Cuộc đối đầu giữa hai 'người khồng lồ' Mỹ - EU

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư đe dọa áp mức thuế 30% lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/8, dự báo tạo ra cuộc đối đầu chưa từng có giữa Mỹ và EU.

Việc Tổng thống Donald Trump đe dọa áp đặt mức thuế 30% lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra những tác động đáng kể và phức tạp đến nền kinh tế của khối này. Hiện các nước EU đang bàn các biện pháp đáp trả nếu mức thuế này thật sự được áp dụng.

Doanh nghiệp châu Âu “đứng ngồi không yên”

Thương mại giữa EU và Mỹ vốn là một trong những quan hệ kinh tế quan trọng nhất trên thế giới, với tổng giá trị hàng hóa trao đổi hàng năm lên đến hàng trăm tỷ euro. Mức thuế cao 30% mà Mỹ áp dụng lên các mặt hàng nhập khẩu từ EU sẽ khiến hàng hóa châu Âu trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường Mỹ, từ đó giảm sức cạnh tranh và làm sụt giảm doanh số xuất khẩu. Điều này gây áp lực lên các doanh nghiệp, buộc họ phải lựa chọn giảm lợi nhuận hoặc tăng giá bán, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các nhà sản xuất phô mai và rượu vang Pháp đã lên tiếng cảnh báo rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp nước này, đặc biệt là lĩnh vực sữa.

“Chúng tôi từng chứng kiến những con số đáng kể trong xu hướng tăng thuế trước đây, nhưng mức 30% lần này thực sự là một cú sốc. Đây là tín hiệu rất tiêu cực mà Mỹ đang gửi đến các đối tác thương mại châu Âu. Biện pháp này là một phần trong chiến lược rộng hơn của Tổng thống Trump và chính quyền mới tại Washington, nhằm tái cấu trúc toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế theo hướng có lợi cho Mỹ. Nó thực sự đang tái định nghĩa lại thương mại toàn cầu vẫn tồn tại kể từ sau Thế chiến thứ hai.”

Ông François-Xavier Huard – Giám đốc điều hành Liên đoàn Công nghiệp Sữa Quốc gia Pháp (FNIL).

Ngành sữa của Pháp hiện xuất khẩu gần một nửa sản lượng, trong đó Mỹ là một thị trường quan trọng với các mặt hàng chủ lực như phô mai sữa chua và bơ. Mỗi năm, ngành này đạt doanh thu khoảng 350 triệu euro (tương đương hơn 409 triệu USD) từ thị trường Mỹ. Nếu thuế quan 30% có hiệu lực, ngành có nguy cơ mất hàng chục triệu euro doanh thu. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu sữa của Pháp buộc phải cân nhắc lại chiến lược và thị trường mà họ đang hoạt động.

Động thái áp thuế của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến ngành sữa Pháp mà còn đe dọa toàn bộ ngành nông sản EU, trong đó rượu vang, thịt nguội và các sản phẩm đặc sản khác cũng đứng trước nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lớn nhất ngoài khối.

Các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến của EU như phô mai, rượu vang, dầu ô liu, và thịt chế biến đều có thị trường tiêu thụ lớn tại Mỹ. Ví dụ, ngành sản xuất phô mai tại Pháp và Italy đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt do giá bán tại Mỹ tăng cao sau khi chịu mức thuế mới. Sự giảm sút trong xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn làm giảm thu nhập của các hộ nông dân, nhà sản xuất nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Việc này dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng nông sản, ảnh hưởng lan rộng đến các ngành liên quan như vận tải, kho bãi, chế biến và phân phối.

Ngành sắt thép cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh của thuế quan. EU là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu sắt thép lớn nhất thế giới, trong đó các quốc gia như Đức, Italy và Tây Ban Nha đóng vai trò chủ đạo. Mức thuế 30% đồng nghĩa với việc các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ đội giá lên rất nhiều, khiến các nhà máy thép EU mất đi một phần lớn thị trường quan trọng này.

Tác động rộng hơn từ sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ do thuế quan gây ra là rất nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp ô tô của EU. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm 15% sản lượng ô tô của châu Âu, khiến ngành này đặc biệt dễ tổn thương. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào một ngành không chỉ tạo hàng triệu việc làm, mà còn đóng góp một phần lớn vào GDP của toàn khối.

Nhiều người có thể nghĩ rằng các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Mỹ sẽ là bên hưởng lợi trong kịch bản này, do thuế quan áp lên EU làm giảm sức cạnh tranh về chi phí. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng ô tô mang tính toàn cầu, nên các loại thuế quan khác sẽ làm tăng chi phí đầu vào, làm mất đi một phần lợi thế đó. Ngoài ra, các biện pháp trả đũa thuế quan từ các quốc gia khác cũng sẽ làm giảm đáng kể lợi ích tiềm năng này.

Những tác động này còn lan rộng ra cả nền kinh tế EU nói chung. Khi các ngành công nghiệp trọng điểm giảm tốc, GDP của các quốc gia trong khối cũng sẽ chịu áp lực. Các báo cáo kinh tế cho thấy mức thuế cao có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế EU từ 0,5% đến 0,7% trong vài năm tới, tùy thuộc vào mức độ căng thẳng thương mại kéo dài.

Áp lực lớn với nền kinh tế Mỹ

Việc ông Trump đe dọa áp thuế 30% với EU đã gây chấn động các thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại sâu sắc về các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi chậm sau những biến động từ chuỗi cung ứng và địa chính trị, chính sách thương mại mới của Mỹ được cho là sẽ định hình lại quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương, đồng thời tạo ra áp lực lớn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và hệ thống chính sách tiền tệ nội địa. Trước hết, một trong những ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất là áp lực lạm phát. Việc đánh thuế 30% lên hàng loạt sản phẩm châu Âu, từ ô tô, thiết bị công nghiệp, thép, rượu vang, cho đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như phô mai, thực phẩm chế biến sẽ dẫn đến tăng giá nhập khẩu. Chi phí tăng này không chỉ được chuyển sang các nhà phân phối, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, vốn đã phải chịu đựng mức lạm phát cao suốt hai năm qua.

Theo các nhà phân tích tại High Frequency Economics, mức thuế 30% có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ chi tiêu thêm từ 1.900 đến 2.100 USD mỗi năm, tùy vào mức độ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu châu Âu. Riêng trong ngành ô tô, giá bán lẻ trung bình một chiếc xe nhập khẩu từ châu Âu có thể tăng thêm hơn 2.700 USD. Điều này đồng nghĩa với việc sức mua của người tiêu dùng sẽ giảm sút, kéo theo tăng trưởng tiêu dùng, một trụ cột quan trọng của GDP Mỹ suy giảm.

Không chỉ dừng lại ở chi tiêu hộ gia đình, các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ chịu áp lực lớn từ chi phí đầu vào tăng cao. Rất nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ, đặc biệt là công nghệ cao, ô tô, dược phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu từ EU. Khi các nguyên liệu này bị đánh thuế cao, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với bài toán khó: hoặc tăng giá sản phẩm, hoặc giảm biên lợi nhuận. Cả hai kịch bản đều dẫn đến kết quả tiêu cực cho tăng trưởng sản xuất và khả năng cạnh tranh của Mỹ trên thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn ít khả năng xoay chuyển chuỗi cung ứng sẽ là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

“Chính Mỹ có thể sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Liên minh châu Âu từ các mức thuế đã hoặc sắp được EU triển khai. Các mức thuế đó sẽ gây ra tác động làm gia tăng lạm phát tại Mỹ, và lạm phát đồng nghĩa với việc người dân và người tiêu dùng có ít sức mua hơn. Trong khi đó, kinh tế Mỹ lại phụ thuộc rất nhiều vào tiêu dùng như một động lực tăng trưởng. Vì vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu cú đánh đáng kể. Điều đó có nghĩa là EU đang nắm một phần lợi thế trong tay."

Ông Cyrus de la Rubia - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại Hamburg, Đức.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp và xuất khẩu cũng đối mặt với nguy cơ bị trả đũa. EU đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả, có thể áp thuế lên rượu whiskey, đậu nành, thịt bò, ngô và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Điều này sẽ đặc biệt gây khó khăn cho nông dân Mỹ vốn đã bị ảnh hưởng bởi biến động thời tiết và chi phí phân bón tăng. Hiệp hội Nông nghiệp Quốc gia Mỹ (AFBF) cảnh báo rằng nếu EU thực hiện gói trả đũa trị giá 72 tỷ euro như đang được cân nhắc, thiệt hại cho ngành nông nghiệp Mỹ có thể lên tới hàng chục tỷ USD.

"Tôi cho rằng điều mà EU kỳ vọng là tạo áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ, để chính các công ty này quay lại gây sức ép với Nhà Trắng và những người có trách nhiệm, nói rằng: 'Liệu điều này có thực sự cần thiết không? Sao không cân nhắc lại một lần nữa?”

Ông Cyrus de la Rubia - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại Hamburg, Đức.

Về mặt vĩ mô, các tổ chức tài chính lớn như CBO (Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng. Theo CBO, chính sách thuế mới nếu duy trì trong thời gian dài có thể khiến GDP Mỹ giảm trung bình 0,06 điểm phần trăm mỗi năm và làm tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) lên thêm 0,4%.

Thêm vào đó, thị trường tài chính đã bắt đầu phản ứng tiêu cực. Trong vòng hai ngày sau tuyên bố của ông Trump, chỉ số Dow Jones giảm gần 1%, Nasdaq sụt 1,3% trong khi giá vàng tăng mạnh do nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, phản ánh tâm lý lo ngại về triển vọng kinh tế. Đồng thời, đồng USD tăng giá so với đồng euro, một mặt phản ánh sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ, nhưng mặt khác cũng khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn khi xuất khẩu, làm giảm cạnh tranh quốc tế.

