giáp vũ khí không chỉ là một dấu mốc quan trọng đối với nội bộ nhóm này, mà còn tạo ra những tác động sâu rộng đến chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ giữa người Kurd và nhà nước, cũng như cán cân quyền lực khu vực Trung Đông. Trong khi một chương đầy bạo lực đang dần khép lại, thì nhiều chương mới, phức tạp không kém, cũng đang mở ra. Vậy chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi như thế nào sau bước ngoặt này?

Đối với nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, việc chấm dứt xung đột vũ trang với PKK đồng nghĩa với sự kết thúc của một trụ cột trong chính sách an ninh quốc gia kéo dài nhiều thập niên. Trong ngắn hạn, nó làm xáo trộn cán cân quyền lực giữa các đảng phái: đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền không còn có thể sử dụng vấn đề PKK như một công cụ huy động cử tri theo đường lối bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa. Ngược lại, đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập và các đảng thân người Kurd như đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân có thể tận dụng thời cơ để mở rộng ảnh hưởng trong bối cảnh nền chính trị đang tái cấu trúc.

Theo phân tích của chuyên gia Seren Selvin Korkmaz từ viện IstanPol, quá trình này sẽ “buộc các đảng phái điều chỉnh toàn bộ chương trình nghị sự của mình”. Sự hình thành một không gian chính trị hậu PKK có thể cho phép các yêu cầu văn hóa, ngôn ngữ và tự trị cục bộ của người Kurd được đưa ra công khai hơn và được lắng nghe nhiều hơn.

Tuy nhiên, quá trình này không suôn sẻ. Nguy cơ bị phá hoại từ các nhóm cực đoan chống đối hoặc những thành phần bảo thủ trong bộ máy an ninh vẫn là mối lo thường trực.

“Trước đây cũng có một tiến trình tương tự, nhưng rồi nhiều chuyện đã xảy ra. Giờ mọi chuyện lại lặp lại và tôi lo ngại kết cục sẽ không khác”.

Anh Koray Cevik, Người dân Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Mặt khác, việc giải giáp vũ khí không tự động mang lại hoà bình. Tương lai của phong trào người Kurd sau khi PKK buông súng cũng chưa có đáp án rõ ràng. Ước tính có khoảng 60.000 người từng có liên hệ với tổ chức này, bao gồm chiến binh, cán bộ chính trị và dân thường. Một lệnh ân xá toàn diện hiện vẫn nằm ngoài tầm với do vấp phải sự phản đối mạnh từ công chúng và phe bảo thủ trong quốc hội.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang xem xét một số mô hình hoà nhập từng phần, có thể dựa trên các chương trình giáo dục, đào tạo nghề và tái định cư. Nhưng thách thức lớn nhất nằm ở chỗ: không thể đối xử với tất cả các thành viên PKK theo một mô thức duy nhất. Trong khi một số chiến binh có thể được hồi hương hoặc hội nhập dân sự, thì khoảng 300 thành viên cấp cao, hiện đang sống ở Iraq, Syria hoặc Iran, nhiều khả năng sẽ phải định cư tại nước thứ ba, tránh tạo ra bất ổn chính trị trong nước.

Để tiến trình này tạo hiệu ứng tích cực và bền vững, Ankara được cho là đang cân nhắc mở rộng không gian chính trị cho người Kurd, bao gồm quyền sử dụng tiếng Kurd trong giáo dục, tự trị địa phương và sự tham gia bình đẳng vào đời sống chính trị. Song song với đó, kế hoạch phát triển kinh tế vùng Đông Nam - nơi cộng đồng người Kurd sinh sống tập trung, được coi là bước then chốt nhằm thu hẹp bất bình đẳng và khôi phục lòng tin.

Hiệu ứng PKK ở Trung Đông

Quá trình giải giáp của PKK không chỉ mang đến một bước ngoặt đối với nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, mà hiệu ứng của nó còn vượt xa biên giới quốc gia. PKK không chỉ là một tổ chức vũ trang trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn là một hạt nhân quan trọng trong mạng lưới chính trị - quân sự người Kurd trải dài khắp Trung Đông, từ Syria, Iraq đến Iran. Với việc PKK tuyên bố từ bỏ bạo lực, một chuỗi phản ứng dây chuyền đang được kích hoạt trên “bàn cờ người Kurd”, nơi đan xen lợi ích của nhiều thế lực khu vực và quốc tế. Câu hỏi đặt ra là: Ai được hưởng lợi từ khoảng trống PKK để lại? Và liệu sự tái cấu trúc của các lực lượng người Kurd có thực sự dẫn tới ổn định cho Trung Đông?

Suốt nhiều năm qua, PKK duy trì ảnh hưởng sâu rộng tại các khu vực người Kurd sinh sống bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua các nhóm liên kết như Liên minh Cộng đồng Dân chủ Kurd (KCK), lực lượng dân quân người Kurd (YPG), và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Những nhóm này không chỉ là “cánh tay nối dài” về mặt tư tưởng mà còn chia sẻ chung mục tiêu tự trị, cấu trúc tổ chức và thậm chí là nhân lực.

Trong bối cảnh PKK chuyển từ vũ trang sang chính trị, áp lực sẽ dồn sang YPG và SDF - vốn là đồng minh chiến thuật của Mỹ trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ankara từ lâu đã yêu cầu Washington cắt đứt quan hệ với YPG vì xem đây là một biến thể của PKK. Nếu PKK giải thể hoặc rút lui hoàn toàn khỏi vai trò trung tâm, liệu các nhóm người Kurd ở Syria có còn lý do chính đáng để duy trì vũ trang, hay sẽ bị ép phải giải giáp theo?

Mặt khác, chính những tổ chức này cũng đang phải tự định hình lại vai trò của mình. Liệu họ sẽ trở thành những lực lượng chính trị hợp pháp tại các khu vực người Kurd ở Syria và Iraq, hay bị đẩy lùi vào thế bị động trước áp lực từ Ankara, Damascus và Baghdad? Hiện tại, không có một cơ chế bảo đảm an ninh nào cho người Kurd sau khi PKK buông bỏ vũ khí, trong khi nguy cơ bị tấn công, cả từ Thổ Nhĩ Kỳ lẫn chính quyền mới ở Syria, vẫn còn nguyên.

Tiến trình phi vũ trang hóa của PKK còn được nhiều lực lượng vũ trang phi nhà nước khác trong khu vực theo dõi sát sao. Từ Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen, cho đến các nhóm dân quân dòng Shiite ở Iraq, những nhóm này đều đang đứng trước áp lực quốc tế ngày càng lớn về việc chính trị hóa lực lượng và tham gia bầu cử hoặc quản trị dân sự.

Nếu PKK - một trong những nhóm vũ trang lâu đời và “ý thức hệ” nhất Trung Đông - có thể thành công trong việc từ bỏ bạo lực mà vẫn duy trì ảnh hưởng chính trị, thì mô hình đó có thể trở thành một tiền lệ mang tính tham khảo. Ngược lại, nếu tiến trình hòa bình thất bại, hoặc bị lợi dụng để tiêu diệt PKK mà không thay thế bằng cơ chế đại diện chính trị cho người Kurd, thì thông điệp gửi tới các nhóm vũ trang sẽ là giải giáp đồng nghĩa với tự sát.

Sự biến mất của PKK khỏi vũ đài vũ trang đặt ra một lỗ hổng quyền lực mà các cường quốc có thể tìm cách lấp đầy, hoặc khai thác vì lợi ích riêng. Mỹ, nước đang bảo trợ cho SDF ở Syria, có thể sẽ thúc đẩy một quá trình hòa nhập chính trị cho người Kurd. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Washington sẽ không sẵn lòng đối đầu trực tiếp với Ankara, một đồng minh NATO, để bảo vệ các quyền tự trị của người Kurd.

Nga và Iran cũng có vai trò phức tạp. Iran, vốn có cộng đồng người Kurd riêng, lo ngại rằng mọi động thái khuyến khích tự trị người Kurd ở Iraq và Syria có thể lan sang lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Nga - với ảnh hưởng không nhỏ ở Trung Đông - có thể tận dụng quá trình tái cấu trúc để mặc cả lợi ích chiến lược.

Tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi: liệu đã đến lúc cần một cơ chế quốc tế toàn diện về vấn đề người Kurd? Từ lâu, người Kurd vẫn được ví như “dân tộc không có quốc gia lớn nhất thế giới”. Việc đảng công nhân người Kurk (PKK) rút lui khỏi vai trò trung tâm là thời điểm then chốt để xác định liệu cộng đồng 30 triệu người này có bước vào một kỷ nguyên chính trị đa trung tâm và hợp pháp, hay tiếp tục bị phân mảnh và thao túng?

Việc PKK từ bỏ vũ trang có thể là một tín hiệu tích cực sau hàng chục năm xung đột, nhưng đồng thời cũng đặt ra một chuỗi nguy cơ mới cho trật tự khu vực. Nếu không có một tầm nhìn chung về vai trò của người Kurd, khoảng trống mà PKK để lại có thể bị lấp đầy bởi hỗn loạn thay vì hòa bình. Với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là thời cơ để tái định hình quan hệ với người Kurd. Với người Kurd tại Syria, Iraq, Iran, đây là thời khắc của sự lựa chọn. Và với khu vực Trung Đông rộng lớn, câu chuyện hậu PKK sẽ là phép thử lớn tiếp theo cho bất kỳ tham vọng ổn định dài hạn nào. Giống như một vết thương đang dần khép miệng, Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và Trung Đông nói chung giờ đây cần đến một liều thuốc chữa lành sâu hơn: cải cách chính trị thực chất, công nhận bản sắc người Kurd và sự tin cậy lẫn nhau.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời