EU thúc đẩy ý tưởng thành lập tổ chức thay thế WTO
Liên minh châu Âu EU vừa đưa ra sáng kiến thành lập một tổ chức thương mại mới thay thế WTO.
Hệ thống thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan do Mỹ phát động đã làm xáo trộn cục diện thương mại toàn cầu. Điều này đặt ra thách thức đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, khi mà vai trò dẫn dắt của WTO đang tỏ ra lu mờ, đồng thời cũng cho thấy yêu cầu cải cách WTO ngày càng cấp thiết. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu EU đã đưa ra sáng kiến thành lập một tổ chức thương mại mới thay thế WTO.
Vai trò của WTO ngày càng mờ nhạt?
WTO được thành lập năm 1995, là một tổ chức quốc tế có vai trò điều tiết và thúc đẩy thương mại toàn cầu, với vai trò dẫn dắt của Mỹ. Tổ chức này thiết lập các quy tắc và tạo ra một diễn đàn để các quốc gia thành viên đàm phán, giải quyết tranh chấp thương mại, và thực thi các hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, có những ý kiến chung cho rằng trên thực tế WTO từ lâu đã không phát huy được vai trò và thực thi được sứ mệnh lịch sử của nó. Công cuộc cải tổ WTO tiến triển chậm chạp và kém thực chất, không thể ứng phó với những biến động đang diễn ra trong thế giới hiện đại. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế và trao đổi thương mại thế giới tồn tại khá lâu nay mà WTO vẫn không thể xử lý ổn thoả.
WTO đã bị tê liệt thực sự kể từ tháng 12/2019, khi Mỹ bắt đầu chặn các cuộc bổ nhiệm vào Cơ quan phúc thẩm, khiến hệ thống giải quyết tranh chấp hai cấp không hoạt động.
Các cuộc đàm phán thương mại lớn chẳng hạn như các cuộc đàm phán về việc xóa bỏ trợ cấp nghề cá có hại và cải cách các quy định về nông nghiệp vẫn bị đình trệ do lập trường cố hữu của các thành viên chủ chốt, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và chính EU.
WTO đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử, liên quan đến tình trạng tê liệt thực sự của các cuộc đàm phán đa phương, các yêu sách chung của các nước thành viên WTO về việc thực hiện nghĩa vụ của họ và những bất đồng cơ bản về sự phát triển hơn nữa của thương mại toàn cầu. Để nâng cao hiệu quả của WTO, cần phải cải tổ để tiếp tục hoạt động đầy đủ của tất cả các cơ quan, bao gồm cả việc tăng cường các chức năng cốt lõi của mình".
Uy tín của WTO bị ảnh hưởng, lòng tin của các thành viên vào năng lực cũng như tương lai của WTO bị suy giảm. Gần đây, nhiều nền kinh tế thành viên đang tự giải quyết bất đồng mà không thông qua WTO. Điển hình là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt cuộc thương chiến thuế quan với các đối tác kinh tế và thương mại trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã nhiều lần chỉ trích các hiệp định thương mại đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng chúng làm tổn hại lợi ích của Mỹ. Việc áp thuế đối ứng với các nước cho thấy Mỹ đang muốn chuyển hướng sang một hệ thống thương mại song phương, nơi Washington có thể áp đặt các điều khoản có lợi hơn thông qua đàm phán trực tiếp. Điều này khiến WTO đứng bên bờ sụp đổ.
Ý tưởng về một tổ chức thương mại thay thế WTO
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 6 vừa qua tại Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen đã đề xuất khởi động một sáng kiến do EU lãnh đạo nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác thương mại với các nước châu Á, có khả năng đặt nền tảng cho một giải pháp thay thế cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang bế tắc. Các nước châu Âu kỳ vọng sáng kiến này sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới định hình lại trật tự thương mại toàn cầu mà ông Trump đang muốn thay đổi.
Những người thúc đẩy mạnh mẽ nhất ý tưởng về một tổ chức thương mại riêng cho châu Âu là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Friedrich Merz.
Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen đã nêu ra ý tưởng liệu chúng ta, với tư cách là người châu Âu, có nên khởi xướng một tổ chức thương mại mới để dần thay thế những gì chúng ta không còn nữa ở WTO. Tất cả các bạn đều biết rằng WTO không còn hoạt động nữa."
Sở dĩ EU khởi xướng ý tưởng này là vì khối này là một trong những đối tượng chịu tác động của chính sách thuế quan của Mỹ, trong khi WTO gần như không thể hiện vai trò gì trong việc xoa dịu những căng thẳng này. Ông Trump cảnh báo áp mức thuế 50% với hàng hóa của EU. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU đã leo thang từ đầu năm 2025.
Ông Trump cho rằng EU đã "lợi dụng" Mỹ trong thương mại thông qua các rào cản phi thuế quan. Ông chỉ ra mức thâm hụt thương mại hơn 250 tỷ USD mỗi năm giữa Mỹ và EU là "không thể chấp nhận được" và tuyên bố mức thuế quan 50% sẽ là công cụ để buộc các công ty châu Âu phải xây dựng nhà máy tại Mỹ, qua đó tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa Mỹ. Trước đó, ông Trump đã công bố áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico, dẫn đến các biện pháp trả đũa từ EU trị giá 28,3 tỷ USD. Tuy nhiên, EU đã tạm hoãn thuế trả đũa trong 90 ngày để đàm phán.
Trong thời gian này, EU vẫn tích cực đàm phán với Mỹ để có được mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn các phương án đối phó trong trường hợp đàm phán không mang lại kết quả.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, mục tiêu của EU là đạt được một thỏa thuận thương mại “về nguyên tắc” với Mỹ trước ngày 9/7. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các cuộc đàm phán hiện tại đang đạt được tiến triển đáng kể.
Các vấn đề thương mại giữa EU và Mỹ đã trở nên nhạy cảm hơn trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, đặc biệt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine và quan điểm chính sách ngày càng cứng rắn từ phía chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.
Vì những lý do đó, các nhà lãnh đạo EU cho rằng một tổ chức thương mại khác có khả năng xử lý những vấn đề tranh chấp phức tạp giữa các đối tác kinh tế là hết sức cần thiết. Theo các nhà lãnh đạo EU, tổ chức thương mại riêng cho châu Âu (có thể được gọi tắt là ETO) sẽ giúp các nước châu Âu bảo vệ được lợi ích chính đáng của các nước này. Tổ chức này sẽ là sự bổ sung cho WTO nhưng đồng thời cũng còn gia tăng áp lực buộc WTO phải đẩy mạnh công cuộc cải tổ về thể chế và tổ chức để thích ứng với thế giới đã thay đổi rất cơ bản.
Tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về khả năng cải tổ khuôn khổ thể chế của WTO, bao gồm cả các cơ chế giải quyết tranh chấp đang bị đình trệ, để phản ánh tốt hơn bối cảnh thương mại toàn cầu hiện tại.
Theo bà von der Leyen, một tổ chức thương mại châu Âu như thế sẽ giúp châu Âu vừa tự giải quyết được mọi tranh chấp và xung khắc thương mại giữa các nước châu Âu lại vừa có được sự thống nhất quan điểm về luật pháp và tư pháp để hậu thuẫn các nước châu Âu trong tranh chấp và xung khắc thương mại giữa các quốc gia châu Âu với các đối tác ở bên ngoài châu Âu.
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm tránh sự tê liệt của WTO. 57 thành viên WTO, bao gồm Vương quốc Anh, Paraguay và Malaysia, đã tham gia Thỏa thuận trọng tài phúc thẩm tạm thời đa bên (MPIA), một cơ chế sao chép các chức năng của Cơ quan phúc thẩm WTO cho các thành viên tham gia, có tác dụng như một biện pháp tạm thời.
Tuy nhiên, MPIA chỉ bao gồm 57,6% thương mại toàn cầu và không giải quyết được cuộc khủng hoảng thể chế rộng lớn hơn.
Hướng tới các tổ chức khác ngoài WTO
Mặc dù ý tưởng thành lập một cơ chế mới thay thế WTO mới chỉ là sơ khai, nhưng nó cho thấy nỗ lực của EU nhằm ứng phó với các thách thức do căng thẳng thương mại toàn cầu gây ra. Với ý tưởng đó, trong thời gian gần đây, EU đang tăng cường hợp tác với các đối tác khác trên thế giới và tham gia vào các liên kết thương mại tự do khác nhau, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã trình bày với các nhà lãnh đạo các lựa chọn khác nhau về thỏa thuận thương mại, trong đó tập trung vào tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại khu vực gồm 11 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương và Vương quốc Anh.
Bà Leyen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của WTO và cho thế giới thấy rằng “thương mại tự do dựa trên các quy tắc” vẫn có thể đạt được với một nhóm lớn các đối tác sẵn sàng.
Nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng việc EU hợp tác với CPTPP có thể đóng vai trò là nền tảng mới cho hợp tác thương mại dựa trên luật lệ.
Hợp tác với CPTPP là liên kết thương mại khu vực vành đai Thái Bình Dương bao gồm 12 quốc gia như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chile, Peru, Brunei, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Anh.
Hiện 39 quốc gia của EU và CPTPP chiếm 30% thương mại thế giới. Những người ủng hộ lập luận rằng việc thành lập một liên minh giữa EU và CPTPP có thể đánh dấu bước đầu tiên hướng tới việc định hình lại trật tự thương mại quốc tế và thoát khỏi tình trạng tê liệt về mặt thể chế đang bủa vây WTO.
Bà von der Leyen cho biết nhóm mới sẽ thiết kế lại các quy tắc của thương mại toàn cầu, cải cách hoặc thậm chí có thể thay thế cơ quan quản lý quy tắc thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, làm sao để thành lập một liên minh như vậy sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với EU.
Các nhà đàm phán thương mại cấp cao của EU cho biết trong bước đầu tiên, 39 quốc gia EU và CPTPP nên cam kết thực hiện "Thỏa thuận đình trệ" để giữ cho thị trường của các nước này mở cửa với nhau. Điều này sẽ gửi một tín hiệu lớn đến Washington rằng một phần rất đáng kể của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm hầu hết các đối tác truyền thống gần gũi nhất của Mỹ, vẫn cam kết với hệ thống dựa trên luật lệ”.
Mỹ đã có cơ hội tham gia CPTPP, trước đây được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong chính quyền Barack Obama. Nhưng ông Trump đã rút lui vào năm 2017, sau khi nhậm chức nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên, trước khi hiệp định được hoàn tất.
Khi được hỏi vào liệu Mỹ có tham gia sáng kiến mới giữa EU và CPTPP hay không, bà von der Leyen trả lời rằng “Mỹ đã rời đi vào một thời điểm nhất định”. Tuy nhiên, hai khối sẽ quyết định xem họ có muốn Mỹ gia nhập hay không.
Ignacio García Bercero, cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại EU, tin rằng quan hệ đối tác tiềm năng này không nên đóng cửa với người Mỹ ngay lúc này, cũng không nên coi đó là động thái nhằm chống lại Trump.
Tuy nhiên, "nếu Mỹ chưa sẵn sàng tham gia vì họ không tin rằng giải pháp cho những vấn đề này là các quy tắc, thì những nước khác sẽ phải tiến lên mà không có Mỹ".
Vương quốc Anh cũng đã đi đầu trong các nỗ lực với tư cách là thành viên mới của CPTPP để hoan nghênh động thái của EU nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai đối tác tiềm năng, dù khẳng định là sẽ có nhiều khó khăn.
Tôi nghĩ rằng đó là một môi trường khó khăn, nhưng có những cơ hội đáng kể nếu chúng ta nhanh nhẹn về điều đó, nếu chúng ta hiểu thế giới mà chúng ta đang sống và đi trước một bước".
Nếu EU và CPTPP có thể thiết lập một cộng đồng giá trị và lợi ích mới, thì đó có thể là cơ sở để giải quyết các thách thức thương mại đã tích tụ kể từ khi WTO được thành lập cách đây 30 năm. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó khăn vì Tổ chức thương mại WTO có trụ sở tại Geneva hoạt động theo sự đồng thuận giữa các thành viên và Mỹ - thành viên lớn nhất của tổ chức này sẽ có ít khả năng tham gia.
Bà von der Leyen hiện đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các nước CPTPP, đưa ra tuyên bố chung với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, trong đó cả hai đều ủng hộ việc khởi động một cuộc đối thoại giữa EU và CPTPP "càng sớm càng tốt". Tuyên bố này tương tự như lời kêu gọi của các bộ trưởng CPTPP họp tại Jeju, Hàn Quốc vào giữa tháng 5.
Một hệ thống quy định và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại toàn cầu như WTO vốn được lập ra để hỗ trợ các quốc gia trao đổi thương mại công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, khi vai trò lãnh đạo và điều phối của WTO bị bỏ qua thì cả hệ thống thương mại toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng “lâm nguy”. Việc cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của WTO chắc chắn không phải chuyện đơn giản bởi nó đụng chạm tới ảnh hưởng chính trị và lợi ích kinh tế của các bên, trong khi đó việc thành lập một tổ chức mới để thay thế WTO như cách mà EU đang làm cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, trong bối cảnh xu hướng thương mại song phương của Mỹ đang ngày càng rõ ràng.