Châu Âu tìm cách ứng phó

Ủy ban châu Âu đã nhanh chóng đưa ra phản ứng thống nhất về mặt hình thức, thực tế nội bộ EU lại đang tồn tại nhiều khác biệt rõ rệt giữa các nước thành viên về cách tiếp cận và đối phó với lời đe dọa từ phía Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gọi tuyên bố của ông Trump là “hoàn toàn không thể chấp nhận,” đồng thời khẳng định EU ưu tiên đàm phán nhưng sẽ “không ngần ngại đáp trả bằng các biện pháp tương xứng nếu Mỹ đơn phương áp thuế.” Đại diện thương mại EU, ông Maros Sefcovi, thậm chí còn cảnh báo rằng mức thuế 30% này “sẽ xóa sổ toàn bộ hoạt động thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương,” và nhấn mạnh rằng EU đã chuẩn bị một gói biện pháp đáp trả trị giá 72 tỷ euro, bao gồm việc áp thuế lên các sản phẩm xuất xứ từ Mỹ trong các lĩnh vực như công nghệ, ô tô, nông sản và dược phẩm. Dù sự chia rẽ trong quan điểm giữa các quốc gia thành viên đang khiến việc xây dựng một mặt trận thống nhất trở nên khó khăn, nhưng ai cũng hiểu, đối đầu với Mỹ sẽ không có lợi.

Pháp là quốc gia cứng rắn nhất. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố EU cần phản ứng “nhanh chóng và mạnh mẽ.” Ông khẳng định: “Châu Âu không thể lùi bước khi bị ép buộc về mặt kinh tế” và cho rằng “nếu không hành động, EU sẽ mất uy tín trong trật tự thương mại toàn cầu”.

Trái lại, Đức – nền kinh tế đầu tàu của EU lại thể hiện sự thận trọng rõ rệt. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết chính phủ Đức lo ngại về tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô, một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực sang Mỹ. Theo ông, Đức sẵn sàng ủng hộ các biện pháp trả đũa, nhưng cần “duy trì kênh đối thoại mở với Washington”. Quan điểm này phản ánh lợi ích sâu rộng của Đức trong quan hệ thương mại song phương với Mỹ, đồng thời cho thấy nước này ưu tiên tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế trong nước.

Ngược lại, Hungary và một số quốc gia Trung và Đông Âu tỏ ra ít mặn mà với các biện pháp trả đũa. Truyền thông châu Âu đưa tin Hungary gần như không tham gia tích cực vào các cuộc họp nội bộ khẩn cấp của EU về chủ đề này. Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Viktor Orbán muốn duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với Washington, kể cả dưới thời ông Trump, tránh mạo hiểm tham gia một cuộc đối đầu quy mô lớn.

"Tôi cũng đã bày tỏ rõ sự thất vọng của mình về biện pháp này, bởi vì nó đã đẩy chúng ta vào một cục diện hoàn toàn khác. Dù vậy, bất chấp bức thư đó, chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp tục đàm phán. Tất nhiên, chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này, bởi tôi hoàn toàn chắc chắn 100% rằng một giải pháp đàm phán sẽ tốt hơn rất nhiều so với sự căng thẳng có thể xảy ra sau ngày 1 tháng 8 nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận này."

Ông Maros Sefcovic - Ủy viên thương mại EU.

Ngày 14/7 (giờ địa phương), Hội đồng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận về tình hình và triển vọng quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến các chính sách thuế quan mới của Washington.Tại cuộc họp, các Bộ trưởng Thương mại đã chia sẻ quan điểm về diễn biến gần đây trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương. Hội đồng nhận định mức thuế 30% mới được Mỹ công bố là không hợp lý và không thể chấp nhận. Tuy nhiên, các Bộ trưởng khẳng định cam kết tiếp tục đối thoại với phía Mỹ nhằm đạt được một giải pháp thương lượng, hướng đến việc giảm thuế, khôi phục ổn định và khả năng dự đoán cho hoạt động thương mại hai bên.

Dù chưa rõ liệu ông Trump có thực sự áp thuế đúng như đe dọa hay không, nhưng việc ông đưa ra tuyên bố ngay trong thời điểm chuẩn bị cho kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ khiến giới phân tích đánh giá đây cũng là chiến lược vận động cử tri nhằm tranh thủ tầng lớp lao động vốn ủng hộ các chính sách bảo hộ thương mại. Đối với Liên minh châu Âu, căng thẳng thương mại với Mỹ không chỉ là bài toán về chính sách kinh tế, mà còn là phép thử đối với khả năng đoàn kết nội khối và sự tồn tại của trật tự thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời